Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018: Đáng mừng và cũng rất đáng lo...

Thứ Hai 05/11/2018 | 09:22 GMT+7

VHO- Tối nay 5.11, Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 khép lại sau năm ngày thi thố. Không ít những dấu hiệu khởi sắc, đáng mừng nhưng qua đó cũng phần nào nhận thấy công tác bảo vệ và phát huy di sản này vẫn còn nhiều điều đáng lo.

Ảnh: Phúc Anh

 Liên hoan lần này không chỉ là ngày hội của những nghệ nhân, nghệ sĩ giới Ca trù toàn quốc, mà còn là cơ hội để đánh giá lại sức sống của di sản hiện nay cũng như những thành quả và tồn tại trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây cũng là hoạt động thể hiện cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong việc triển khai thực hiện chương trình hành động quốc gia về việc bảo vệ và phát huy Ca trù, di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp đã được UNESCO ghi danh từ năm 2009.

Từng bước ra khỏi… khẩn cấp

Ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhìn nhận, bảo tồn và phát huy giá trị Ca trù là một việc làm rất cần thiết trong đời sống xã hội công nghiệp 4.0 hiện nay, vì vậy thông qua Liên hoan “chúng tôi mong rằng sẽ tạo ra một sân khấu chuyên nghiệp để các CLB Ca trù thể hiện tài năng và tinh hoa của mình, cùng nhau trao đổi, giao lưu và học tập kinh nghiệm giữa các CLB của Hà Tĩnh với các tỉnh, thành bạn; qua đó góp phần thúc đẩy nghệ thuật Ca trù ngày càng duy trì và phát triển, từng bước đưa Ca trù ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO”.

Đăng cai tổ chức Liên hoan, Hà Tĩnh đã mạnh dạn thuê cả sập gụ, ghế trường phản bằng gỗ quý… cho các nghệ nhân trình diễn. Điều đó trước hết đem đến cho Liên hoan những cái nhìn mới mẻ so với những kỳ Liên hoan trước khi các nghệ nhân, diễn viên chủ yếu diễn xướng trên chiếu cói. Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, từ thời trước, nhiều nhà hát Cô đầu đã được diễn xướng trên sập gụ. Thường thì các nhà hát này bố trí một sập gụ cho đào nương và kép đàn ngồi trình diễn và một sập gụ dành cho các quan viên.

Trong quá trình xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO xét vinh danh, chúng ta cũng đã tìm thấy nhiều bức ảnh ghi lại cảnh các nhóm hát Ca trù trình diễn trên sập gụ. Bên cạnh đó, với phông nền sân khấu phác họa hình ảnh tổ nghề Ca trù là Đinh Lễ và Mãn Đào Hoa công chúa lấy từ Đền Xử ở làng Cổ Đạm, một trong những cái nôi của Ca trù người Việt cũng gợi mở cho khán giả, các nghệ nhân, diễn viên những hình dung về lịch sử có từ thời xa xưa của di sản Ca trù.

Được mệnh danh là thú chơi tao nhã, cao sang khoáng đạt của nhiều tao nhân mặc khách…, Liên hoan lần này cũng có những quy định ngặt nghèo. Cụ thể là mỗi đoàn tham gia dự thi chương trình bắt buộc phải trình bày tối thiểu 3/15 thể cách quy định. Thực tế, theo các tài liệu cũng như các số liệu thống kê, kiểm kê của các nhà nghiên cứu, Ca trù hiện được nhận diện là có 34 thể cách, làn điệu. Có những làn điệu chỉ có một bài như Tỳ Bà hành nhưng cũng có những thể cách có tới gần 300 bài như thể Hát nói… Sở dĩ có những thể cách quy định này là bởi thực tế nhiều CLB, nhóm hát Ca trù trên cả nước những năm qua đã được khôi phục, truyền dạy, thực hành được những thể cách này. Điều đó cho thấy, ít nhiều công tác bảo tồn, khôi phục những giá trị di sản Ca trù đã có những chuyển biến tích cực.

