Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Du khách lạc lối ở Bắc Mê, Hà Giang

Thứ Hai 12/11/2018 | 18:29 GMT+7

VHO- Đến Hà Giang bây giờ, không phải Đồng Văn, Mèo Vạc với cao nguyên đá hùng vĩ và đồi tam giác mạch tím hồng thơ mộng mà Bắc Mê mới là điểm đến lạ mà những người trẻ đang lùng sục, mải mê khám phá, trải nghiệm đến quên lối về.

Nằm ở phía Đông của tỉnh Hà Giang, Bắc Mê được rất ít người biết đến vì vừa xa xôi, đường đi lại khó. Tôi nhớ lần đầu tiên được đến Bắc Mê, năm 2007, khi đó hầu như ở đây chưa có khách du lịch, nếu có chỉ là mấy người trẻ thích ngao du. Đoàn chúng tôi đi bè mảng trên sông Gâm. Sông Gâm ngày đó hoang vu lắm, trên sông, nghe rõ tiếng chim reo rộn rã hai bờ.

Cuộc đua bè mảng trên sông Gâm thu hút đông đảo người dân và du khách

Tôi là nữ phóng viên duy nhất ngồi trên bè với chục người đàn ông, là các phóng viên và lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành. Đó cũng là đoàn khảo sát du lịch đầu tiên tới Bắc Mê khi ấy. Ra đến giữa sông, cái bè thô sơ chúng tôi đi, do huyện chuẩn bị, bị vỡ. Tre rời ra mỗi nơi một cây. Tôi được ngồi trên, nước ngập tới cổ, tay giơ cao để máy ảnh không ướt. Không có áo phao hay cứu hộ gì cả. Lúc ghép lại mảng xong, đồng nghiệp hỏi “Có biết bơi không?”. Tôi không biết bơi, đến giờ cũng không biết bơi. Lại hỏi “Không sợ à?”. Có sợ, nhưng kêu lên thì cũng giải quyết gì đâu, lại làm người đồng hành lo lắng hơn. Và dù sợ nhưng vẫn thích và nhiều lần, tôi muốn trở lại con sông trầm tư, mạnh mẽ ấy. Nếu không biết những ngày khổ sở, thiếu thốn ấy của Bắc Mê, bây giờ cũng khó có thể hình dung Bắc Mê thay đổi đến thế này.

Ở Bắc Mê, một điểm đến không thể bỏ qua là di tích lịch sử Căng Bắc Mê. Bắc Mê với những nét đặc sắc của mình, đang trở thành một điểm đến thu hút du khách trên bản đồ du lịch Hà Giang, bên cạnh những địa danh quen thuộc như cao nguyên đá, núi đôi Quản Bạ, cổng trời Yên Minh, Dinh thự vua Mèo, cột cờ Lũng Cú, đỉnh Mã Pì Lèng…

Dấu tích khắc nghiệt ở Căng Bắc Mê

Căng Bắc Mê là đồn lính Pháp được dựng lên trước năm 1939 để thực dân Pháp kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông Hà Giang- Tuyên Quang- Cao Bằng. Từ sau 1939, Pháp đã cho xây thêm các khu nhà giam, để giam cầm nhiều cán bộ cách mạng của ta bị bắt nhưng chưa kết án được. Nơi đây từng giam giữ đồng chí Xuân Thủy, đồng chí Nguyên Hồng, đồng chí Khuất Duy Tiến, đồng chí Trần Cung… Di ảnh những nhà cách mạng kiên trung ấy hiện vẫn được đặt tại nhà trưng bày của khu di tích. Năm 1992, khu vực Căng Bắc Mê được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia, bao gồm hai hạng mục chính: Căng Bắc Mê và Nhà Bang tá.

Di tích Căng Bắc Mê thu hút ngày càng nhiều khách tham quan

 

Không chỉ có ý nghĩa lịch sử, Căng Bắc Mê còn là một điểm đến được nhiều du khách yêu thích với khung cảnh trầm mặc, rêu phong, u tịch, in đậm dấu thời gian và hoàn toàn không có bóng dáng của thương mại hóa, kinh doanh tự phát. Tôi và các bạn của mình ngó nghiêng khắp nơi, thư thả dạo bộ trong không gian nhà lớn, nhà thông tin, khu nhà kho, khu nhà giam,… Và dù chỉ còn là những tàn tích nhưng cũng giúp ta hình dung lại khá dễ dàng nơi đây đã từng khắc nghiệt thế nào.

