Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Báo động văn hóa ứng xử của học sinh trên mạng

Thứ Hai 05/11/2018 | 10:15 GMT+7

VHO- “Nạn” học sinh nói xấu bạn bè, thầy cô, thậm chí gây hiềm khích giữa các phụ huynh với nhau trên mạng xã hội đã trở thành vấn đề “đau đầu” trong chốn học đường thời gian vừa qua.

 Chương trình “Ứng xử văn hóa mạng xã hội” tại một trường THPT trên địa bàn TP.HCM

Câu chuyện ở trường THPT Nguyễn Trãi (thành phố Thanh Hóa) có quyết định kỷ luật 8 học sinh lớp 10 do xúc phạm nhiều thầy cô giáo và nói xấu nhà trường trên mạng xã hội, sau đó phải thu hồi, đã dấy lên nhiều suy nghĩ.

Thông tin cho hay, Ban Giám hiệu nhà trường sau khi họp hội đồng kỷ luật đã quyết định kỷ luật 3 học sinh bằng hình thức đuổi học 1 năm, 4 học sinh khác bị đuổi học 1 tuần và 1 học sinh bị cảnh cáo trước toàn trường. Cả 8 học sinh này đều học lớp 10A5 Trường THPT Nguyễn Trãi. Các học sinh bị kỷ luật vì đã vi phạm nghiêm trọng quy định, nội quy của nhà trường. Cụ thể, liên tục trong thời gian dài, các học sinh trên đã có hành vi đe dọa, nói xấu thầy cô giáo, làm mất uy tín, hình ảnh của nhà trường trên mạng xã hội Facebook.

Vụ việc được Trường THPT Nguyễn Trãi phát hiện từ ngày 1.10, khi trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhóm học sinh liên tục buông lời lẽ xúc phạm thầy cô, nói xấu nhà trường. Các học sinh bị kỷ luật trên còn nói nhiều lời lẽ rất thô tục, thiếu văn hóa. Ngay khi phát hiện, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã nhắc nhở, nhưng sau đó các học sinh vẫn tiếp tục lên mạng xã hội nói xấu, xúc phạm thầy cô giáo.

Cô Phan Thụy Mộng Thu, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Lữ Gia (Q.11, TP.HCM), cho biết từng chứng kiến các trường hợp, trong giờ học, có nhiều học sinh cãi lại thầy cô khi bản thân có lỗi, bị phê bình; sau lưng thì gọi thầy cô mình là ông nọ, bà kia, tệ hại hơn là gọi bằng nó. Khi làm bài kiểm tra không tốt, bị thầy cô cho điểm kém, học trò lôi bài kiểm tra ra xé trước mặt thầy cô để tỏ thái độ. Trên những trang mạng xã hội, học sinh sẵn sàng chia sẻ ngay trên dòng trạng thái Facebook, Zalo của mình với những lời nói khiếm nhã, thiếu văn hóa khi không hài lòng về thầy cô giáo nào đó.

Một giáo viên khác cho biết, đối với bạn mình, học sinh gọi nhau bằng những từ lóng, sẵn sàng gây gổ, đánh nhau vì những hiềm khích nhỏ. Các em có thể lôi tên cha mẹ của bạn mình ra rêu rao bất cứ lúc nào, nơi nào khi các em thích, buông ra những tiếng chửi thề ngay khi có mặt bạn bè và thầy cô ở đó.

Cô Đỗ Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 6P, Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM) lo lắng: “Tôi thường quan sát các học sinh của mình nhận thấy các em có hình thành các nhóm chat trên mạng. Để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc tôi thường căn dặn các học sinh hãy sử dụng mạng xã hội cho thông minh, hiệu quả, phục vụ vào việc học hoặc tâm sự chia sẻ thông tin tích cực với nhau. Tôi lo lắng như vậy bởi vì trong năm học trước tại một lớp khác trong trường đã có tình trạng các học sinh nói tục, chửi thề, nói xấu thầy cô trên các nhóm chat, gây hiềm khích giữa phụ huynh với nhau từ các cuộc trò chuyện trên mạng của học sinh mà ra”.

Tại hội thảo phòng, chống bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục phổ thông khu vực phía Nam do Bộ GD&ĐT tổ chức tại TP.HCM vừa qua, ông Võ Bình Thư, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang băn khoăn, “Tôi biết Bộ GD&ĐT đang xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, dự kiến triển khai vào năm 2020 nhưng trước tình trạng bạo lực học đường như hiện nay, tôi nghĩ nên triển khai sớm hơn. Bộ đang xây dựng đề án văn hóa ứng xử nhưng cũng chưa có chế tài kỷ luật”.

