Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số: “Tẩy chay” chương trình xâm phạm bản quyền, được không?

Thứ Hai 05/11/2018 | 10:10 GMT+7

VHO- Tại hội thảo “Quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số” do Bộ VHTTDL phối hợp với ĐSQ Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp tổ chức vào cuối tuần qua, nhiều chuyên gia nhận định, dù Việt Nam đã sở hữu một khung pháp lý cơ bản, có chiến lược quốc gia phát triển quyền sở hữu trí tuệ song việc thực thi pháp luật về bản quyền vẫn chưa mạnh mẽ, còn nhiều lỗ hổng.

 Quảng cáo đang mang lại nguồn lợi lớn cho các trang web xâm phạm bản quyền. Ảnh mang tính minh họa

“Tẩy chay” các chương trình, trang web ăn cắp bản quyền khỏi môi trường Internet là một trong những giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị áp dụng tại Việt Nam.

Thực thi pháp luật còn rất nhiều kẽ hở

Theo ông Nguyễn Thanh Vân (Ban Kiểm tra, Đài THVN): “Vẫn biết ý thức bản quyền tại Việt Nam cần có thời gian để nâng lên, nhưng sau bao nhiêu năm tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm thì đến thời điểm này, vấn đề đó vẫn còn nhiều tồn tại, tốn nhiều bút mực của báo chí và sức lực của các cơ quan quản lý nhà nước. Đáng lưu tâm là tại Việt Nam hiện nay không phải là các quy định pháp luật có đầy đủ hay không mà là khả năng thực thi các quy định đó trong thực tế như thế nào…”.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Bùi Nguyên Hùng nhấn mạnh, nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế trong bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan thì yếu tố quan trọng đầu tiên chính là việc thực thi có hiệu quả các điều ước quốc tế cũng như các quy định pháp luật. Việt Nam đã liên tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trong nước và quốc tế trong thời gian qua.

“Giải pháp để thúc đẩy thực thi có hiệu quả những chính sách pháp luật về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan là đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả truyền thông. Nhận thức về vấn đề bản quyền, đặc biệt trên môi trường số hiện nay còn rất nhiều kẽ hở…”, ông Hùng lưu ý thêm.

Cùng chung nhận định này, bà Louise Holmsgaard, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam cần tiếp tục tham khảo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế nhằm khỏa lấp những “khoảng trống” về thực thi pháp luật, đồng thời đưa ra khuyến nghị nhằm khắc phục những thách thức đang đặt ra về bảo vệ quyền tác giả trong môi trường số.

Chia sẻ về những thiệt hại khó đo đếm vì bị xâm phạm bản quyền trên môi trường số, ông Nguyễn Thanh Vân (Đài THVN) than thở, vi phạm bản quyền truyền hình đang diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt dễ thấy trong môi trường số. Trong thời gian qua, đã có hàng ngàn chương trình do VTV sản xuất đã bị nhiều đơn vị truyền thông, các trang web vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Rất nhiều doanh nghiệp tự ý thu phát lại các chương trình ăn khách của VTV dưới hình thức online hoặc phát lại, đồng thời chèn quảng cáo để thu lợi bất chính. “Các hành vi xâm phạm này đã khiến VTV bị tổn thất lớn, khiến một số đối tác quốc tế đã quyết định ngừng hợp tác với Đài”, ông Nguyễn Thanh Vân cho biết.

Đại diện VTV cũng nhấn mạnh, nhiều chương trình khác do VTV sản xuất đã bị xâm phạm nghiêm trọng trên nền tảng số. Chỉ mất vài giây thao tác có thể tìm thấy hàng trăm website, ứng dụng di động, các tài khoản cá nhân trên Facebook, Youtube ngang nhiên vi phạm bản quyền các chương trình của VTV để thu lợi bất chính. Một ví dụ minh họa được nhà đài nhắc lại là vào những giờ vàng chiếu hai bộ phim ăn khách của VTV là Người phán xử Sống chung với mẹ chồng thì trên hàng chục kênh Youtube hoặc trên một số trang website cũng đã tự ý phát sóng trực tiếp hai bộ phim này, đồng thời chèn rất nhiều hình ảnh quảng cáo với hàng trăm nghìn lượt người xem trực tiếp. Chỉ trong tháng đầu tiên khi Đài THVN phát sóng hai bộ phim trên thì đã có trên 400 trang Facebook và tài khoản Youtube phát trực tiếp hai bộ phim.

