Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Cán bộ xã "công bằng" với Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh

Thứ Hai 05/11/2018 | 22:39 GMT+7

VHO - Ở xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có một công chức chuyên trách văn hoá – xã hội có tên là Nguyễn Công Bằng. Cái tên như định mệnh cuộc đời, cán bộ văn xã hết mực tâm huyết với Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh này công bằng cả chức trách quản lý cũng như trong vai trò nghệ nhân.

Tìm về cộng đồng Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh trong cái nắng ươm vàng của mùa thu xứ Nghệ, anh Nguyễn Công Bằng cho tôi nhiều chiêm nghiệm thú vị. Làng Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những vùng đất giàu truyền thống văn hoá. Từng nổi danh trong lịch sử với hơn 1000 năm tồn tại, nhiều dòng họ trên mảnh đất này nổi tiếng khắp cả nước như dòng họ Nguyễn Công, Nguyễn Sỹ, Phạm Doãn… Sinh năm 1979, Nguyễn Công Bằng là thế hệ thứ 26 của dòng họ nổi tiếng Nguyễn Công. Dòng họ này đã từng sản sinh cho quê hương, đất nước nhiều danh nhân tiêu biểu như Thượng tướng Nguyễn Công Mưu, đông các đại học sỹ Nguyễn Công Luật, Quan thị nội giám Nguyễn Đăng Thám…

Anh Nguyễn Công Bằng hát ví cùng chị Tô Thị Hồng

Làng Phù Việt vốn xưa đã nghèo, nay nghề nông lại trăm phần khó khăn. Thanh niên đến tuổi lao động đa phần đều đi làm ở xa, có người còn tìm ra nước ngoài theo đường xuất khẩu lao động. Nguyễn Công Bằng lớn lên trong dòng họ giàu truyền thống, từ nhỏ đã được học hành bài bản lại lặng lẽ trở về nơi chôn rau cắt rốn làm cán bộ xã. Năm 2012, vào lúc Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh được xây dựng hồ sơ Quốc gia đệ trình UNESCO xét ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của Nhân loại, trong vai trò công chức văn xã của xã, Nguyễn Công Bằng đứng ra thành lập CLB Dân ca Nghệ Tĩnh xã Phù Việt. CLB ban đầu chỉ có 9 người, qua bầu bán hẳn hoi, Nguyễn Công Bằng được đảm trách vai trò chủ nhiệm CLB.

Người cán bộ xã kiêm chủ nhiệm CLB Dân ca Nghệ Tĩnh xã Phù Việt soạn thảo hẳn hoi Quy chế hoạt động của CLB Dân ca Nghệ Tĩnh xã Phù Việt đâu ra đó với 6 chương 10 điều bao gồm các chương: Tên CLB, tôn chỉ, mục đích; Nhiệm vụ CLB; Hội viên CLB; Tài chính CLB; Khen thưởng và kỷ luật; Tổ chức thực hiện…Anh bộc bạch: “Xã Phù Việt vốn dĩ đã có truyền thống dân ca, vốn có nhiều người đam mê hát Dân ca  Ví, giặm Nghệ Tĩnh. Việc ban hành Quy chế hoạt động của CLB Dân ca Nghệ Tĩnh xã Phù Việt chỉ là công tác đơn giản của người làm công chức văn xã để CLB đi vào nề nếp”. Bây giờ thì CLB Dân ca Nghệ Tĩnh xã Phù Việt đã thu hút hơn 20 hội viên, trong đó có 12 người thường xuyên tham gia các hoạt động của CLB. Nhiều kỳ Liên hoan, Hội diễn… CLB Dân ca Nghệ Tĩnh xã Phù Việt đã gây được tiếng vang lớn, đoạt hết giải thưởng này đến giải thưởng nọ. Nhiều bài hát Ví, giặm của CLB Dân ca Nghệ Tĩnh xã Phù Việt thực sự là “thổ sản” của miền đất này như: Thập ân phụ mẫu, Thần sấm ngã, Tiếng hát làng Đan…

Đặc biệt, Phù Việt từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón với hai thôn làm nón nức tiếng là thôn Thống Nhất và thôn ba Giang. Người xưa vẫn đồn tụng câu ca về làng nói này rằng: ”Chiếu chợ Nghèn gần xa biết tiéng/ Nón Ba Giang kẻ hẹn người hò” hay “Ai về Thống Nhất, Ba Giang/ Quê hương nón trắng tơ vàng là đây”… Trong kho tàng Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh, làng Phù Việt vì thế cũng nổi tiếng với Giặm phường nón. Năm 2014, trước khi Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, Bộ VHTDL đã tổ chức cho các nhà quản lý văn hoá, các nhà nghiên cứu, nghệ nhân… về khảo sát, tham dự diễn xướng tham dự diễn xướng dân ca Ví, Giặm phường nón tại xã Phù Việt. Tại đây, các đại biểu đã được xem các nghệ nhân của CLB Dân ca Nghệ Tĩnh xã Phù Việt, trong đó có Nguyễn Công Bằng  trình diễn 4 không gian diễn xướng tại cộng đồng gồm: ví, giặm mang hình thức sinh hoạt tự phát của làng nghề; hát đối đáp giao duyên nam nữ bằng lời cổ; không gian tự sự, trữ tình - một hình thức hát độc thoại bộc bạch những nỗi niềm tâm sự, có khi là sự nhắn nhủ, trách móc… và đối đáp giao duyên.

Đình Tương Nịu nơi diễn xướng Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh

Giờ đây, dù anh Nguyễn Công Bằng không còn kiêm nhiệm vai trò Chủ nhiệm CLB Dân ca Nghệ Tĩnh xã Phù Việt, nhưng vẫn tham gia sinh hoạt diễn xướng trong CLB. Anh bảo, một mình đóng cả hai vai, vừa là cán bộ quản lý, vừa là thành viên CLB, cái khó là phân thân làm sao cho công bằng cả hai vai trò đó trong một con người.

Đưa chúng tôi về Đình Tương Nịu, nơi trước kia từng diễn xướng cho Đoàn khảo sát của Bộ VHTTDL về Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh, Nguyễn Công Bằng lại trở về với vai nghệ nhân hát cùng chị Tô Thị Hồng. Chị Hồng ví: “Chè xanh, nước chát xin mời/ Ấm sành om nước, giếng khơi đầu làng/ Lạc bùi, sắn bở, khoai vàng/ Hai quê kết lại, láng giềng với nhau”…. Lặng người chốc lát, vừa tủm tỉm vừa lấy hơi, Nguyễn Công Bằng đáp lại: “Ơi là ai ơi… Nghe đồn Phù Việt, Ba Giang/  Có người đan nón dịu dàng, nết na/ Tay mềm dệt gấm thêu hoa. Chỉ hồng, lá trắng mượt mà nên duyên”

 PHÚC NGHỆ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top