Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Những kỷ niệm về Bác là hành trang mang theo suốt cuộc đời

Thứ Tư 07/11/2018 | 10:12 GMT+7

VHO- Khuôn mặt ấm áp, hiền từ, giọng nói nhẹ nhàng và sự mẫn tiệp khiến người đối diện không thể nào đoán tuổi, bà Phan Thị Phúc, phu nhân cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, thân mẫu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh xúc động trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh những bức ảnh kỷ vật về Bác Hồ mà bà đã mang theo trong hành trang suốt cuộc đời mình. 

 Bức ảnh được bà Phan Thị Phúc trao tặng Bảo tàng

 Sáng qua 6.11 tại Hà Nội, đoàn cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh và đại diện Bộ Ngoại giao đã tới nhà riêng cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch để tiếp nhận hiện vật là hình ảnh tư liệu về Bác Hồ do bà Phan Thị Phúc, phu nhân cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch; thân mẫu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao tặng.
“Tài sản” vô giá của cuộc đời
Sau khi trao “tài sản” vô giá cho cán bộ Bảo tàng, người phụ nữ “hậu phương vững chắc” của gia đình có hai vị Bộ trưởng Ngoại giao tâm sự: “... Tôi được một đồng chí gửi tặng bức ảnh chụp tại buổi mít tinh đó, bức hình có Bác Hồ ngồi bên dưới, được ghi tên tác giả Vũ Văn Lai. Thú thực tôi không nhớ rõ bài phát biểu của mình năm đó như thế nào, nhưng bức ảnh này thì đã trở thành tài sản vô giá mà tôi mang theo trong suốt cuộc đời mình. Trong 9 năm kháng chiến, chiếc ba lô tôi đeo trên vai chỉ có bộ quần áo và quyển ảnh tư liệu, bao gồm bức ảnh về Bác. Sau này khi về tiếp quản thủ đô, tôi vẫn luôn nâng niu, gìn giữ bức ảnh, và cho đến tận bây giờ”.
Trong những dịp được gặp Bác sau này, cảm nhận được tình cảm ấm áp và sự quan tâm, gần gũi của Người, bà Phan Thị Phúc vẫn luôn luôn lưu giữ dấu ấn kỷ niệm được ghi lại trong bức ảnh chụp khoảnh khắc đã cách đây hơn 70 năm. Tại buổi trao tặng kỷ vật, bà Phúc đã tận tay trao cho các cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh bức ảnh mà bà coi là “tài sản” vô giá của mình với mong muốn, bức ảnh sẽ được Bảo tàng lưu giữ, phát huy giá trị; đồng thời sẽ là một câu chuyện lịch sử sống động kể lại cho các thế hệ sau này. 
“Tôi năm nay đã 90 tuổi rồi. Trao tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh bức ảnh kỷ vật của cuộc đời mình, tôi thấy rất ấm áp và tự hào...”, phu nhân cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chia sẻ. Bà cũng trao tặng các cán bộ Bảo tàng bản ghi chương trình ký sự Hành trình theo chân Bác với mong muốn sẽ giúp cho các cán bộ Bảo tàng có thêm nhiều tư liệu giá trị trong công tác giữ gìn và phát huy các giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Phan Thị Phúc cũng chính là người đã đệ trình và bảo vệ hồ sơ Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hoá thế giới lên UNESCO.
Xúc động đón nhận hiện vật vô giá về Bác Hồ, ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ: “Với chức năng làm công tác giữ gìn và phát huy các giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng trân trọng cảm ơn gia đình đã tin tưởng trao cho chúng tôi cơ hội tiếp cận những hiện vật đặc biệt giá trị về Người. Bức ảnh đã ghi lại một sự kiện lịch sử rất quan trọng và sau khi tiếp nhận, Bảo tàng sẽ bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị, giới thiệu tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, gắn với hiện vật còn là những câu chuyện về các sự kiện lịch sử liên quan. Đó chính là những bài học sống động và vô giá mà Bảo tàng sẽ cố gắng để chuyển tải tốt nhất đến khách tham quan trong và ngoài nước, những người luôn kính trọng và yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh...”. 
Giám đốc Bảo tàng cũng khẳng định, trong giai đoạn này, Bảo tàng đang có định hướng một số trọng tâm trong công tác sưu tầm, sao cho các bộ sưu tập của Bảo tàng trở nên phong phú và sống động hơn. “Bảo tàng sẽ triển khai làm hồ sơ khoa học đối với mỗi hiện vật về Bác. Bức ảnh được phu nhân cố Bộ trưởng trao tặng ngày hôm nay sẽ không chỉ trở thành hiện vật của Bảo tàng mà còn là tài sản quốc gia...”, theo ông Vũ Mạnh Hà.

