Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Những “chiến binh” bảo vệ biển đảo

Thứ Tư 04/09/2019 | 10:47 GMT+7

VHO- Kể từ khi Trung Quốc điều nhóm tàu Hải Dương đến Bãi cạn Tư Chính gây hấn thì môi trường hòa bình trên vùng biển thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của ta bị đe dọa. Trước vấn đề đó, các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, nhà giàn DK1, Cảnh sát biển, Kiểm ngư vẫn từng giây từng phút vững chí kiên cường bám biển.

Nhà giàn DK1, điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ

Họ là những “chiến binh” đấu tranh, giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong mọi tình huống.

1. Trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Quân chủng Hải quân là lực lượng chủ lực, trong đó cán bộ, chiến sĩ ở các đảo, điểm đảo đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa và cán bộ chiến sĩ ở các nhà giàn DK1 đóng quân trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc là lực lượng trực tiếp bảo vệ từng cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển.

Tám tháng đầu năm 2019, Quân chủng Hải quân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong đó nhiệm vụ bảo vệ ngư dân, tìm kiếm cứu nạn, giữ vững môi trường hòa bình cho ngư dân khai thác đánh bắt xa bờ. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn quân chủng đã tổ chức 134 đợt tìm kiếm cứu nạn với gần 3 nghìn lượt cán bộ chiến sĩ; 67 lần chiếc tàu, 4 lượt máy bay được điều động khẩn cấp; tìm kiếm và cứu vớt 67 người bị nạn trên sông, biển; cứu kéo 8 phương tiện ra khỏi bãi cạn, 23 phương tiện hỏng máy, trôi dạt; cấp 1.700m3 nước ngọt cho nhân dân vùng hạn hán và bà con ngư dân khai thác đánh bắt thủy hải sản trên các vùng biển, đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Song song với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng trong mọi tình huống, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chú trọng xây dựng cho cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ vùng trọng điểm ở Trường Sa, Nhà giàn DK1 có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Thành công nhất trong công tác xây dựng bản lĩnh chính trị là, mỗi đảo là một “pháo đài thép”, mỗi nhà giàn là một mắt thần canh biển. Đối với mỗi người lính, đều có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, yêu biển, đảo, tàu, đài, trạm; coi đảo là nhà, biển cả là quê hương, giữ nhà giàn bằng sức mạnh và bản lĩnh người lính.

2. Cùng chiến tuyến với cán bộ chiến sĩ ở các đảo, điểm đảo đóng quân Trường Sa, các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được coi là những “pháo đài thép” canh biển trời Nam của Tổ quốc. Kể từ khi Trung Quốc điều nhóm tàu Hải Dương xuống vùng biển Bãi cạn Tư Chính, nơi có những nhà giàn DK1 đóng quân, việc nêu cao tinh thần cảnh giác càng được tăng cường. Tại các nhà giàn DK1, giáo dục chính trị, “tăng cường quan sát, phát hiện mục tiêu từ xa, sẵn sàng hy sinh quên mình để bảo vệ nhà giàn” được đặt lên hàng đầu.

Song song với nhiệm vụ quân sự, cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 đã làm điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển. Điển hình nhất trong thực hiện nhiệm vụ chủ quyền, là cán bộ chiến sĩ kiên cường bám biển. Đó là cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK/12 Tư Chính cứu ngư dân trên biển; nhà giàn DK1/16 giúp tàu cá Kiên Giang phòng chống cháy nổ giữa biển khơi; cấp hàng chục khối nước ngọt, muối ăn; khám cấp thuốc miễn phí cho 21 lượt ngư dân bị tai nạn lao động. Những công việc thầm lặng đầy hy sinh ấy, khẳng định rằng, cán bộ chiến sĩ nơi “đầu đội trời, chân đạp sóng” luôn nêu cao sứ mệnh của người lính thời bình.

Tám tháng đầu năm 2019, cán bộ chiến sĩ ở các Vùng Cảnh sát biển đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó nổi bật nhất là kiên cường đấu tranh bảo vệ chủ quyền với nhóm tàu Hải Dương 8 đang có hành động vi phạm chủ quyền lãnh hải ngoài Bãi cạn Tư Chính. Một trong những đơn vị là “cánh chim đầu đàn” dẫn đầu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3 đóng quân ở phường 11 TP Vũng Tàu.

Với nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật và thực thi chủ quyền trên các vùng biển đảo, Vùng Cảnh sát biển 3 đã tổ chức những biên đội tàu đang ngày đêm đấu tranh, xua đuổi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ ấy, cán bộ chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 3 thực hiện hàng trăm chuyến tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển được phân công quản lý. Nhiều vụ tàu chở dầu trái phép trên cửa biển Vũng Tàu được các chiến sĩ trinh sát phát hiện, mai phục bắt giữ phương tiện, hoàn thành hồ sơ, giao cho cơ quan chức năng điều tra xử lý.

Tiêu biểu nhất trong công tác đấu tranh vây bắt tội phạm là vụ truy bắt thành công 11 người nước ngoài tham gia cướp tàu chở dầu Zafirah (quốc tịch Malaysia); bắt giữ tàu Việt Hải đang buôn bán 914 ngàn lít xăng dầu trái phép. Gần đây nhất, các trinh sát của đơn vị này bắt quả tang tàu cá số hiệu BV5491TS đang vận chuyển trái phép 100.000 lít dầu DO trên cửa biển Vũng Tàu. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy, Vùng Cảnh sát biển 3 thường xuyên chủ động ký kết qui chế phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội với cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảng vụ của các tỉnh, thành ven biển phía Nam; đồng thời duy trì thường xuyên chế độ giao ban định kỳ, trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng về tình hình hoạt động của các thế lực thù địch; âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm để có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời.

3. Nói đến lực lượng chủ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo, không thể không kể ra đây lực lượng Kiểm ngư của Bộ NN&PTNT. Với nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền; bảo vệ ngư dân, tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, đảo Việt Nam; xử phạt hành chính đối với các tập thể, cá nhân vi phạm các hành động của tàu thuyền nước ngoài; tuyên truyền giúp đỡ bảo vệ ngư dân…

8 tháng đầu năm 2019, cùng với các lực lương Cảnh sát biển, kiểm ngư làm tốt công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đặc biệt, đang ngày đêm cùng tàu của Cảnh sát biển đấu tranh, tuyên truyền buộc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, lực lượng kiểm ngư đã cứu hộ cứu nạn hàng chục tàu thuyền và nhiều ngư dân gặp nạn trên biển. Điển hình là vụ các kiểm ngư viên thuộc tàu KN 403 đã cứu vớt an toàn 13 ngư dân của tàu cá BĐ 97825 TS bị chìm tàu ngoài vùng biển đảo Đá Thị - Trường Sa. 

 TRẦN MẠNH TUẤN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top