Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

LHP quốc tế Hà Nội lần thứ V: Việt Nam học gì từ những nền điện ảnh lừng danh?

Thứ Tư 31/10/2018 | 11:26 GMT+7

VHO- Điện ảnh Ba Lan hội tụ những bộ phim đoạt giải cao tại các LHP danh tiếng Cannes, Toronto, Oscar . Điện ảnh Iran hội tụ những tác phẩm vang dội năm châu được làm từ kinh phí vô cùng khiêm tốn.


 Kinh nghiệm từ các chuyên gia điện ảnh Ba Lan, Iran trong hai chương trình tiêu điểm tại LHP Quốc tế Hà Nội 2018 (Haniff 2018): “Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan” và “Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran” đã mang đến cho đội ngũ làm phim Việt vô số bài học giá trị.

 Chương trình tiêu điểm Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran

Ý tưởng nhỏ và những bộ phim tầm vóc

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc LHP Haniff 2018 cho biết, LHP Haniff 2018 quy tụ đầy đủ và ấn tượng nhất những tác phẩm điện ảnh kinh điển của đất nước Ba Lan xinh đẹp. “Điện ảnh Ba Lan có nhiều bộ phim đoạt giải cao tại các LHP quốc tế danh tiếng như Cannes, Toronto, và giải Oscar. Những năm qua, điện ảnh Ba Lan luôn hợp tác mạnh mẽ với nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển. Đặc biệt, điện ảnh Việt Nam và Ba Lan đã ký kết hợp tác vào tháng 12.2017, hứa hẹn mở ra cơ hội hợp tác giữa các nhà điện ảnh hai nước”, bà Ngô Phương Lan nhận định.

Triển vọng hợp tác với điện ảnh Ba Lan được các nhà làm phim Việt đặc biệt quan tâm. GS. Andrej Pitrus (ĐH Jagiellonian, Ba Lan) cho biết, điện ảnh Ba Lan thành công một phần bởi học hỏi từ nhiều nền điện ảnh lớn. “Nhiều bộ phim nổi tiếng chỉ bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ thôi. Nhưng chúng tôi đã luôn khám phá và tìm kiếm cơ hội ở cả những nơi tưởng chừng như không thể”, ông nói.

Ngôi sao điện ảnh Ba Lan Agata Trzebuchowska, nữ diễn viên của phim Ida lại chia sẻ về Moon Studio, cơ hội dành cho các nhà làm phim trẻ. “Để tham gia chương trình này, đạo diễn gửi kịch bản và trình bày ý tưởng, BGK sẽ chọn ra những ý tưởng tốt nhất để tài trợ sản xuất. Nhà tài trợ cũng giúp quảng bá, đưa phim đi trình chiếu tại các LHP và đây là cách hỗ trợ cho các nhà làm phim trẻ...”, Agata Trzebuchowska nói.

Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang bộc bạch, nhiều bộ phim Ba Lan đã khiến cả một thế hệ điện ảnh Việt Nam thán phục và say mê. “Tôi cảm nhận được sức mạnh từ những bộ phim về các vấn đề xã hội, đó là phương thức để đạo diễn có thể trình bày quan điểm của mình”, NSND Nhuệ Giang nhìn nhận.

Không cảnh nóng mà vẫn thành công

Không cảnh nóng, không bạo lực, tình dục, chịu sự kiểm soát gắt gao, kinh phí làm phim thấp..., nhưng điện ảnh Iran vẫn lừng lẫy ở khắp các LHP danh tiếng . Điều này vẻ như trái ngược với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam hiện nay, khi các nhà đầu tư luôn đặt yếu tố doanh thu, ngôi sao và bán vé lên hàng đầu nhưng dấu ấn thành công lại không nhiều.

Kinh nghiệm của điện ảnh Iran thực sự đã gợi mở nhiều điều suy ngẫm cho các nhà làm phim Việt. Một nền điện ảnh có nhiều bộ phim vang dội, nhưng kinh phí sản xuất lại thấp. Đạo diễn Rouhollah Hejazi - phim Buồng tối (The Dark Room) chia sẻ: “Một số nhà phê bình nói rằng điện ảnh của chúng tôi chỉ quan tâm đến nội dung và mối quan hệ của con người mà không nặng về yếu tố hình thức, kỹ thuật. Điện ảnh Iran có nhiều nhà làm phim nổi tiếng với ngân sách thấp, những bộ phim không cần đến ngôi sao, kỹ thuật chẳng cao siêu ghê gớm, không giật gân, cảnh nóng, không bạo lực, tình dục... nhưng vẫn rất thành công”.

Đạo diễn Rouhollah Hejazi cho rằng, điện ảnh Iran và Việt Nam đều có nhiều điều chưa được thế giới hiểu đúng. Với đội ngũ các nhà điện ảnh tâm huyết, hai quốc gia có thể cùng nhau thay đổi cách nhìn khuôn mẫu, sáo mòn đó. Và chỉ có điện ảnh mới làm được điều này.

