Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đề án Xây dựng “Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam”:  Nhiều nơi chưa mặn mà đón nhận

Thứ Hai 02/09/2019 | 10:35 GMT+7

VHO-  Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội. Hai đề án “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” và “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho hành trình xây dựng thương hiệu quốc gia.

 Nhiếp ảnh VN chưa có thị trường đúng nghĩa

Đường mới đi là con đường khó

Ý kiến của nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, nhà quản lý mỹ thuật, nhiếp ảnh cho rằng, xây dựng thương hiệu quốc gia ở các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam còn quá mới mẻ và vì vậy sẽ gặp không ít khó khăn. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, hội thảo là hoạt động triển khai Quyết định số 1755/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Quyết định số 900/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về xây dựng Đề án thương hiệu quốc gia lĩnh vực Mỹ thuật - Nhiếp ảnh.

Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, hai đề án được lựa chọn xây dựng trên cơ sở nhìn nhận đây là những khoảnh đất có ưu thế, tiềm năng để hiện thực hóa ý tưởng về những thương hiệu quốc gia trong tương lai. “Từ lợi thế về di sản văn hóa và thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và đất nước con người để xây dựng đề án “Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam”. Đề án “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” cũng được hình thành từ lợi thế truyền thống lâu đời của nghề sơn và chất liệu sơn ta, cùng sự đột phá trong kỹ thuật sơn ta của các họa sĩ hội họa sơn mài Việt Nam…”, ông Thành cho biết.

Chia sẻ rõ hơn về nhiệm vụ xây dựng thương hiệu quốc gia trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, mỹ thuật, nhiếp ảnh là hai lĩnh vực văn hóa đầu tiên tổ chức lấy ý kiến về xây dựng thương hiệu quốc gia. Phát triển công nghiệp văn hóa nói chung và ở các lĩnh vực riêng như điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa, quảng cáo trong bối cảnh Việt Nam hiện nay còn nhiều điều mới mẻ, khó khăn. Các đề án xây dựng thương hiệu quốc gia cần chú ý nhiệm vụ tạo dựng tiêu chí nhận diện và quảng bá thương hiệu quốc gia ở trong nước và quốc tế.

Tiêu chí nhận diện có thể là logo, hoặc thông qua một số sự kiện như lễ hội, liên hoan… Những hình thức này trên thế giới đã có nhiều, tuy nhiên ở Việt Nam còn khá hiếm hoi và chưa gắn với khái niệm thương hiệu quốc gia, công nghiệp văn hóa. Ở mỹ thuật và nhiếp ảnh, để khai phá và xây dựng thành công thương hiệu quốc gia có thể “hái ra tiền” không hẳn là quá khó, nhưng chắc chắn sẽ vô số gian nan.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

Lo ngại tính khả thi

Mặc dù là hội thảo xin ý kiến đóng góp cho đề án nhưng ông Vi Kiến Thành không ngần ngại khi chia sẻ, đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về nhiếp ảnh không phải đi đến đâu cũng được quan tâm, thậm chí nhiều nơi được nhìn thấy rõ tiềm năng đã thẳng thừng từ chối. “Sapa, rồi Hà Nội…, chúng tôi mong muốn lắm chứ nhưng các địa phương này từ chối hợp tác. Cho nên “Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam”, mô hình tổ chức sự kiện nhiếp ảnh chưa từng có ở ta mới chỉ nhận được sự hưởng ứng của Ninh Bình, TP Hội An (Quảng Nam); Đà Lạt (Lâm Đồng), Khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng). Đây là những địa danh mà chúng tôi đã đến tận nơi khảo sát và đề nghị hợp tác. Kỳ vọng rằng còn nhiều địa điểm khác có tiềm năng sẽ nhiệt tình hợp tác với đề án Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam”, họa sĩ Vi Kiến Thành nói.

Cục trưởng Vi Kiến Thành bày tỏ, hoạt động nhiếp ảnh tại Việt Nam dù đang phát triển mạnh nhưng lại có nguy cơ nghiệp dư hóa. Đề án “Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam” bên cạnh mục tiêu thực hiện nhiệm vụ trong triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì còn được kỳ vọng sẽ là giải pháp phát triển nhiếp ảnh Việt Nam có chiều sâu, chuyên nghiệp. “Nhiếp ảnh Việt Nam chưa có thị trường, mua bán chủ yếu phục vụ mục đích đấu giá, từ thiện, theo quan hệ cá nhân. Đề án Thành phố nhiếp ảnh sẽ góp phần hình thành thị trường, nâng cao nhận thức công chúng đối với việc sở hữu, sử dụng các tác phẩm nhiếp ảnh…”, theo ông Thành.

Một số ý kiến vẫn bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của đề án. Nhà phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến cho rằng, xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với nhiếp ảnh có vẻ như đang “quá tầm” với Việt Nam. Mục đích của đề án nhằm tạo ra thị trường cho nhiếp ảnh nhưng thực tế hiện nay, người chơi ảnh chưa có thói quen sở hữu các tác phẩm nghệ thuật và các cuộc mua bán tác phẩm nhiếp ảnh chỉ mang tính nhỏ lẻ…

Nhà nhiếp ảnh Anh Tuấn đề xuất, đề án nên xây dựng theo hướng tổ chức định kỳ tại một thành phố để tạo nên những thương hiệu tương tự như Festival Huế, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng… Nhà nhiếp ảnh Trần Trọng Độ nhận định, xây dựng thương hiệu quốc gia “Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam” không thể chỉ trong dăm ba năm mà có khi cả chục năm cũng chưa hình thành. Để đề án có tính khả thi, cần học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình nước ngoài. Nhà nhiếp ảnh này cũng đề nghị đề án cần có vai trò của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

So với những ý kiến đa chiều ở đề án “Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam”, đề án xây dựng thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam” có vẻ được các chuyên gia, họa sĩ, nghệ nhân sơn mài nhiệt tình ủng hộ hơn. Mục đích của đề án nhằm đưa ra những tiêu chí, quy chuẩn về chất liệu để làm sơn mài, quy trình chế tác sơn mài đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia; tiêu chuẩn nghệ thuật và kỹ thuật để các sản phẩm, tác phẩm sơn mài đạt chuẩn thương hiệu “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”. 

 Đề án “Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam” sẽ được hình thành thông qua một chuỗi các hoạt động nhiếp ảnh tại một số tỉnh, thành phố có tiềm năng du lịch và di sản văn hóa, luân phiên 2 năm một lần nhằm tạo ra những tác phẩm, sản phẩm, sự kiện thúc đẩy sự nghiệp và thị trường nhiếp ảnh phát triển. Mô hình này sẽ được tổ chức với các nội dung: Hội chợ nhiếp ảnh; tổ chức cho các nhiếp ảnh gia quốc tế đi sáng tác tại các địa điểm văn hóa, du lịch của địa phương, sau đó tổ chức triển lãm, trưng bày mua - bán tác phẩm; hội thảo, tọa đàm, giao lưu…

 

 Nhiếp ảnh Việt Nam chưa có thị trường, mua bán chủ yếu phục vụ mục đích đấu giá, từ thiện, theo quan hệ cá nhân. Đề án Thành phố Nhiếp ảnh sẽ góp phần hình thành thị trường, nâng cao nhận thức công chúng đối với việc sở hữu, sử dụng các tác phẩm nhiếp ảnh…

(Ông VI KIẾN THÀNH - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm)

 

BẢO NGÂN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top