Trước tình trạng báo động về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội trong học sinh như hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục, các ban ngành đoàn thể đã chủ động triển khai các chuyên đề về kỹ năng ứng xử cho học sinh. Ông Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM cho biết, trong thời qua Trung tâm đang tập trung triển khai các chuyên đề kỹ năng về ứng xử văn hóa khi sử dụng mạng xã hội dành cho học sinh tại 10 trường THPT trên địa bàn TP. Nội dung chuyên đề xoay quanh cách tiếp nhận và xử lý thông tin trên mạng xã hội, xây dựng hình tượng cá nhân, quản lý thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Từ đó, học sinh chủ động xây dựng văn hóa giao tiếp mạng xã hội phù hợp với lứa tuổi.

Ngoài chuyên đề “Ứng xử văn hóa mạng xã hội”, Trung tâm tổ chức các chuyên đề về Kỹ năng giao tiếp - ứng xử trong môi trường học đường, Kỹ năng thuyết trình, Kỹ năng tạo lập và duy trì các mối quan hệ, Kỹ năng hội nhập và thích nghi môi trường mới, Phương pháp học tập hiệu quả...

Từ ngày 12 - 15.11, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ lần lượt tổ chức các buổi nói chuyện với học sinh THCS và THPT về nội dung sử dụng mạng xã hội thông minh và an toàn. Theo đó, các chuyên viên của Trung tâm công nghệ và chương trình giáo dục của Sở sẽ cung cấp các kiến thức và kỹ năng cho học sinh như: sử dụng mạng xã hội để làm gì, mạng xã hội rộng lớn như thế nào, chia sẻ thông tin cá nhân an toàn, xây dựng hình ảnh cá nhân tích cực.

Đặc biệt, học sinh sẽ được hướng dẫn cách chia sẻ thông tin của người khác một cách thấu cảm và trách nhiệm. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án kỹ thuật số có tên gọi “Suy nghĩ trước khi chia sẻ” góp phần định hướng học sinh phổ thông sử dụng mạng xã hội đúng mục đích, tránh bị lợi dụng. 

Nếu chấp nhận thì còn đâu lễ nghĩa

Liên quan đến vụ Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) kỷ luật đuổi học 1 năm đối với 3 học sinh nói xấu thầy cô trên mạng xã hội có nhiều tranh luận trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý như vậy là đi ngược lại mục tiêu giáo dục, quá vội vàng, không cần thiết...

Có thể khẳng định hành vi của những em này đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của giáo viên, gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của nhà trường, vi phạm quy chế của Bộ GD&ĐT. Do đó, theo quan điểm người viết, việc nhà trường đuổi thôi học một thời gian đối với những học sinh là hợp lý, cần thiết.

Giáo viên, học sinh đến trường đi dạy, đi học đều phải tuân thủ nội quy, quy chế của nhà trường, của cơ quan có thẩm quyền và cả pháp luật. Do đó, mọi học sinh, giáo viên vi phạm quy chế đều phải bị xử lý để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật phục vụ cho việc dạy và học tốt hơn. Hơn nữa đây là các học sinh THPT, các em đã lớn, nhận thức, ý thức đã khá đầy đủ, vì vậy các em phải tuân thủ nghiêm túc nội quy, quy chế đã đề ra, nếu vi phạm thì phải bị xử lý. Nếu các học sinh vi phạm quy chế, nói xấu, bôi nhọ giáo viên mà không bị xử lý thì liệu thầy cô có còn dạy dỗ được chúng nữa hay không? Nguy hiểm hơn là khi các em vi phạm mà không bị xử lý thì những học sinh khác sẽ cho rằng nói xấu thầy cô là đúng, được phép, không bị xử lý?

Từ đó, trong học sinh sẽ hình thành tư tưởng xem thường, thách thức, chống đối giáo viên, coi thường nội quy, quy chế của nhà trường. Đương nhiên các em sau này sẽ dần đến với các hành động coi thường pháp luật, vi phạm pháp luật, tội phạm.

Việc học sinh nói xấu, thực chất là chửi thầy cô giáo là hành động trái với đạo đức, truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc, đó là truyền thống tôn sư trọng đạo. Nếu chấp nhận điều này thì thử hỏi còn đâu lễ nghĩa mà cha ông truyền dạy, đó là “tiên học lễ, hậu học văn” đã in đậm vào bao thế hệ học trò.

Việc cô giáo cùng nhà trường ứng xử chưa hợp lý, chưa đúng khi tự ý quyết định đọc tin nhắn trong điện thoại của học sinh là ở khía cạnh hoàn toàn khác nhưng cũng không có gì đáng lên án, không gây ra hậu quả gì lớn. Hành vi đó chỉ nên nhắc nhở, chấn chỉnh để cô giáo, nhà trường rút kinh nghiệm là được.

Có thể nói rằng dù bất luận thế nào, tuyệt đối không nên chấp nhận, cổ vũ cho hành vi đi ngược lại truyền thống tôn sự trọng đạo, luôn đề cao, quý trọng thầy cô giáo của dân tộc ta.

Luật gia PHẠM VĂN CHUNG

 

 THÙY TRANG

 

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top