Mấy năm gần đây, các bạn trẻ thích thú chọn nơi này để chụp những bộ ảnh nghệ thuật, ảnh cưới, ảnh dã ngoại cực kỳ phá cách.

 

Nằm trên đồi Rồng, thuộc thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, địa danh Căng Bắc Mê là điểm kết thúc hợp lý trong hành trình khám phá cao nguyên đá Hà Giang của du khách. Đi từ thành phố Hà Giang lên cổng trời Quản Bạ, Yên Minh, phiêu du trên cao nguyên đá, thăm cột cờ Lũng Cú, đến Mèo Vạc, đi trên đường Hạnh phúc, lên đỉnh Mã Pí Lèng ngắm dòng Nho Quế rồi sang Bắc Mê để trải nghiệm không gian cổ kính rêu phong trầm mặc ở Căng Bắc Mê, đi thuyền trên sông Gâm thơ mộng, hùng vĩ, sau đó trở về thành phố Hà Giang theo hình vòng tròn mà không đi lại đường cũ hoặc sang Tuyên Quang khám phá tiếp vòng cung phía Bắc.

Sông Gâm- cánh cung xanh của núi rừng

Bắt nguồn từ vùng núi cao 2.000m của Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam từ Cao Bằng, sông Gâm đoạn chảy qua Bắc Mê tạo nên nhiều thắng cảnh sông nước, núi rừng thơ mộng. Giữa bốn bề núi đồi trùng điệp, dòng sông Gâm giống như một cánh cung dài hơn 200km chảy qua Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, rồi nhập dòng với sông Cả để thành sông Lô hùng vĩ.

 

Lễ hội đua bè mảng Bắc Mê năm 2018

Mang màu xanh lục đặc trưng của các dòng sông miền núi Hà Giang, nhưng sông Gâm không hiểm trở như sông Nho Quế, mà hiền hòa, êm ả giữa núi rừng trùng điệp hai bên bờ. Có lẽ thế, đoạn sông chảy qua huyện Bắc Mê đã trở thành không gian lý tưởng cho lễ hội văn hóa- thể thao, cho du lịch trải nghiệm của Bắc Mê phát triển và là nét khác biệt với địa danh cao nguyên đá lừng lẫy của Hà Giang.

Hàng năm, vào mùa nước đầy và yên ả (từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau), chính quyền và người dân huyện Bắc Mê tổ chức các lễ hội đua bè mảng, lễ hội cầu mưa, lễ hội cúng thần sông,… tạo nên những nét văn hóa đặc sắc, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.

Thời gian gần đây, trong quy hoạch và chương trình hành động phát triển du lịch huyện, chính quyền Bắc Mê đã tổ chức nhiều tour du lịch đi thuyền trên sông Gâm để các công ty lữ hành có thể thiết kế, tổ chức tour thu hút du khách. Du lịch sông Gâm rất thích hợp cho du khách thích khám phá, hoạt động teambuilding trên nước, tổ chức các trò chơi trải nghiệm thực tế, mạo hiểm như zipline, chèo thuyền kayak, đua bè mảng,… để tạo ra những khám phá mới bên cạnh việc ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

 

Văn hoá đặc sắc của các dân tộc sinh sống ở Bắc Mê 

Để thúc đẩy phát triển du lịch, huyện Bắc Mê đang kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành cùng tham gia với huyện đầu tư, xây dựng và khai thác nguồn tài nguyên quý giá ở đây trên nguyên tắc giữ nguyên cảnh quan thiên nhiên, không phá vỡ và hạn chế tác động đến tự nhiên.

*Chuỗi hoạt động Văn hóa- Du lịch Bắc Mê 2018 và Hội thảo khoa học Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá Di tích lịch sử cấp quốc gia Căng Bắc Mê gắn với phát triển du lịch, Lễ hội Đua mảng lần thứ III năm 2018 vừa được UBND huyện Bắc Mê tổ chức nhằm giới thiệu đến giới chuyên môn, các công ty lữ hành và du khách bốn phương về di tích lịch sử cấp quốc gia Căng Bắc Mê và các thắng cảnh du lịch, làng văn hóa, làng nghề truyền thống, các nét văn hóa đặc sắc của những dân tộc sinh sống ở Bắc Mê, Hà Giang.

THUÝ HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top