Gần đây nhất là WorldCup 2018, khi VTV phải rất khó khăn mới mua được bản quyền thì chỉ ngay sau khi phát sóng được hai ngày thì đã phát hiện 700 tài khoản vi phạm, trong khi việc xử lý và hạ trang vi phạm cũng chỉ đạt 300/700 tài khoản. Hợp đồng cấp quyền phát sóng quy định rõ trách nhiệm bảo vệ bản quyền giải đấu của VTV. Do vậy, những xâm phạm này rất dễ dẫn tới khả năng Việt Nam bị FIFA cắt sóng giữa chừng ở một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Tăng cường các biện pháp kỹ thuật bảo vệ bản quyền

Chuyên gia Đan Mạch Henrik Schutze lưu ý, những xâm phạm bản quyền trên môi trường số ngày càng phức tạp, thậm chí có nhiều vụ việc còn không phân định rõ được rằng đó có là vi phạm quyền tác giả hay không. Ông Henrik Schutze cũng cho biết, các dịch vụ trung gian thường không chịu trách nhiệm pháp luật về bản quyền tác giả đối với các nội dung được họ đăng tải. “Chẳng hạn như Youtube, rất nhiều nội dung vi phạm bản quyền nhưng họ lại không chịu trách nhiệm. Ở khía cạnh này, Việt Nam cần phải học tập kinh nghiệm quốc tế, yêu cầu những dịch vụ trung gian này phải chịu trách nhiệm về các nội dung truyền tải. Ở châu Âu hiện nay, đây cũng đang là lỗ hổng lớn”, chuyên gia Đan Mạch nói.

Đại diện này cũng chia sẻ, “phía Youtube biện luận họ chỉ cung cấp nền tảng để các bên liên quan gắn kết, nối thông tin với nhau mà thôi. Nhiều vi phạm bản quyền khác cũng diễn ra trên các nền tảng dịch vụ trung gian như vậy. Liên minh châu Âu đang nghiên cứu sửa đổi luật quy định về trách nhiệm của các bên trung gian trên môi trường kỹ thuật số. Ví dụ như việc các đơn vị này sẽ phải trả một khoản bồi thường, hoặc phí về quyền tác giả…”.

Chuyên gia Hàn Quốc, ông Ahn Sung Seop (Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Ủy ban bản quyền Hàn Quốc) cho hay, tại Hàn Quốc, Luật Bản quyền đã ban hành từ năm 1957 và đến nay đã qua 24 lần sửa đổi. “Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp cứng để quản lý lĩnh vực này như tạm ngưng sáu tháng đối với tài khoản vi phạm sau ba lần khuyến cáo. Viện Bảo hộ bản quyền tác giả của Hàn Quốc sẽ giám sát hoạt động, phát hiện các vi phạm và kiến nghị biện pháp xử lý nếu như các tài khoản không tự tháo bỏ vi phạm”, chuyên gia Hàn Quốc cho biết.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông), quá trình xử lý vi phạm trong lĩnh vực bản quyền tại Việt Nam hiện vẫn còn chậm và rườm rà, chủ yếu là giải quyết các vi phạm trong môi trường thật mà gần như không giải quyết được gì với vi phạm trong môi trường số. Ông Đồng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, hiện hoạt động quản lý bản quyền trên mạng Internet chủ yếu thực hiện biện pháp ngăn chặn mang tính kỹ thuật. “Tại Việt Nam hiện nay không có quy định nào về việc chặn các IP vi phạm bản quyền. Hoạt động thu tên miền tuy có quy định nhưng cũng không hiệu quả. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng với sự gia tăng sử dụng Internet như Việt Nam hiện nay thì việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ bản quyền trên Internet vẫn đang là biện pháp cần được ưu tiên thực hiện ngay”, theo ông Nguyễn Quang Đồng. 

 Các chuyên gia khuyến nghị một số biện pháp đã được áp dụng thành công phổ biến trên thế giới như: Cắt dòng thu nhập từ ăn cắp bản quyền; loại bỏ chương trình, trang web ăn cắp bản quyền ra khỏi Internet; lập báo cáo và quy trình xử lý người có lỗi nhiều lần để xác định hiện trạng vi phạm của người sử dụng; chặn website ăn cắp từ nước ngoài…

 

 NGÂN ANH

 

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top