Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tham gia hiệp định CPTPP: Nhiều doanh nghiệp vẫn còn thụ động

Thứ Tư 14/11/2018 | 09:33 GMT+7

VHO- Chưa đầy một ngày sau khi CPTPP được Quốc hội phê chuẩn, sáng qua 13.11, Bộ LĐ,TB&XH đã tổ chức tọa đàm với báo chí để thông tin những cam kết chính về lao động của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU.

 Nhiều doanh nghiệp sẽ bị tác động nếu không tuân thủ quy định lao động trong CPTPP

Một trong những điểm đáng chú ý trong CPTPP là khoản 3 Điều 19 trong Chương Lao động quy định các bên sẽ “thông qua và duy trì trong các đạo luật và quy định cũng như trong thực tiễn” những quyền lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) bao gồm tự do liên kết và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, xóa bỏ lao động trẻ em, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động. Đồng thời quy định các bên phải quy định trong luật pháp và thực hiện trong thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khoẻ nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng nhóm Lao động, đoàn đàm phán Hiệp định TPP trước đây, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, “thông qua và duy trì” là một cụm từ nhấn mạnh việc đưa các cam kết về lao động trong Hiệp định vào Luật, đồng thời triển khai trong thực tiễn, tức là Luật hóa các cam kết này. “Trước đó, các cam kết trong FTA chỉ là nỗ lực đảm bảo hoặc cố gắng đảm bảo việc thực hiện các quy định về lao động. Nghĩa là nếu Việt Nam tham gia các FTA này thì chỉ cần thể hiện sự nỗ lực hoặc cố gắng thực hiện. Do đó, việc thông qua và duy trì là mức độ cam kết cao nhất trong số các FTA trên thế giới”, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế giải thích.

Câu hỏi đặt ra là, liệu Việt Nam có cần thiết phải tham gia cam kết về lao động trong Hiệp định với mức độ cao như vậy và có phải là xu hướng của thế giới? Theo số liệu thống kê của các cơ quan nghiên cứu cho thấy vào những năm 1995, thế giới chỉ có 3 FTA quy định về lao động (chiếm 7% tổng số các FTA), nhưng 10 năm trở lại đây thì tỉ lệ đã lên tới 64% trong số các FTA. Trong đó, các nước châu Âu, Bắc Mỹ đều tham gia FTA, nếu Việt Nam muốn là đối tác với các nước phát triển thì buộc phải tham gia, và cũng là xu thế của thế giới.

Vấn đề là CPTPP tác động đến người lao động và doanh nghiệp Việt Nam như thế nào khi tham gia vào sân chơi mới? Đã có nhiều nghiên cứu của các viện nghiên cứu, tổ chức kinh tế, ngành, ngân hàng quốc tế khuyến nghị về sự tác động này. “Tuy nhiên, việc đánh giá tác động là khó vì còn tuỳ thuộc vào giả thiết, kịch bản và khả năng đáp ứng của chúng ta. Chỉ có thể đánh giá qua việc Việt Nam đã tham gia các FTA trước đó và cho kết quả khả quan về lao động như tăng thêm việc làm, mỗi năm khoảng 18.000 – 19.000 lao động”, TS Đào Ngọc Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học, lao động & xã hội chia sẻ.

Ông Vinh cũng đề cập đến chất lượng việc làm, ban đầu, nhu cầu về số lượng lao động tay nghề thấp tăng cao hơn, nhưng sau một thời gian thì nhu cầu lao động có đào tạo, chuyên môn kỹ thuật lại cao hơn, với mức lương cao hơn. Những ngành nghề chịu sự tác động mạnh nhất là sử dụng nhiều lao động tay nghề thấp như dệt may, da giày, chế biến thuỷ sản, đồ gỗ, lắp ráp điện tử...

FTA tăng thu nhập nói chung cho người lao động, cùng với các luồng đầu tư trong và ngoài nước giúp tăng năng lực cạnh tranh, thu hút nhiều hơn lao động có kỹ năng và tăng năng suất lao động. Song song đó là những thách thức bao gồm, sự phân hóa tiền lương lớn hơn, sự phân hóa diễn ra nhiều giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, giữa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động tay nghề thấp. Điều này đòi hỏi những chính sách về việc làm và an sinh xã hội phải kịp thời đáp ứng để tránh những hệ luỵ.

Ngoài ra, thách thức lớn nhất là làm sao tận dụng được những cơ hội do CPTPP mang lại; khi thuế giảm đi, làm tăng cường năng lực sản xuất để tận dụng thị trường, tận dụng các nguồn lực đầu tư về công nghệ, con người để sản xuất hàng hóa... Mà trong CPTPP đặt ra những quy định về lao động buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ, cũng như tuân thủ pháp luật Việt Nam để thị trường chấp nhận.

Cũng theo ông Vinh, kết quả một số nghiên cứu, khảo sát doanh nghiệp chuẩn bị như thế nào trong quá trình chúng ta đàm phán cho thấy, các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có sự nghiên cứu và chuẩn bị tốt hơn các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này gần như chưa có kế hoạch và chiến lược cụ thể để sẵn sàng tham gia, thậm chí vào thời điểm cuối năm 2017, khi CPTPP gần như đã đàm phán xong; hay như Hiệp định Việt Nam – EU đã đàm phán xong vào cuối năm 2015 thì năm 2016 cũng chưa biết, hoặc biết chung chung. Khi được hỏi sâu về các điều khoản liên quan về lao động thì nhiều doanh nghiệp chưa rõ. Điều này cho thấy sự sẵn sàng của các doanh nghiệp chưa cao.

“Các doanh nghiệp sản xuất cho thị trường nội địa cho rằng việc tham gia hiệp định là không liên quan; còn doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lại nghĩ rằng những cam kết này chắc là chưa thực hiện ngay tức thời mà cần có thời gian nên chưa có sự đầu tư, nghiên cứu một cách nghiêm túc. Có lẽ đây là tâm lý có tính chất thụ động, chờ đợi, từ các cơ quan quản lý nhà nước, từ bên trên. Điều này cần phải thay đổi sớm trong bối cảnh các doanh nghiệp gia nhập thị trường nói chung và tham gia các FTA”, Viện trưởng Viện Khoa học, lao động & xã hội bày tỏ. 

 QUỲNH HOA

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top