Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Cộng đồng giữ vai trò then chốt trong bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể

Thứ Sáu 09/11/2018 | 09:42 GMT+7

VHO- “Thực hiện công ước của UNESCO 2003, nhiều di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam đã được bảo vệ và phát huy giá trị dựa vào cộng đồng”, đó là nhận định của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận đặc biệt về việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam, trong khuôn khổ của Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICH NGO), diễn ra từ ngày 6 - 8.11 tại TP Huế. 

 Biểu diễn Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn giới thiệu đến các đại biểu quốc tế dự hội nghị

Sức sống của Nhã nhạc 
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (gọi tắt là Trung tâm) cho biết, sau 15 năm Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn kể từ khi UNESCO công nhận có được sức sống như hiện nay không chỉ có sự đóng góp của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia mà còn là nhờ cộng đồng. Trước hết là sự truyền dạy của các nghệ nhân cho các thế hệ con cháu trong gia đình, và những người trẻ này đã tiếp thu được các bài bản, kinh nghiệm quý báu để lưu giữ và phát triển. Có gia đình 4 thế hệ cùng làm việc tại Nhà hát truyền thống cung đình Huế. Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đang có chương trình dạy ngoại khóa về Nhã nhạc, múa cung đình và âm nhạc truyền thống cho học sinh, và cũng được các em tham gia tích cực. 
TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, cũng bày tỏ rất xúc động khi được xem các học sinh của trường THPT Nguyễn Huệ biểu diễn điệu múa cung đình và Nhã nhạc tại chương trình của hội nghị. “Tôi đánh giá cao việc Trung tâm đã tạo ra môi trường diễn xướng khác nhau, trong đó có sự gắn kết với việc làm thế nào để các học sinh ở trường học tham gia học nhã nhạc, múa cung đình… Điều này có ý nghĩa cộng đồng rất lớn”, TS Lý nói. 
Cần có sự tham gia của các NGO trong bảo tồn di sản 
TS. Lê Thị Minh Lý cho biết trong quá trình bảo vệ di sản Hát xoan Phú Thọ, sự tham gia của cộng đồng và tổ chức phi chính phủ (NGO) đã đưa lại kết quả đáng mừng. Qua đó, Hát xoan đã thoát khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và được UNESCO vinh danh vào năm 2017. 
“Khi chúng tôi tham gia làm hồ sơ thì chỉ có 7 nghệ nhân Hát xoan nhớ được các bài bản một cách tương đối nhưng không có không gian thực hành. Ngay lập tức, tỉnh Phú Thọ đã có biện pháp bằng cách: Đầu tiên là phục hồi các bài bản, sau đó tạo ra một lớp công chúng mới. Lớp công chúng này là cộng đồng thông qua giáo dục và thông qua truyền thông. Khi Hát xoan đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, Phú Thọ cũng đã có một chiến lược gần như là “phổ cập” Hát xoan. Chúng tôi với tư cách NGO, và Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng không nên phổ cập Hát xoan như vậy, vì nó sẽ mất bản sắc và làm ảnh hưởng đến chính các cộng đồng. Sau đó, Phú Thọ đã thay đổi chiến lược và địa phương này coi như việc phổ biến ấy là tạo ra lớp công chúng thăng hoa thay vì xem họ là thực hành di sản chính thức. Sau 6 năm, hát xoan thoát khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và được UNESCO vinh danh”, TS Lê Thị Minh Lý thông tin. 
Từ quá trình bảo vệ và phát huy giá trị của Hát xoan Phú Thọ, TS. Lê Thị Minh Lý cũng đưa ra một số bài học về việc thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam hiện nay, trong đó cần “lôi kéo” sự tham gia của các chuyên gia và các NGO. Bà Lý thông tin, Hà Nội đã từng bị Cục Di sản văn hóa “tuýt còi” về chậm thực hiện việc kiểm kê di sản văn hóa. Sau đó, địa phương này đã giao cho các NGO thực hiện và sau 3 năm thì hoàn thành. Khi tham gia, NGO không phải làm một mình mà chỉ là đơn vị tư vấn, các công việc cụ thể do cán bộ ở địa phương thực hiện. Kết quả, đã có 1.793 di sản được kiểm kê, trong đó đã lên danh sách hơn 200 di sản cần ưu tiên bảo vệ. “Trong quá trình thực hiện, chúng tôi rất chú ý đến những di sản liên quan đến đời sống và kinh tế của cộng đồng cư dân. Hiện nay Hà Nội đã thực hiện bản đồ di tích ở các quận, huyện… Nguồn tài liệu sau khi kiểm kê nói trên rất có giá trị cho công tác giáo dục”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, nhấn mạnh. 

Tại phiên bế mạc hội nghị ICH NGO, các đại biểu cũng tái khẳng định cam kết để thực hiện các biện pháp bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần của công ước UNESCO 2003. Đồng thời, cũng đưa ra các khuyến nghị, tiếp tục kêu gọi các NGO và các bên liên quan khác cùng tăng cường cam kết cho sự phát triển cộng đồng bền vững thông qua bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. 

 

SƠN THÙY 
 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top