Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Khẳng định vị thế số 1 của Ca trù Hà Nội

Thứ Tư 07/11/2018 | 10:09 GMT+7

VHO- Đông đảo nhất, chất lượng nhất và có tổ chức tốt nhất… đoàn Ca trù Hà Nội thực sự khẳng định vị thế số 1 tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018.

 

 Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 là lần đầu tiên sân chơi dành cho giới Ca trù quy định mỗi tỉnh, thành có di sản Ca trù thành lập một đoàn nghệ thuật Ca trù đại diện cho địa phương. Theo đó, trên địa phương có nhiều nghệ nhân, nhiều CLB hay các nhóm hát Ca trù sẽ tham gia Liên hoan theo đoàn Ca trù của địa phương với số lượng nhân sự mỗi đoàn không quá 25 người. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hà Nội đã có gần chục CLB, Giáo phường hay nhóm hát Ca trù. Mỗi nghệ nhân hay mỗi CLB, Giáo phường hay nhóm hát Ca trù ở thủ đô đều có những ngón nghề riêng, có cách sinh hoạt, duy trì tổ chức của mình riêng. Thậm chí có những Giáo phường Ca trù cạnh tranh nhau dữ dội, bới móc nhiều chuyện hậu trường của nhau lên mặt báo như Giáo phường Ca trù Hà Nội với Giáo phường Ca trù Thăng Long…

Việc tổ chức, thành lập một đoàn nghệ thuật Ca trù Hà Nội tham gia Liên hoan lần này, vì thế, trước hết là một thành công của Sở VHTT Hà Nội. Không chỉ quy tụ các nghệ nhân, diễn viên của nhiều CLB, Giáo phường hay nhóm hát Ca trù ở Hà Nội, đoàn nghệ thuật Ca trù Hà Nội ít nhiều là dấu son đánh dấu sự đoàn kết, quy tụ của giới Ca trù Hà Nội. Thật hiếm đoàn Ca trù nào quy tụ nhiều nghệ nhân, diễn viên đến từ nhiều CLB, Giáo phường hay nhóm hát Ca trù như đoàn Ca trù Hà Nội với: Giáo phường Ca trù Thái Hà, Giáo phường Ca trù Thăng Long, Giáo phường Ca trù Hà Nội, Giáo phường Ca trù Lỗ Khê, CLB Ca trù Đình Làng Việt, CLB Ca trù Chanh Thôn… Sự kết hợp giữa các ca nương nghệ nhân của các CLB, Giáo phường hay nhóm hát Ca trù thật nhuần nhuyễn và đem đến cho người nghe những cái mới lạ nhất định trong các tiết mục Gửi thư, Thề non nước… của Giáo phường Ca trù Thái Hà với Giáo phường Ca trù Lỗ Khê hay tiết mục Ả phiền 36 giọng kết hợp giữa các đào nương, kép đàn, quan viên của Giáo phường Ca trù Thăng Long với CLB Ca trù Đình Làng Việt…

Liên hoan lần này, bên cạnh nội dung chương trình bắt buộc, BTC khuyến khích các đào nương, quan viên, kép đàn tham gia phần thi không bắt buộc có tên Tài năng Ca trù 2018. Nhiều đoàn Ca trù của nhiều tỉnh, thành không đăng ký tham gia phần thi Tài năng Ca trù hoặc có tham gia cũng chỉ 1 – 2 nghệ nhân, diễn viên thi thố phần thi không bắt buộc này. Riêng đoàn nghệ thuật Ca trù Hà Nội không chỉ tham gia phần thi Tài năng Ca trù ở cả ba hạng mục dự thi là Đào nương, Quan viên, Kép đàn mà số lượng các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia phần thi Tài năng cũng đứng đầu Liên hoan về số lượng với các tên tuổi dự thi: Quan viên Nguyễn Quyết Thắng; Đào nương Nguyễn Kim Ngọc, Đinh Thị Vân, Nguyễn Thị Thảo và Kép đàn Tạ Văn Hợi, Đoàn Linh Hương, Nguyễn Bá Hải, Nguyễn Văn Tuyến…

Nhiều tiết mục của đoàn nghệ thuật Ca trù Hà Nội tham gia Liên hoan lần này có chất lượng cao, để lại nhiều dấu ấn về chuyên môn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ca trù. Đào nương Nguyễn Kim Ngọc vốn là con gái của cố nghệ nhân mù Nguyễn Kim Sinh. Tại Liên hoan lần này, Ngọc dự thi phần Tài năng Ca trù với hai bài Non mai hồng hạnh, Ngâm vọng. Với Non mai hồng hạnh vốn là một bài khó và đã có nhiều “tượng đài” Ca trù đi trước thể hiện rất thành công nhưng Ngọc vẫn phả vào bài hát này hơi thở mới, rất thành công. Trong khi đó, Ngâm vọng là một bài Ca trù cổ lâu nay đã vắng bóng bởi không mấy giọng ca có thể thi triển được. Ngay sau khi Kim Ngọc hạ phách, kết thúc bài thi, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan tấm tắc: “Khó thế mà Kim Ngọc hát hay ghê”.

Bên cạnh đó, cả nước ta hiện nay chỉ có đôi ba Kép đàn xuất thân là phận nữ nhi thường tình thì cả mấy kép đàn nữ này đều đóng đô ở Hà Nội. Đó cũng là một nét đặc sắc của Ca trù Hà Nội. Bộ ba kép đàn này là Phạm Thị Huệ, Thanh Thuỷ, Đoàn Linh Hương… đều là những cô gái xuất thân từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từng nhiều năm gắn bó với Ca trù. “Đặc sản” kép đàn nữ của Ca trù Hà Nội hiện diện tại Liên hoan lần này là Kép đàn Đoàn Linh Hương. Năm nay đã là sinh viên năm cuối của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhưng Hương đã có hơn 10 năm gắn bó với nghệ thuật Ca trù. Với Ả phiền 36 giọng qua tài năng của Linh Hương người nghe có thể cảm nhận được sự mềm mại, khác lạ của tiếng đàn đáy do nữ nhi nhấn, gẩy. Suốt cả quá trình diễn xướng bài hát này, Kép đàn Đoàn Linh Hương dường như không một lần nhìn vào phím đàn mà chỉ nhắm mắt, mơ màng theo những khổ nhạc cho thấy sự nhuần nhuyễn của kép đàn tài hoa này.

Thú vị hơn cả là bộ ba Nguyễn Quyết Thắng của Giáo phường Ca trù Thái Hà và Kép đàn Nguyễn Văn Tuyến, Đào nương Đinh Thị Vân đều cùng nhau thi phần Tài năng Ca trù. Nguyễn Quyết Thắng là con trai của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, nổi tiếng trong gia đình đã trải qua 7 đời truyền trao và truyền dạy Ca trù. Trong khi đó, Đinh Thị Vân là đào nương có giọng ca được xem là truyền nhân của ca nương danh tiếng Quách Thị Hồ và Nguyễn Văn Tuyến là Kép đàn lão luyện, chủ lực của Giáo phường Ca trù Lỗ Khê. Họ vừa là thí sinh, vừa là người hỗ trợ cho nhau trong các phần thi, tạo nên những tiết mục thi kết hợp 3 trong 1 duy nhất của Liên hoan lần này. Quan viên Nguyễn Quyết Thắng cho biết: “Ca trù là nghệ thuật của thi ca. Trong đó Quan viên là ý thơ, câu thơ là Kép đàn và những lời thơ là Đào nương”. Cả ba tạo nên những tiết mục thi thực sự đỉnh cao của Liên hoan lần này. 

 PHÚC NGHỆ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top