 

 Bà Phan Thị Phúc chia sẻ những kỷ niệm gắn với bức ảnh hiện vật được trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh

Lần cuối được gặp Người!
Tại buổi trao tặng hiện vật, các cán bộ Bảo tàng cũng đã được nghe bà Phan Thị Phúc kể lại dấu ấn những kỷ niệm về Bác Hồ, trong đó có những kỷ niệm sâu sắc gắn với những ngày bà theo chồng sang Ấn Độ. “Dịp đó tôi có vinh dự được đón Bác Hồ khi Người sang thăm Ấn Độ. Những bức ảnh tôi được chụp khi tặng hoa Người, khi Người trao quả táo cho con tôi... cũng là những dấu ấn mà mãi mãi tôi không thể quên”, bà Phúc xúc động. Nhân dịp này, phu nhân cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng trao tặng Bảo tàng những bức ảnh lịch sử đó về Bác Hồ.
Bà kể, trong cuộc đời bà đã may mắn được gặp Bác bốn lần. Có những lần gặp Người đã có sức ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này của bà. “Tôi nhớ nhất lần được gặp Bác khi tôi mới 16 tuổi. Đó là lần tôi được cử tham gia chuẩn bị cho một buổi tiếp khách của Người, đang bày biện thì Bác đi tới từ phía sau và hỏi: “Cháu năm nay bao nhiêu tuổi?”, tôi trả lời “Cháu 16 tuổi”. Bác hỏi tôi học đến lớp nào rồi dặn dò: Cháu phải học thêm nhé. Học thêm để mà phục vụ đất nước. Chỉ câu nói đó của Bác mà sau này cả cuộc đời tôi đều dành cho việc học. Học Trường Dược, học thêm bằng Văn Sử, học lớp kiến thức ngoại giao của Bộ... Còn nhớ khi theo học lớp Văn Sử, các con còn nhỏ, buổi tối tôi sắp xếp cho mỗi con ngồi học ở một hòm gỗ, rồi mẹ cũng học, trời mưa gió vẫn đạp xe đi học...
Còn có nhiều kỷ niệm khác trong những lần tôi được gặp Bác, nhưng chỉ đứng từ phía xa mà sau đó vẫn còn nhớ mãi.
Và cho đến lần cuối cùng được gặp Người, là lần tôi mang theo nhiều kỷ niệm và xúc cảm nhất!”.
Lần lại dòng hồi ức đã xa, bà Phúc dường như không quên được khoảnh khắc năm nào. “Đó là ngày Bác mất. Chúng tôi xếp hàng chờ vào viếng Bác, chờ tới 5h sáng mà vẫn không được vào. Cho đến khi được vào viếng Bác, tôi biết đó là lần cuối được gặp Người, và đã khóc rất nhiều. Thậm chỉ cả năm sau đó, cứ mỗi lần nhắc về Bác là tôi lại khóc. Cho đến bây giờ, trong tôi vẫn luôn ghi nhớ thời khắc đó...”.
Kỷ niệm về Bác Hồ, trong ký ức của bà Phan Thị Phúc chính là những tình cảm gần gũi, giản dị mà hết đỗi thân thương. “Có lần, khi biết tin tôi sinh con, Bác Hồ đã gửi cho tôi chai mật ong và quả cam để bồi dưỡng. Lần đó, anh Thạch (Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch) đã đi ngựa từ Việt Bắc để mang quà của Bác về Vĩnh Yên cho tôi. Món quà giản dị của Bác đã khiến tôi nhớ mãi...”, bà Phan Thị Phúc tâm sự.

Đó là hình ảnh được ghi lại trong một lần mà tôi được phân công phát biểu tại cuộc mít tinh hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ về chống giặc đói, diệt giặc dốt. Bữa ấy, khi ra Nhà hát Lớn thành phố, đứng phía trên nhìn xuống thấy rất đông người dự, tôi đã rất run. Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo đang ngồi phía dưới. Nhưng được mọi người động viên, tôi cố gắng đọc bài phát biểu của mình, một lúc sau thì tôi đã trấn tĩnh lại...

(Bà Phan Thị Phúc, phu nhân cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, thân mẫu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh)

 

 NGÂN ANH

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top