Theo nhà phê bình Mohammad Attebbai, thành công của điện ảnh Iran cũng từng trải qua khó khăn. “Chúng tôi đã từng mất tới 5 năm để kiên nhẫn đưa điện ảnh Iran vươn ra thế giới. Chính phủ Iran thành lập Quỹ điện ảnh từ năm 1984. Ban đầu là phát hành, sau là sản xuất phim. Chúng tôi từng gửi phim Iran bằng điện tín đến 300 LHP trên thế giới nhưng chỉ nhận được 2 thư phản hồi. Có lẽ khi đó, họ cho rằng, điện ảnh Iran không tồn tại.

Thậm chí, một số phim bị các LHP từ chối thẳng thừng. Nhưng chỉ sau đó vài năm, chính những LHP này lại mở cửa đón nhận phim Iran. Cho đến cuối những năm 80 thì hầu như chẳng có LHP danh tiếng nào lại vắng bóng phim Iran ở những hạng mục chính”, nhà phê bình Mohammad nói.

Ông cũng cảnh báo các nhà làm phim trẻ: “Nếu cuối những năm 80 chỉ có khoảng 300 LHP thì đến nay đã có đến 10 ngàn 500 LHP trên khắp toàn cầu. Trong đó có không ít LHP là cái bẫy với đội ngũ trẻ. Tôi hiểu nỗi khát khao của những nhà làm phim trẻ nhưng cũng khuyên các bạn nên thận trọng. Hiện tại có rất nhiều LHP quốc tế giả mạo, không giúp ích gì cho các bộ phim của các bạn”.

  Hàng ngàn khán giả háo hức xem chiếu phim ngoài trời

Chiếu phim ngoài trời thu hút hàng ngàn khán giả

Hàng ngàn khán giả Thủ đô và công chúng yêu điện ảnh trong nước, quốc tế đã đến khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội) để thưởng thức những tác phẩm điện ảnh xuất sắc trong chương trình chiếu phim ngoài trời tại LHP Haniff 2018.

Chiếu mở màn là bộ phim Cánh diều vàng 2017 của điện ảnh Việt Nam - Cô Ba Sài Gòn đã khiến đông đảo khán giả hào hứng. Nhiều người đến từ sớm để có cơ hội giao lưu cùng nhà sản xuất, diễn viên Ngô Thanh Vân và thưởng thức bộ phim.

Chương trình chiếu phim ngoài trời tại LHP diễn ra trong 3 đêm 28,29,30.10. Cùng với Cô Ba Sài Gòn là hai phim: Anida và gánh xiếc nổi của điện ảnh Argentina và Giản đơn của điện ảnh Australia.

Đừng nhìn mỗi bộ phim như một dự án kinh doanh

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, điều quan trọng khiến điện ảnh Iran thành công xuất phát từ nhân cách của các nghệ sĩ, những người làm phim. Họ hoàn toàn đứng về phía nhân dân, yêu và gắn bó với những con người bình thường, yếu mềm và luôn dễ bị tổn thương. Vì thế, họ không chạy theo đồng tiền trong quá trình sáng tạo.

“Phim của tôi có một phần tinh thần điện ảnh Iran. Đối với tôi, Iran vĩnh cửu là một cường quốc điện ảnh, chứ không phải là Hollywood”, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói.

Phim Iran trung bình mỗi năm có hơn 90% được đưa đi tham dự, trình chiếu tại LHP trên thế giới. Đến nay đã có khoảng 40.000 bộ phim Iran tham gia các LHP quốc tế, số lượng giải thưởng quốc tế đạt được là hơn 4.000. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Khi mới làm quen với điện ảnh, tôi đã luôn được nghe sự so sánh giữa điện ảnh Việt Nam và Iran. Nghe những câu hỏi vì sao Iran thành công với những bộ phim kinh phí sản xuất thấp, tôi đã rất ngưỡng mộ điện ảnh Iran, nhưng khi đó vẫn có những phản kháng riêng. Sau này, càng ngày tôi càng cảm nhận được những bài học lớn từ nền điện ảnh này”.

Nguyễn Hoàng Điệp cũng trăn trở, có đến 90-98% phim Việt hiện nay nghiêng nhiều về yếu tố thương mại, hài hước, hành động. Mỗi khi thực hiện dự án phim mới, các nhà làm phim luôn nhận được câu hỏi từ các nhà đầu tư: Phim có ăn khách không? Có hợp thị hiếu công chúng? Có ngôi sao hay không?... Nhiều dự án phim đã được nhìn dưới góc độ của một dự án kinh doanh chứ không phải là tác phẩm nghệ thuật. “Ban đầu, tôi thấy quan điểm đó là bình thường, đương nhiên lôi kéo công chúng đến rạp rất quan trọng. Nhưng sau này, tôi thực sự cảm thấy hoang mang, khi có đến 98% phim thương mại thì 2% còn lại là con số quá thấp. Những bộ phim nghệ thuật tử tế liệu có “chống chọi” được không?”, nữ đạo diễn nỗi niềm.

 BẢO ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top