Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Chuẩn hóa chuyên môn là rất cần thiết nhưng không nên cứng nhắc

Thứ Tư 07/11/2018 | 17:04 GMT+7

VHO- Gần đây, khi thời gian chuyển đổi điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế theo các quy định trong Luật Du lịch 2017 sắp hết, việc thực hiện Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL, liên quan đến quy định về trình độ nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành được rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch quan tâm, đồng thời phát sinh một số vấn đề cần sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

Sẽ giải quyết cho những trường hợp được đào tạo đúng nội dung chuyên ngành

Thực tế cho thấy, du lịch là ngành dịch vụ phát triển nhanh chóng ở nước ta những năm gần đây nhưng nguồn nhân lực ngành Du lịch chủ yếu được đào tạo chuyên môn từ các ngành khác như: sư phạm, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, ngoại thương, thương mại, kinh tế, ngoại giao... Do đó, phần lớn người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành của Việt Nam không được đào tạo bài bản nên chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, trong khi nhóm lao động này là lao động đặc thù, liên quan trực tiếp đến chất lượng dịch vụ, thậm chí liên quan đến tính mạng con người. Chỉ có một số ít người điều hành kinh doanh lữ hành thành công từ kinh nghiệm thực tiễn hoặc được đào tạo đúng chuyên ngành.

Nhiều kinh nghiệm kinh doanh lữ hành chưa đủ với một người làm du lịch chuyên nghiệp

Ông Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐH KHXHNV (ĐHQGHN)- cơ sở đào tạo hàng đầu về chuyên ngành đào tạo du lịch trên cả nước, cho biết: “Khoa tôi từ năm 1995 đến 2001 đào tạo chuyên ngành Du lịch nhưng từ năm 2002- 2011 lại đào tạo chuyên ngành Du lịch học. Nên hiện nay rất nhiều em tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch học đang lo lắng, thậm chí đã đi học và đi thi để lấy chứng chỉ chuyên ngành đúng theo quy định tại Thông tư 06. Nhiều trường có đào tạo các chuyên ngành liên quan tới du lịch, lữ hành cũng gặp vướng mắc như chúng tôi vì tên chuyên ngành sai lệch so với Thông tư 06. Thiết nghĩ, để có sự công bằng đối với những người học du lịch, lữ hành trước đây tại các Khoa, Trường đào tạo du lịch, lữ hành như Trường chúng tôi, Bộ VHTTDL, TCDL nên rà soát lại hệ thống văn bằng và có những quy định sửa đổi phù hợp với thực tế đào tạo giai đoạn trước và tình hình hiện nay”

Sau khi TCDL báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu: “TCDL khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2017/BVHTTDL cho phù hợp với thực tế, không cứng nhắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành hoạt động, trên tinh thần đảm bảo các trường hợp đã tốt nghiệp tại các trường, khoa du lịch trước Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9.3.2009 và các văn bản hướng dẫn, có học các chuyên ngành du lịch, lữ hành (theo quy định của Luật Du lịch) sẽ được công nhận đủ điều kiện là người phụ trách kinh doanh lữ hành. Những người đã tốt nghiệp ngành, chuyên ngành đào tạo liên quan đến các lĩnh vực như khách sạn, hướng dẫn du lịch, nhà hàng và các lĩnh vực chuyên môn khác thì chỉ cần tham gia kỳ thi để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch, không bắt buộc phải tham gia các khóa học mới được thi như quy định của Thông tư 06”.

Chuẩn hóa chuyên môn là cần thiết

Để hướng tới sự chuyên nghiệp, chất lượng của hoạt động kinh doanh lữ hành, bảo vệ quyền lợi của khách du lịch và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, cần có sự thống nhất, chuẩn hóa về nội dung đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực du lịch, trong đó có lữ hành. Đối với những người đào tạo chuyên ngành khác hoặc chưa đúng ngành, chưa đúng nội dung cần được bổ sung kiến thức nghiệp vụ điều hành du lịch để chuẩn hóa kiến thức và cập nhật các quy định, chính sách, chiến lược phát triển mới của ngành du lịch.

Rất nhiều người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành thấy cần thiết phải chuẩn hóa chuyên môn

Sự thay đổi về điều kiện kinh doanh lữ hành đối với người điều hành dịch vụ lữ hành từ quy định các doanh nghiệp tự xác nhận thời gian công tác, kinh nghiệm làm việc (Luật Du lịch 2005) sang quy định bằng cấp chuyên ngành về lữ hành (quy định của Luật Du lịch 2017) đã gây ra tranh cãi và nảy sinh vấn đề nhiều lao động trong ngành lữ hành sẽ phải thi để chuẩn hóa kiến thức.

