Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Sự hồi hương của bộ sưu tập tranh quý hiếm

Thứ Hai 12/11/2018 | 09:12 GMT+7

VHO- Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vừa tiếp nhận bộ sưu tập tranh quý và có giá trị kinh tế lớn của nữ họa sĩ Lê Thị Lựu. Dự kiến, nhằm vào Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 23.11, Bảo tàng sẽ tổ chức triển lãm giới thiệu bộ sưu tập tranh quý này tới công chúng.

Ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho hay, Bảo tàng đã hai lần sang Pháp để tiếp nhận bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu. Lần thứ nhất, Bảo tàng tiếp nhận 20 tác phẩm gồm 18 bức tranh gốc của họa sĩ Lê Thị Lựu và 2 bức là phiên bản. Bộ sưu tập 20 bức tranh này là của ông Ngô Thế Tân (chồng họa sĩ Lê Thị Lựu) đã di nguyện để lại cho vợ chồng nhà sưu tập Lê Tất Luyện và nhà văn Thụy Khuê, thay mặt ông tặng lại Nhà nước Việt Nam.

 

Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tiếp nhận tranh tại Pháp

Không dễ gì có được...

Trong chuyến đi nhận bộ sưu tập 20 bức tranh trên ở Pháp, ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê có ý sẵn sàng tặng lại toàn bộ sưu tập của mình (9 bức tranh khác cũng của họa sĩ Lê Thị Lựu nhưng thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông, trong đó có 1 bức của ông Ngô Thế Tân) cho Việt Nam, với điều kiện đơn vị tiếp nhận phải có uy tín, trung thực và không tráo đổi sao chép, biết trân trọng giá trị văn hóa nghệ thuật, bảo quản tốt, đồng thời phát huy giá trị các tác phẩm được tặng. Qua tiếp xúc tìm hiểu, ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê đã tin tưởng tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, vì thế Bảo tàng đã làm các thủ tục sang Pháp lần 2 để tiếp nhận thêm 9 bức tranh vào cuối tháng 10 vừa qua.

Như vậy, hiện Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đang lưu giữ tổng cộng 29 tác phẩm, trong đó 26 tranh gốc của nữ họa sĩ tài danh Lê Thị Lựu. Các bức tranh hiện đang được bảo quản cẩn thận, Phòng nghiên cứu sưu tầm của Bảo tàng đang hoàn tất các thủ tục, hồ sơ khoa học để đưa ra trưng bày trước công chúng vào đúng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11 tới đây. Sau khi triển lãm, Bảo tàng sẽ có phòng trưng bày riêng dành cho bộ sưu tập tranh này.

“Việt Nam không dễ gì có được bộ sưu tập của các họa sĩ Đông Dương như bộ sưu tập tranh lần này của họa sĩ Lê Thị Lựu đã hiến tặng cho Bảo tàng. Bởi đây là những tác phẩm quý hiếm không chỉ mang giá trị về mặt mỹ thuật, mà còn có ý nghĩa về mặt văn hóa - xã hội, là sự trở về với quê hương của những giá trị mỹ thuật”, ông Trịnh Xuân Yên bày tỏ. Ông Yên chia sẻ thêm, gia đình họa sĩ Lê Thị Lựu mong muốn các tác phẩm được quay về cố hương, triển lãm phục vụ công chúng Việt Nam và Bảo tàng muốn nhận được sự tin tưởng của gia đình các họa sĩ để hiến tặng tranh quý thì Bảo tàng phải tạo được niềm tin cho họ, rằng các bức tranh sẽ không bị sao chép, mất mát hư hỏng và phát huy tốt được giá trị.