 Trình diễn Ca trù

Nhiều tài năng không sống được với Ca trù

Bên cạnh đó, việc mỗi địa phương chỉ được cử một đoàn tham gia Liên hoan cũng là động thái nhằm xích lại gần nhau hơn giữa các các nhóm hát, các CLB Ca trù hoạt động trên địa bàn một tỉnh, thành. Chỉ tính riêng đoàn Ca trù của Hà Nội đã hội đủ nhiều Giáo phường, nhiều CLB Ca trù như: Giáo phường Thái Hà, CLB Ca trù Hà Nội, CLB Ca trù Chanh Thôn, CLB Ca trù Lỗ Khê… Mỗi giáo phường, mỗi CLB Ca trù đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng nhưng khi hợp sức lại thực sự bổ sung cho nhau và để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các đào nương, kép đàn, quan viên. Qua nửa chặng đường, có thể thấy nhiều chương trình được đầu tư công phu, có chất lượng tốt với số lượng nghệ nhân, diễn viên lên tới 30 – 50 người như đoàn Ca trù của Hà Nội, chương trình của Ca trù Hà Tĩnh hay đoàn Ca trù Quảng Bình….

Dù vậy, Liên hoan lần này nhiều tỉnh, thành không tham gia dự thi dù công tác kiểm kê, nhận diện vẫn được đánh giá là có di sản Ca trù. Đó là sự vắng mặt đáng tiếc của Ca trù ở hai tỉnh Vĩnh Phúc và Nam Định. Nhiều chương trình dự thi của nhiều tỉnh, thành quá ngắn ngủi và chưa liền mạch, chưa có tính hệ thống chỉnh thể của một chương trình diễn xướng quy củ.

Đáng buồn hơn, CLB Ca trù Xuân Đỉnh, Hà Nội không đủ quân số phải thuê cả kép đàn từ Hải Phòng hỗ trợ, đào nương cũng phải kêu gọi đào nương từ CLB Ca trù UNESCO Việt Nam và quần áo, trang phục diễn cũng phải thuê hoàn toàn… Toàn bộ kinh phí tập luyện, đi lại, ăn ở của CLB này đều do các nghệ nhân tự bỏ tiền túi, tự trang trải nhưng họ vẫn hết lòng đam mê và thành tâm tham gia Liên hoan. Bà Phan Thư Hiền, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh, thành viên Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan bộc bạch: “Cần lên tiếng để bảo vệ cho một số CLB Ca trù có hoàn cảnh như CLB Xuân Đỉnh”.

Bên cạnh đó, đã gần 10 năm kể từ khi UNESCO ghi danh nhưng hiện nay Ca trù vẫn chưa thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Nhiều tài năng Ca trù không sống được với Ca trù đã phải bỏ nghề. Đơn cử như trường hợp Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh, nguyên Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vốn vẫn luôn được giới Ca trù ghi nhận là Đào nương có giọng hát lạ, rất tâm huyết với Ca trù nhưng hiện cũng đã bỏ nghề đi xuất khẩu lao động.

Đáng lo hơn nữa, đa số CLB Ca trù đều đang khan hiếm các Quan viên thực sự tâm huyết với Ca trù. Thế nên nhiều đoàn tham gia Liên hoan lần này các đào nương, các diễn viên nữ phải đóng thế làm Quan viên, vốn chỉ dành cho đấng mày râu. Đây đó trong Liên hoan, nhiều tiết mục cũng chưa mang đậm dấu ấn Ca trù, hay nói rõ ra thì đó là những tiết mục ngâm thơ mang âm hưởng dân ca. Một nhà nghiên cứu ngậm ngùi rằng, nếu tách tiếng đàn đáy cùng nhịp phách Ca trù ra khỏi giọng ca thì hoàn toàn đó không phải là Ca trù…

Nhiều tài năng Ca trù không sống được với Ca trù đã phải bỏ nghề. Đơn cử như trường hợp Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh, nguyên Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vốn vẫn luôn được giới Ca trù ghi nhận là Đào nương có giọng hát lạ, rất tâm huyết với Ca trù nhưng hiện cũng đã bỏ nghề đi xuất khẩu lao động.

 

PHÚC NGHỆ

 

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top