Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

“Chính sách như hiện nay, còn lâu du lịch mới thành mũi nhọn”

Thứ Ba 13/11/2018 | 14:49 GMT+7

VHO-“Có đóng góp lớn, quan trọng cho nền kinh tế đất nước nhưng ngành Du lịch lại chưa có những cơ chế, chính sách ưu tiên để tạo điều kiện thuận lợi nhất thúc đẩy du lịch phát triển đúng với vị trí, vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn” là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo Du lịch với tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (TCDL) tổ chức.

Du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể đứng đầu khu vực trong một thập niên tới

Với sự tăng trưởng liên tục và ổn định trong những thập kỷ gần đây, Du lịch đã khẳng định là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh nhất và lớn nhất trên bình diện thế giới, góp phần vào sự thịnh vượng của các quốc gia. Thông tin mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) hồi tháng 8.2018 cho thấy, Du lịch đóng góp trên 2.500 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Du lịch còn là ngành xuất khẩu tại chỗ có hiệu quả cao nhất. Tổng giá trị xuất khẩu du lịch thế giới năm 2017 lên đến 1.600 tỉ USD, chiếm 7% giá trị xuất khẩu thế giới.

Du lịch biển đảo là thế mạnh của Du lịch Việt Nam

Không những thế, Du lịch còn khuyến khích và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Việc phát triển du lịch còn kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác, vì sản phẩm du lịch mang tính liên ngành, có quan hệ đến nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Du lịch đã trực tiếp tạo ra 118,4 triệu việc làm, chiếm 3,8% tổng việc làm trên toàn thế giới. Ngành Du lịch sử dụng lao động nhiều vượt trội so với nhiều ngành công nghiệp khác (gấp 6 lần ngành sản xuất ô tô, gấp 4 lần ngành khai khoáng, gấp 3 lần ngành tài chính).

Theo Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam năm 2017, với tổng thu từ đạt 396.000 tỷ đồng, ngành Du lịch đã đóng góp 7,9% GDP. Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) thì cho biết: Du lịch Việt Nam trực tiếp tạo ra gần 2,5 triệu việc làm, chiếm 4,6% tổng việc làm cả nước; giá trị xuất khẩu theo lượng khách đạt 8,837 tỷ USD, chiếm 4% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.

 

Du lịch đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn và hạn chế dẫn đến hiệu quả từ ngành Du lịch chưa cao, còn bỏ phí tiềm năng, nguy cơ tiềm ẩn vẫn tồn tại, đặc biệt chưa tạo được khả năng cạnh tranh mạnh trong khu vực và quốc tế.

GS.TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên du lịch hàng đầu khu vực châu Á, đặc biệt là chúng ta có vùng biển đảo cực kỳ phong phú với 9.000 hòn đảo; nhiều vịnh biển đẹp nhất thế giới như: vịnh Hạ Long, Vân Phong, Lăng Cô…; nhiều bãi biển đẹp trải dài từ Đà Nẵng tới Bình Thuận. “Phải khẳng định, với Việt Nam, Du lịch là ngành kinh tế rất quan trọng. Phát triển du lịch là phát triển bền vững và sẽ kích thích các ngành khác phát triển theo”, GS Võ Đại Lược nói.

 

GS Võ Đại Lược đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy du lịch phát triển

Chúng ta có nhiều tài nguyên du lịch hàng đầu thế giới nhưng hiện nay kinh tế du lịch phát triển chưa xứng với tiềm năng, tài nguyên to lớn ấy, chưa nhiều khách quốc tế, đặc biệt là khách cao cấp được tiếp cận và hưởng thụ tài nguyên của Việt Nam. Du lịch mới chỉ đóng góp được khoảng 7,9 % vào GDP thì chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, phải đóng góp gấp 3- 4 lần như vậy mới xứng. “Du lịch đã được Bộ Chính trị xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16.1.2017. Tuy nhiên, du lịch cần được tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, đủ cho nó trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chứ chính sách như hiện nay, còn lâu du lịch mới nhọn”, GS. Võ Đại Lược thẳng thắn nói.