Tác phẩm: Chị dạy em viết chữ Nho

“Đây là bộ sưu tập có giá trị lớn trên thị trường châu Âu”

Lê Thị Lựu hiện được xem là nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam (1911-1988). Bà tốt nghiệp thủ khoa khoá III, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1932. Năm 1940, bà sang Pháp cùng chồng là kỹ sư Ngô Thế Tân và các tác phẩm tranh của bà chủ yếu được sáng tác trong giai đoạn bà ở Pháp. Theo nhà văn Thụy Khuê, người có nhiều thời gian tiếp cận với họa sĩ Lê Thị Lựu khi ở Pháp và có nhiều bài viết về nữ họa sĩ, đồng thời cùng với chồng mình là nhà sưu tập Lê Tất Luyện hiến tặng tranh cho Bảo tàng: “Tranh Lê Thị Lựu êm dịu ánh sáng, nhẹ nhàng màu sắc, mềm mại nét bút, chủ đề chuyên biệt: phụ nữ và thiếu nhi. Bà chuyển tất cả thần thái, tâm sự nhớ nhà, sự âu yếm, dịu dàng và tế nhị vào nét bút như một căn cước, một bản sắc”.

Tác phẩm: Mẹ địu con

Đánh giá về giá trị các tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Lựu, họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Hội đồng Mỹ thuật Hội Mỹ thuật TP.HCM khẳng định, đây là bộ tranh nguyên gốc, có giá trị và rất quý hiếm, là bộ sưu tập trọn vẹn thời Đông Dương. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM được lưu giữ bộ sưu tập này là một vinh dự. Trong bộ sưu tập này có một số tranh như: Chị dạy em viết chữ Nho, Chân dung thiếu nữ, Mẹ địu con… đã được in sách, báo, được khẳng định trên thị trường mỹ thuật trong nước và quốc tế. Theo họa sĩ Nguyễn Trung Tín, giai đoạn từ năm 1945 đến 1960 là giai đoạn họa sĩ Lê Thị Lựu sáng tác rất ít. Trong bộ sưu tập này có nhiều tác phẩm cho thấy sự chuyển đổi phong cách sáng tác rất rõ ràng, chuyển từ việc ảnh hưởng phong cách các họa sĩ Lê Phổ, Vũ Cao Đàm sang ảnh hưởng phong cách của họa sĩ Modigliani. Họa sĩ Lê Thị Lựu đã khẳng định phong cách riêng của mình vào thập niên 60.

Họa sĩ Quách Văn Phong, nguyên Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, nếu đánh giá ở góc độ kinh tế thì bộ sưu tập này rất có giá trị. Bộ sưu tập của họa sĩ Lê Thị Lựu cho thấy phong cách sáng tác có sự kết hợp giữa lịch sử mỹ thuật giữa châu Á và châu Âu. Họa sĩ Hứa Thanh Bình, nguyên Phó giám đốc Nghiệp vụ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thì cho rằng, đây là bộ sưu tập vô cùng có giá trị không những về mặt mỹ thuật mà còn có giá trị về lịch sử, văn hóa. Bảo tàng nên tập hợp tất cả những dữ liệu, hình ảnh làm việc cũng như quá trình tiếp nhận tác phẩm tại Pháp để minh chứng cho công chúng yêu thích nghệ thuật đây là bộ sưu tập nguyên gốc và có giá trị rất lớn trên thị trường châu Âu hiện nay. 

 Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tiếp nhận tranh tại Pháp

Sau chuyến về Việt Nam tháng 11 và 12.2017, thấy tình hình đất nước đã thay đổi về mọi mặt, vấn đề bảo quản di tích lịch sử và mỹ thuật đã có những bước tiến lớn, tuy vẫn còn tình trạng triển lãm tranh giả ở một vài nơi… Mặc nhiên, chúng tôi thấy điều kiện đòi hỏi về sự bảo quản đúng đắn những tác phẩm nghệ thuật có thể thực hiện được, nên đã quyết định đưa hai bộ sưu tập tranh Lê Thị Lựu của Ngô Thế Tân và của Thụy Khuê - Lê Tất Luyện, về nước, trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Kể từ ngày 8.5.1994, khi được ông Ngô Thế Tân giao phó sưu tập tranh Lê Thị Lựu, chúng tôi âm thầm sửa soạn một ngày sẽ đưa tác phẩm của bà về nước theo đúng nguyện vọng của ông.  (Nhà văn Thụy Khuê)


 THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top