Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Lần đầu tiên những ca khúc thiếu nhi được vang lên tại Nhà hát Lớn: Niềm vui và không ít nỗi buồn

Thứ Sáu 02/11/2018 | 08:28 GMT+7

VHO-  Đó là niềm vui, hạnh phúc và cũng là nỗi trăn trở của các nhạc sĩ tham gia chương trình ca nhạc "Tình yêu Hà Nội" lần thứ XI năm 2018 sẽ diễn ra vào 20h ngày 9.11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với chủ đề "Tuổi thơ và hòa bình". Chương trình sẽ trình diễn 25 tác phẩm dành cho thiếu nhi đi cùng năm tháng của 21 nhạc sĩ là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội. 

 Các thí sinh trong “Giọng hát Việt nhí” năm 2016

 Được sự đồng ý của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, chương trình nghệ thuật mang tên "Tình yêu Hà Nội" đã được Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức thành công từ năm 2006 đến nay. Chương trình nhằm tôn vinh, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm có giá trị của các nhạc sĩ hội viên đã có nhiều cống hiến cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, được ghi nhận trong lòng công chúng, được Nhà nước trao tặng những giải thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. 

Sức sống mãnh liệt của các ca khúc thiếu nhi

Với “Tình yêu Hà Nội” năm nay gồm 25 tác phẩm của 21 nhạc sĩ tiêu biểu thuộc Hội Âm nhạc Hà Nội như nhạc sĩ: Hoàng Long - Hoàng Lân, Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Phạm Tuyên, Tân Huyền, Xuân Giao, Văn Dung, Thế Song, Hồ Bắc, Phan Trần Bảng, Lê Xuân Thọ... với các ca khúc Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, Tiếng chim trong vườn Bác, Chú mèo con, Con cò bé bé, Đi học về, Chim chích bông… viết cho thiếu niên nhi đồng đã gắn liền với nhiều thế hệ tuổi thơ VN và có đời sống bền lâu trong lòng công chúng.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, đạo diễn chương trình cho biết, chương trình gồm 4 phần: “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Niềm vui của bé”, “Tuổi thơ với mái trường”, “Tuổi thơ và hòa bình”. “Chúng ta ai cũng phải thừa nhận không có ca khúc nào lại có sức sống mãnh liệt đi cùng năm tháng, qua nhiều thế hệ như những ca khúc viết cho thiếu nhi. Có thể kể đến những ca khúc của các nhạc sĩ như: Phạm Tuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân, Lê Xuân Thọ, Nguyễn Đức Toàn, Phan Trần Bảng… Những tác phẩm của các tác giả này đến nay vẫn còn nguyên sức sống trong lòng các cháu thiếu nhi”, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chia sẻ.

Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ, tác giả ca khúc thiếu nhi nổi tiếng Con cò bé bé không giấu nổi cảm xúc khi ca khúc của ông sẽ được vang lên trên sân khấu của Nhà hát Lớn HN vào đêm 9.11 tới. Nhạc sĩ chia sẻ, Con cò bé bé là ca khúc đầu tiên ông sáng tác. Sở dĩ ca khúc này được nhiều người thuộc vì ca từ đơn giản, rất đời thường, rất gần gũi. Ca khúc dễ hát, mang tính chất đồng dao. Đã có không ít ca sĩ nhí thể hiện ca khúc này, nhưng bé Xuân Mai hát là nổi tiếng nhất. “Có một lần, bố Xuân Mai có dẫn cô bé đến nhà thăm tôi. Bố cô bé muốn cảm ơn người sáng tác ca khúc. Nhưng tôi có nói rằng, tôi cũng phải cảm ơn cô bé. Ca khúc của tôi, nếu chỉ để trong ngăn kéo thì cũng là thứ bỏ đi. Xuân Mai hát nổi tiếng thì tôi cũng phải cảm ơn Xuân Mai”, nhạc sĩ Lê Xuân Thọ nhớ lại.

Chỉ huy đêm nhạc, nhạc sĩ Bá Môn nhấn mạnh, chương trình sẽ được dàn dựng công phu, phù hợp với sức trẻ, xu hướng thời đại của đất nước. Hơi thở mới, không khí mới của thời đại sẽ được đẩy vào mỗi tác phẩm thông qua phần phối âm, phối khí. Đó là một không khí trẻ trung, vui tươi, hồn nhiên, lãng mạn hơn, phù hợp với cách nghĩ và tư duy của các cháu thiếu nhi hiện nay. 