Một số người đứng đầu các doanh nghiệp du lịch, lữ hành thành đạt cho rằng: Dù không tốt nghiệp đúng chuyên ngành du lịch, lữ hành nhưng họ đã có kinh nghiệm kinh doanh trong ngành này nhiều chục năm, có người còn đi giảng ở các khoa đào tạo về du lịch, lữ hành, đi học lại những kiến thức cơ bản họ cho là nực cười, tốn kém, cưỡi ngựa xem hoa, không cần thiết…

Tuy nhiên, cũng có nhiều người đã đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và thi chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch lại khẳng định: Đi học và đi thi những thứ mình chưa được đào tạo, mới chỉ có kinh nghiệm là không hề thừa, rất bổ ích. Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vân Hải Xanh (Quảng Ninh), học chuyên ngành Kế toán tại ĐH Kinh tế quốc dân, đã có hơn chục năm kinh nghiệm làm lữ hành chia sẻ: “Tôi cũng vừa đi học và thi nghiệp vụ điều hành du lịch ở Cao đẳng nghề Văn Lang (Hà Nội). Ngoài những kiến thức cơ bản của ngành, chúng tôi còn được học cách xây dựng chương trình tour, tính giá tour và xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình đi tour. Chắc chắn khi học xong việc xử lý nghiệp vụ sẽ nhanh hơn, đúng trình tự và quy định của pháp luật hơn. Kể cả những anh em đã học đúng chuyên ngành chưa chắc đã cập nhật hết thông tin trong khóa học, nhất là những người đã tốt nghiệp từ lâu. Còn với những người trái ngành như tôi thì rất nên đi học, đi thi, sẽ không thừa vì vô cùng thiết thực”.

Có những người đứng đầu công ty du lịch đang hoạt động tốt nhưng đi thi nộp giấy trắng vì không làm nổi một chương trình tour. Có lẽ quy định về trình độ chuyên môn của người phụ trách kinh doanh lữ hành trong Thông tư 06 gây tranh cãi vì cái Tôi của một số người quá lớn. Họ không chấp nhận được việc đang ở trên một "cái ghế" nào đó rồi mà vẫn phải đi học, đi thi những thứ họ cho rằng họ đã biết, thậm chí đã thành công bằng... kinh nghiệm thực tế.

Khoản 1, Điều 3 của Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL quy định về Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau: chủ tịch hội đồng quản trị; chủ tịch hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ doanh nghiệp tư nhân; tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc; trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành. Có nghĩa là một trong những đối tượng được quy định như trên của các doanh nghiệp cần phải bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch (nếu chưa có) chứ không phải tất cả những vị trí nói trên đều phải hoàn thiện và cũng không nhất thiết tất cả các chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc phải được đào tạo đúng chuyên ngành du lịch, lữ hành hoặc có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch. Anh là người đứng đầu doanh nghiệp, không được đào tạo đúng chuyên ngành nhưng trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành của anh được đào tạo đúng chuyên ngành, hoặc có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ theo quy định thì doanh nghiệp của anh vẫn đủ điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa hoặc quốc tế.

Liên quan đến việc đi học, đi thi để chuẩn hoá chuyên môn, đáp ứng điều kiện kinh doanh của ngành kinh doanh có điều kiện này, ông Phạm Hải Quỳnh cho biết thêm: “Lớp tôi học do một người em tôi quen biết giảng, đi thi cũng do một người quen ít tuổi hơn trông thi. Nhưng tôi thấy rất bình thường, tôi có thể giỏi hơn những người ấy ở mặt này nhưng kiến thức ngành Du lịch tôi không bằng họ. Họ vẫn là thầy tôi”.

Một buổi thi lấy chứng chỉ nghiệp vụ du lịch tại Trường ĐH KHXHNV

Ông Nguyễn Minh Kháng, Giám đốc Công ty du lịch Minh Kháng (Nam Định), học đại học chuyên ngành Luật kinh tế cho biết: “Việc học và thi đối với những người không đúng chuyên ngành đào tạo như chúng tôi rất cần thiết. Học để thêm kiến thức cho bản thân và sau đó là kinh doanh đúng luật. Nội dung học khá hấp dẫn và cập nhật các thông tin mới về du lịch Việt Nam, được thông tin về các quy định, chính sách mới của Đảng, Nhà nước. Bộ đề có tới 1.800 câu hỏi, kiến thức từ cơ bản đến rất mới; câu hỏi tình huống, bài tập thực hành cũng rất hay. Tôi học và thi ở Trường ĐH KHXHNV, học thật, thi thật, nghiêm túc như thi đại học”

THUÝ HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top