Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Bảo vệ bản quyền trong môi trường số: Phát khóc với nạn xem, nghe “lậu”

Thứ Sáu 02/11/2018 | 08:41 GMT+7

VHO-  “Tìm phương án quản lý bản quyền trong môi trường số” là chủ đề của Diễn đàn bản quyền do Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ VHTTDL Hàn Quốc tổ chức ngày 31.10 tại Hà Nội. 

 Trước thực tế các dịch vụ lậu đang chiếm vị trí độc tôn và lấn át các dịch vụ có bản quyền truyền thống, các chuyên gia Việt Nam - Hàn Quốc không khỏi lo lắng khi mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ lậu cũng ngang nhiên nằm ở vị trí đầu tiên. Nhận thức về bản quyền còn mờ mịt và lời giải cho bài toán khó này thì vẫn quá mông lung. 

 Diễn đàn bản quyền

Bảo hộ bản quyền thời 4.0 phải làm gì?

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), diễn đàn được tổ chức để một lần nữa đánh giá thực trạng bảo hộ bản quyền tại Việt Nam, việc thực thi pháp luật về bản quyền cũng như học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, quốc gia phát triển vượt trội về công nghiệp văn hóa, bản quyền.

Theo ông Hùng, hệ thống khung pháp lý về bản quyền của Việt Nam đã tương đối hoàn thiện, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều lỗ hổng. Quá trình thực thi, bảo đảm quyền tác giả còn yếu, các biện pháp xử phạt vi phạm không đủ mạnh.

Những khó khăn, tồn tại này cần sớm được khắc phục bằng việc bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quy định pháp luật mới, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; tăng cường giám sát cũng như năng lực quản lý để bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan.“Làm thế nào để thực thi hiệu quả những chính sách pháp luật, đẩy lùi thách thức về xâm phạm bản quyền vẫn là một bài toán đang đặt ra, đặc biệt trên môi trường số và Internet”, ông Hùng nói.

Chia sẻ với những khó khăn của Việt Nam trước những thách thức của vấn nạn xâm phạm bản quyền, đặc biệt trên môi trường số, Chủ tịch Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc Lim Won Seon cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều câu hỏi cho câu chuyện bản quyền ở bất kỳ quốc gia nào. “Sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo... cũng đang khiến chúng ta hoang mang không biết phải xử lý ra sao. Bảo hộ bản quyền cần phải làm gì để ứng phó với thời đại này? Đây là câu hỏi mà không chỉ Cục Bản quyền tác giả Việt Nam mà cả Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm câu trả lời...”, ông Lim Won Seon chia sẻ.

Đội trưởng Đội Thương hiệu bản quyền thuộc Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc, ông Kim Chan Dong cho rằng, hiện nay Hàn Quốc và Việt Nam đều đang gia tăng hiện tượng lan tràn các kênh phân phối, sao chép bất hợp pháp trên mạng kỹ thuật số. Tốc độ phát triển công nghệ ngày càng tăng nhanh khiến cho khoảng cách giữa thực tế về bản quyền với các quy định pháp luật liên quan ngày càng xa. Để ứng phó với vấn đề vi phạm bản quyền trong thời đại 4.0, từ năm 2015, Hàn Quốc đã nghiên cứu xây dựng phương án chính sách về bản quyền trong tương lai; vận hành nhóm nghiên cứu về bản quyền và nghiên cứu ứng phó với sự thay đổi của công nghệ.

Ông Kim Chan Dong đề xuất Hàn Quốc và Việt Nam cần tăng cường hợp tác đào tạo, quảng bá về bảo vệ bản quyền; xây dựng hệ thống hợp tác chặt chẽ giữa hai Chính phủ. Đồng thời cần tạo dựng môi trường khai thác tác phẩm thông qua hợp tác với Tổ chức quản lý tập trung bản quyền (CMO).

“Có quá nhiều vấn đề về bản quyền đặt ra trong thời đại này, trong khi những quy định pháp luật lại chưa theo kịp sự phát triển của các ngành công nghệ. Chẳng hạn, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phim ảnh, âm nhạc... đang rất phổ biến, thậm chí có những robot chơi đàn điêu luyện không thua kém con người. Một bài toán được đặt ra: Có phải bảo hộ đối với những tác phẩm được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo không? Nếu nói rằng trí tuệ nhân tạo đã xâm phạm bản quyền thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?...”, ông Kim Chan Dong nói.