   Hiện nay các bài hát thiếu nhi của chúng ta rất ít được quan tâm, việc sáng tác cũng hạn chế. Tại các chương trình ca nhạc lớn hầu như các bài hát thiếu nhi đều thiếu vắng. Ngay tại các cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi trên truyền hình như: Giọng hát Việt nhí, Đồ Rê Mí…thì tình trạng các cháu thiếu nhi hát bài người lớn, bài tình yêu, hát cả bolero rất nhiều. Đây là một điều đáng buồn. (Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh) 

Hồi chuông về sự thiếu vắng

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh hy vọng thông qua chương trình nghệ thuật dành riêng cho các nhạc phẩm thiếu nhi chọn lọc này, Hội Âm nhạc Hà Nội sẽ góp thêm một “tiếng nói” tôn vinh các nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho âm nhạc dành cho thiếu nhi, góp phần làm mới, lan tỏa hơn những tác phẩm hay, phù hợp tâm lý lứa tuổi và làm đẹp tâm hồn các em nhỏ qua nhiều thế hệ. Đồng thời cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho sự thiếu vắng trầm trọng các ca khúc thiếu nhi hiện nay.

“Hiện nay các bài hát thiếu nhi của chúng ta rất ít được quan tâm, việc sáng tác cũng hạn chế. Tại các chương trình, ca nhạc lớn hầu như các bài hát thiếu nhi đều thiếu vắng. Ngay như tại các cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi trên truyền hình như: Giọng hát Việt nhí, Đồ Rê Mí… thì tình trạng các cháu thiếu nhi hát bài người lớn, bài tình yêu, hát cả bolero rất nhiều. Đây là một điều đáng buồn”, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chia sẻ.

Nhạc sĩ Hoàng Lân cho biết, đây là lần đầu tiên sau vài chục năm mới có một chương trình ca nhạc dành riêng cho các ca khúc thiếu nhi được biểu diễn tại Nhà hát Lớn HN. Qua chương trình này cũng là hồi chuông để nhắc nhở chung về tình trạng thiếu vắng những bài hát thiếu nhi. Vì thế mà dẫn đến trong các cuộc thi về âm nhạc, các em nhỏ thường hát những bài hát quá sức với mình và không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. 

Với những câu hỏi đặt ra: Tại sao các bài hát thiếu nhi ít thế? Hay tại sao thiếu nhi hiện nay chỉ hát bài người lớn? Đây là điều mà nhạc sĩ Phan Trần Bảng rất trăn trở. “Tôi nghĩ ngày xưa thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ không có đài, điện, vô tuyến và phương tiện truyền thông hiện đại như hiện nay nhưng vì sao những bài hát thiếu nhi lại lan tỏa nhanh như vậy? Bởi khi đó tính truyền miệng rất cao. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến có phong trào khắp nơi ca hát, toàn dân ca hát, lúc đó sở dĩ thiếu nhi không biết nhạc, nhưng hằng tuần, hằng tháng đều có những buổi sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Tại đây, vũ khí mà mọi người sử dụng là văn hóa nghệ thuật. Các em nhỏ được các anh, chị thanh niên dạy hát rất nhiều. Còn giờ đây thanh niên ở các phường xã cả năm, thậm chí là vài năm cũng không tổ chức được một buổi sinh hoạt tập thể nào cho các em nhỏ vui chơi, ca hát”, nhạc sĩ Phan Trần Bảng trăn trở. 

Có lẽ, theo nhạc sĩ Phan Trần Bảng thì việc dạy hát cho thiếu nhi hiện nay chỉ có trong nhà trường, nên tình trạng thiếu nhi mù nhạc, phụ huynh mù nhạc, thanh niên mù nhạc là điều hết sức bình thường. “Tôi đã từng đọc một bài báo và họ bình về việc dạy âm nhạc trong nhà trường hiện nay giống như một bãi lầy. Với bài báo này, tôi vừa tâm tắc nhưng cũng suy ngẫm rất nhiều. Có âm nhạc đấy, nhưng học sinh lại không biết đọc nhạc, không những vậy, vẫn cứ hát những bài hát cũ, bao nhiêu năm nay vẫn hát, tại sao những bài hát mới hiện nay không được lựa chọn để đưa vào nhà trường. Tôi vẫn thường nói vui với mọi người rằng, nhiều bài hát thiếu nhi của tôi hát đến mấy chục năm và nó “mọc râu” rồi vẫn được hát, hãy phổ biến các bài hát mới đi”, nhạc sĩ Trần Bảng nói.

Vậy, làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Câu hỏi là nỗi trăn trở lớn của các nhạc sĩ hiện nay. “Các bài hát dành cho thiếu nhi hiện nay không thiếu, thậm chí có nhiều là đằng khác. Tuy nhiên, làm thế nào để lan tỏa mới khó. Cần được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đồng thời tại các phường, xã hằng tuần, hằng tháng phải có những buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tập thể dành cho các em thiêu nhi”, nhạc sĩ Trần Bảng cho biết. 

 THANH NGỌC

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top