Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Họa sắc Việt​​​​​​​ từ tranh Hàng Trống

Thứ Sáu 30/08/2019 | 10:16 GMT+7

VHO- Dự án nghệ thuật Họa sắc Việt - Sáng tạo từ truyền thống do nhà thiết kế Trịnh Thu Trang cùng nhóm bạn trẻ thực hiện vừa hoàn thành dự án đầu tiên “Tranh Hàng Trống - Những điều xưa cũ mới mẻ”. Qua các thiết kế được ứng dụng cho thấy, những điều tưởng chừng đã rơi vào quên lãng bỗng dưng được tái hiện theo một phong cách mới hiện đại.

 Triển lãm các họa tiết tranh Hàng Trống tại Đường Sách TP.HCM

 Sau thành công của dự án nhỏ đầu tiên, hiện nhóm đang lên kế hoạch cho dự án tiếp theo “Thổ cẩm Tây Nguyên”.

Sáng tạo từ nguồn nguyên liệu dân gian

Dự án nghệ thuật Họa sắc Việt - Sáng tạo từ truyền thống được nhóm bạn trẻ thực hiện với mong muốn quảng bá, khai thác, phát triển tiềm năng ứng dụng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đưa màu sắc họa tiết truyền thống lên thiết kế hiện đại. Nhà thiết kế Trịnh Thu Trang (giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội), Trưởng dự án chia sẻ, với sự thay đổi rất nhanh của cuộc sống, công nghệ, nhiều giá trị truyền thống đang bị thay thế và rơi vào quên lãng hoặc chỉ còn được trưng bày như hiện vật của một thời đã qua. Sẽ rất đáng tiếc nếu những giá trị ấy bị bỏ quên. Vì vậy việc biến đổi, sáng tạo nguyên liệu dân gian để tạo nên sản phẩm mới mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực cho cuộc sống hiện đại là vô cùng cần thiết.

“Tôi và các cộng sự bắt đầu hành trình họa sắc Việt của mình với tranh Hàng Trống, một trong các dòng tranh dân gian lớn nhất Việt Nam. Tranh Hàng Trống là dự án đầu tiên của chúng tôi trong việc bảo tồn, quảng bá, khai thác và phát triển các dòng tranh dân gian Việt Nam”, Trịnh Thu Trang nói. Chia sẻ thêm về lý do chọn dòng tranh Hàng Trống trong các thiết kế đầu tiên của dự án, các thành viên cho biết, tranh dân gian Việt Nam phát triển rực rỡ trong nhiều thế kỉ, kết tinh nhiều ý nghĩa và giá trị về tinh thần cũng như thẩm mỹ của người dân Việt Nam. Nhưng tới thế kỷ XX do biến cố lịch sử như chiến tranh, thiên tai và sự thay đổi về văn hóa, cuộc sống, các dòng tranh này bắt đầu suy tàn và có nguy cơ bị biến mất. Dòng tranh Hàng Trống xưa là một phố nghề nhộn nhịp của kinh đô Thăng Long, phát triển rực rỡ trong vòng 400 năm nay chỉ còn một nghệ nhân duy nhất đã cao tuổi là nghệ nhân Lê Đình Nghiên còn vẽ tranh…

Để bắt đầu cho dự án tâm huyết này, nhà thiết kế Trịnh Thu Trang đã dành hơn 4 năm (từ 2013- 2016) để sưu tập các hiện vật tranh Hàng Trống, là mẫu tranh thật và mang nhiều đề tài, nhiều phong cách của nghệ nhân truyền thống, hình thành kho dữ liệu. Nhóm dự án cũng làm việc với các nghệ nhân Lê Đình Nghiên và nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê để có những nắm bắt về tầm quan trọng cũng như giá trị, ảnh hưởng của tranh Hàng Trống trong đời sống người Việt từ xưa. Từ năm 2017 đến nay, nhóm đã thực hiện được nhiều hoạt động trong khuôn khổ dự án như gây quỹ cộng đồng, triển lãm tranh, ra mắt sách, các chương trình giao lưu với nhiều đối tượng bạn trẻ, thiếu nhi, nhà nghiên cứu.

Triển lãm đã thu hút các bạn trẻ

Không cố gắng bê nguyên điều xưa cũ đặt vào thực tại

“Dự án là một cách tiếp cận mới để duy trì, bảo tồn những giá trị truyền thống, tuy nhiên chúng tôi không cố gắng bê nguyên chúng đặt vào thực tại... Việc chúng tôi có thể làm là chắt lọc những gì từ chất liệu dân gian có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại, vào công việc hiện tại của những graphic designer, những nhà thiết kế thời trang, nội thất hay nhiều nghệ sĩ khác. Đó là cách chúng tôi làm để những giá trị dân gian xưa “sống lại”, để chúng không chỉ vĩnh viễn nằm yên trong bảo tàng”, một thành viên dự án chia sẻ.

Trong buổi giao lưu với nhóm dự án diễn ra tại TP.HCM mới đây, chương trình đã giới thiệu đến người xem những sản phẩm đã được ứng dụng từ các họa tiết của dòng tranh Hàng Trống như họa tiết mây, cá, quạt, các kiểu họa tiết tròn, xoáy, hình hoa sen, hình thoi, họa tiết hình cóc… Theo Lê Huy Hà, thành viên nhóm dự án, trước mắt họa tiết dòng tranh này ứng dụng vào các bao bì nhãn mác sản phẩm, bên cạnh đó còn có thể được ứng dụng trong sản phẩm thiết kế, xây dựng. “Nghiên cứu và ứng dụng tranh Hàng Trống, chúng tôi còn muốn kể câu chuyện về màu sắc họa tiết và phong cách thiết kế truyền thống Việt cho bạn bè quốc tế, một kiểu tự hào như người Nhật có mẫu áo Kimono còn người Việt chúng ta hiện nay đang có những gì?”, các thành viên của dự án cùng chia sẻ.

Nhóm dự án cho biết, từ kinh nghiệm và hiệu quả mang lại của dự án họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống, trong thời gian tới nhóm muốn áp dụng mô hình này cho các lĩnh vực văn hóa khác cũng đang đứng trước nguy cơ mai một rất cao như thổ cẩm, gốm, các dòng tranh khác trên cả nước, thủ công làng nghề,… trong đó, dự án tiếp theo là Thổ cẩm Tây Nguyên.

“Hiện tại những nghệ nhân, nhà nghiên cứu nhiều người đã rất cao tuổi. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có thể sớm tiến hành dự án”, một thành viên dự án cho hay. Theo Trịnh Thu Trang, khó khăn về chi phí dành cho nhân sự khiến nhóm hoạt động phần nhiều dựa trên sự tham gia của cộng tác viên không thường xuyên. Nhân sự của nhóm không ổn định dẫn đến việc đầu tư cho các hoạt động không được liền mạch và tập trung. Hiện nhóm có 12 thành viên tham gia dự án với hình thức cộng tác theo tháng hoặc ngoài giờ hành chính. 

THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top