 

Bản quyền các giải bóng đá luôn là vấn đề khiến VTV đau đầu

Nhận thức còn mờ mịt

Ông Lee Chang Hun, Phó Giám đốc Đài MBC (Hàn Quốc) chia sẻ những câu chuyện về bảo vệ bản quyền nội dung phát sóng, đặc biệt trong bối cảnh người dân đang dần rời xa kiểu xem tin tức, giải trí thông qua ti vi, thay thế là các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. “Công chúng nói chung, đặc biệt là giới trẻ đang xa rời ti vi, mỗi người đều có trong tay chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để thay thế. Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng các dịch vụ lậu chiếm vị trí độc tôn số 1 trong các dịch vụ VOD chủ yếu (Video On Demand- xem video theo yêu cầu thông qua Internet)”, ông Lee Chang Hun cho biết.

Một khảo sát khác được Đài Truyền hình MBC công bố còn khiến người nghe giật mình bởi song hành với vị trí độc tôn số 1 của các dịch vụ lậu thì mức độ hài lòng về dịch vụ lậu cũng đứng ở số 1. Khảo sát đối với người sử dụng dịch vụ lậu với câu hỏi: Sau này sẽ tiếp tục sử dụng lậu không? Câu trả lời là: 58% tiếp tục duy trì mức độ hiện tại; 28% sử dụng thêm một chút; 13% sử dụng nhiều hơn và chỉ có 1,4% cho biết sẽ giảm mức độ sử dụng lậu.

Theo kết quả điều tra về số lượt tìm kiếm tivi kỹ thuật số, Hàn Quốc nằm trong số 5 quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất từ việc xâm phạm bất hợp pháp, ước tính thiệt hại lên tới hơn 1.000 tỉ won. Kết quả nghiên cứu thực tiễn của MBC năm 2016 cũng cho thấy số lượt sử dụng lậu nhiều gấp 3 lần so với số lượt sử dụng hợp pháp. Để ứng phó với vấn đề này, Hàn Quốc đã thành lập Hiệp hội Bản quyền tại nước ngoài để liên kết ứng phó; giám sát tổng hợp các trang web lậu, các tác phẩm phát sóng lậu và chặn nguồn lợi nhuận trên các trang web lậu.

  Sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo... cũng đang khiến chúng ta hoang mang không biết phải xử lý ra sao. Bảo hộ bản quyền cần phải làm gì để ứng phó với thời đại này? Đây là câu hỏi mà không chỉ Cục Bản quyền tác giả Việt Nam mà cả Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm câu trả lời...(Chủ tịch Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc Lim Won Seon) 

Tại Việt Nam, các diễn giả cũng chỉ ra rằng chưa bao giờ nạn xem lậu trên các website, các thiết bị thông minh lại đáng báo động đến thế. Việc xem hoặc tải miễn phí các bộ phim, bài hát, nội dung phát sóng các chương trình truyền hình... từ các trang web bất hợp pháp diễn ra nhan nhản, khiến cho thu nhập cũng như tâm huyết sáng tạo của các tác giả, nghệ sĩ xuống dốc không phanh. “Phát khóc vì người xem ngày càng xa rời ti vi và gia tăng... xem lậu”, nhiều diễn giả Việt Nam chia sẻ. Trong đó, Đài Truyền hình quốc gia VTV cũng là nạn nhân thường xuyên của nạn ăn cắp bản quyền.

Ông Nguyễn Thanh Vân (Trưởng bộ phận sở hữu trí tuệ, Ban Kiểm tra VTV) cho biết, VTV từng bị đối tác cắt sóng khi đang phát giải Champions League và Europa League (2017) vì vi phạm hợp đồng bản quyền. Nhưng lỗi không phải do VTV mà là do các đài địa phương tự ý tiếp sóng các trận bóng mà không xin phép. Không những thế, các hình thức vi phạm bản quyền của VTV còn diễn ra ở nhiều hình thức như tự ý cắt, chèn quảng cáo, nhiều chương trình truyền hình đặc sắc với chi phí bản quyền và sản xuất tốn kém nhưng cũng bị sao chép và phát tràn lan trên Internet, thậm chí in thành băng đĩa bán trên thị trường.

Ông Nguyễn Quang Đồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam) đánh giá, việc thực thi pháp luật về bản quyền của người dân Việt Nam hiện rất đáng báo động. Đa phần các vụ việc chỉ dừng ở xử phạt hành chính chứ ít đưa ra tòa phân xử. Thái độ không dứt khoát của các đơn vị chủ quản về bản quyền đã dung dưỡng cho thói quen dùng “chùa” của người Việt. Vì thế, về lâu dài, ông Nguyễn Quang Đồng ủng hộ việc đưa các vụ việc ra phân xử trước pháp luật để tăng cường tính răn đe của pháp luật.

 PHƯƠNG NGÂN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top