Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Có nên tịch thu phương tiện của lái xe say xỉn?

Thứ Hai 12/11/2018 | 09:41 GMT+7

VHO- Ô tô không chỉ là tài sản có giá trị lớn, còn là công cụ trong cuộc sống của người dân. Việc tịch thu không hoàn trả là chưa hợp lý.

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc tài xế uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn nghiêm trọng khiến đề xuất tịch thu phương tiện khi lái xe có nồng độ cồn cao lại được khơi lên. Đề xuất này đang nhận được những ý kiến trái chiều trong dư luận.

Sau khi xảy ra vụ việc nữ tài xế uống rượu gây tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào tối ngày 21.10 ở Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP HCM), ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UB ATGTQG) khơi lại đề xuất của Ủy ban ATGTQG là nếu lái xe có nồng độ cồn cao ở mức nào đó thì tịch thu phương tiện, thậm chí phạt hình thức khác, như lao động công ích, hoặc học lại mới nhận bằng.

Trước đó vào năm 2015, UB ATGTQG đã có công văn kiến nghị Chính phủ nhằm nâng cao hiệu lực điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, hiệu quả thực thi pháp luật, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ nhằm “tăng nặng” chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm, trong đó đáng chú ý là với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn cho phép xử phạt: Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Nhiều vụ việc tài xế uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Người đồng tình, người phản đối

Theo thống kê của UB ATGTQG, trong tổng số các vụ TNGT đường bộ, nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia chiếm hơn 43%. Vì vậy, anh Lê Thắng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh đồng tình với đề xuất tịch thu phương tiện nếu lái xe trong tình trạng say xỉn, bởi người uống rượu bia khi lái xe cũng như người cầm súng đã lên đạn ra ngoài đường, rất dễ gây nguy hiểm cho cộng đồng. Khi có thể bị tịch thu phương tiện đắt tiền, người dân sẽ cẩn trọng với việc làm của họ hơn. “Tôi nghĩ đề xuất này nếu được thực thi sẽ giảm đáng kể tình trạng lái xe khi đã uống bia rượu, góp phần làm giảm số vụ TNGT”, anh Thắng nói.

Còn anh Đỗ Nam (quận 1, TP HCM) thì phản đối vì cho rằng hình phạt này quá nặng. “Ô tô vẫn là mặt hàng xa xỉ ở Việt Nam. Nhiều gia đình phải cố gắng phấn đấu trong nhiều năm mới dành dụm được ít tiền để sắm được cái ô tô che mưa, che nắng. Nếu chỉ vì ham vui, nể nhau uống vài chén rượu mà bị tịch thu phương tiện chính đi lại của gia đình thì có quá không? Đó là chưa kể tới việc, nếu người ta mượn xe, lái xe thuê mà vi phạm thì xử lý thế nào? Chẳng lẽ lại tịch thu xe của chủ sở hữu. Thay vì tịch thu phương tiện có thể áp dụng hình phạt bổ sung như đề xuất của UB ATGTQG là bắt người vi phạm tham gia lao động công ích hoặc học lại bằng lái xe”.

Chỉ nên tạm giữ phương tiện?

Theo luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, việc tịch thu phương tiện là một hình thức xử phạt nghiêm khắc, có thể làm tăng tính răn đe đối với hành vi sử dụng đồ uống có cồn vượt quá mức cho phép. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này chưa thực sự cần thiết. Bởi tịch thu phương tiện có nghĩa là sẽ sung vào ngân sách nhà nước phương tiện của người điều khiển vi phạm. Việc tịch thu không hoàn trả là chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi sử dụng đồ uống có cồn mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng của người điều khiển phương tiện.

Để phòng ngừa, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vi phạm hành chính có thể áp dụng hình thức xử phạt đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, đó là tạm giữ phương tiện. Theo đó, việc tạm giữ phương tiện có thể được áp dụng trong trường hợp phòng ngừa người điều khiển tiếp tục sử dụng phương tiện trong tình trạng không tỉnh táo do sử dụng đồ uống có cồn, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông. Còn để tăng tính nghiêm khắc cho chế tài đối với hành vi sử dụng đồ uống có cồn vượt quá mức quy định có thể tăng mức phạt hoặc tăng thời hạn tạm giữ phương tiện. Điều này sẽ phù hợp với thực tế trong giai đoạn hiện nay hơn.

Ngoài đề xuất tịch thu phương tiện, tại những hội thảo về ATGT thời gian gần đây không ít ý kiến đề xuất nên xử lý hình sự những người uống rượu bia khi lái xe.

Về đề xuất này, luật sư Nguyễn Thành Tài cho biết, tại Điều 260 Bộ luật Hình sự đã có quy định về việc xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng (gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, làm chết người, gây thiệt hại lớn về tài sản).

Việc có nên xem xét xử lý hình sự đối với hành vi uống rượu bia nói riêng và các hành vi vi phạm các quy định về ATGT nói chung cần phải được các nhà làm luật cân nhắc thật kỹ lưỡng trên cả mặt tích cực và tiêu cực, để từ đó xác định có nên xử lý hình sự hay nên áp dụng bằng chế tài khác phù hợp hơn.

Luật hình sự chỉ nên áp dụng đối với những hành vi thực sự gây nguy hiểm cho xã hội. Khi hình sự hóa một hành vi nào đó cần phải xác định được chính xác mức độ nguy hiểm của hành vi. Từ đó xem xét, hành vi nào chỉ cần xử lý hành chính, hành vi nào cần xử lý hình sự. Nếu xử lý hình sự không đem lại hiệu quả về mặt phòng ngừa hay răn đe thì việc hình sự hóa hành vi này là không cần thiết.

Theo VOV.vn

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top