Đồng tình với ý kiến này, GS.TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng: “Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm thực chất đến phát triển du lịch hơn và trong rất nhiều cái đẹp, cái hay thì hãy dũng cảm chọn lấy một. Tôi cũng đồng ý lấy du lịch biển là số 1 vì tài nguyên du lịch biển đảo của chúng ta rất lớn. Cụ thể hơn, Vịnh Hạ Long hoàn toàn xứng đáng là thương hiệu, biểu tượng du lịch quốc gia. Vì thế, phải có đầu tư, tuyên truyền, quảng bá xứng đáng để thương hiệu này có thể cạnh tranh với Hải Nam (Trung Quốc) hay bất kỳ một thương hiệu nào trong khu vực châu Á. Với tiềm năng, lợi thế và tốc độ phát triển như hiện nay, Du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể đạt đến trình độ và đẳng cấp hàng đầu khu vực trong khoảng 1 thập niên tới”.

Cần nhiều chính sách ưu tiên để phát triển du lịch

GS Võ Đại Lược đề xuất: “Cần phải thuê một tập đoàn hàng đầu thế giới về quy hoạch để họ giúp chúng ta quy hoạch và sử dụng triệt để các tiềm năng sẵn có, trong đó lợi thế mạnh nhất là du lịch biển. Vì theo sau tập đoàn quy hoạch hàng đầu thế giới sẽ là các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, là khách du lịch quốc tế đầy tiềm năng cho thị trường của chúng ta”. Ông cho rằng: Phải có một quy hoạch tổng thể và thống nhất chứ cứ manh mún, tự phát như hiện nay thì không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển và không cạnh tranh được với các nước trong khu vực cũng như thế giới. Cùng với đó là thu hút nguồn vốn FDI vào đầu tư các dự án du lịch thì Du lịch Việt Nam mới phát triển mạnh mẽ được.

Nhiều đại biểu cho rằng phải có cơ chế tốt thì ngành Du lịch mới bứt phá được

“Muốn du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đảng, Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu tiên hơn để thúc đẩy phát triển du lịch. Đặc biệt là cần có chính sách để “mở cửa bầu trời”, kết nối thêm nhiều đường bay tới các thị trường du lịch trọng điểm; có chính sách visa thông thoáng; thu hút FDI vào lĩnh vực du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho ngành Du lịch, kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư xây dựng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn, sang trọng; gấp rút đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch rất thiếu và yếu hiện nay…”, GS Võ Đại Lược nhấn mạnh.

 

Cần có chính sách visa thông thoáng hơn nữa để thu hút khách du lịch quốc tế

Vẫn liên quan đến sự đóng góp của ngành Du lịch với nền kinh tế đất nước và những chính sách nhằm đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, GS.TS Lưu Bích Hồ khẳng định: “Không cần phải tranh luận về quan điểm du lịch nhọn hay không nhọn, quan trọng hay không quan trọng nữa mà các Bộ, ngành, địa phương chỉ cần làm tốt những gì Đảng và Chính phủ đã quyết thôi. Quan điểm của tôi là không phải xiết chặt quản lý du lịch mà quốc phòng an ninh phải phục vụ cho du lịch. Sao việc mở visa cứ phải lọ mọ như hiện nay? Nếu khách quốc tế mà cụ thể ở đây là khách Trung Quốc vào mà không quản lý được thì phải xem lại năng lực và phương thức của mình chứ không nên hạn chế. Sao lại phải hạn chế?”

Rất nhiều đại biểu cũng đồng tình với quan điểm: Có tài nguyên rồi nhưng cần phải có thể chế, cơ chế tốt thì mới mong có sự bứt phá, xoay chuyển của ngành Du lịch. Từ trước tới nay, nhiều người đặt câu hỏi “Sự đóng góp của ngành Du lịch trong GDP đã tương xứng chưa?”. Thế thì cũng nên đặt câu hỏi ngược lại: “Đầu tư cho du lịch đã tương xứng chưa? Không chịu đầu tư mà chỉ khai thác vốn tự có, bóc ngắn cắn dài, nhân lực thiếu, cơ chế thiếu, bộ máy lỏng lẻo, kinh phí ít thì khác gì “tay không bắt giặc”?

THUÝ HÀ

Print

Tải tài liệu

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top