Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018: Thế hệ trẻ đã sẵn sàng

Thứ Tư 31/10/2018 | 11:08 GMT+7

VHO-  Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 sẽ được tổ chức tại TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) từ ngày 1-5.11. Gần như vắng bóng thế hệ nghệ nhân đã được xướng danh trong hồ sơ trình UNESCO, Liên hoan lần này sẽ là sân chơi của thế hệ nghệ nhân kế cận, trẻ trung và hứa hẹn nhiều bất ngờ.

Các đơn vị tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018 phải trình bày tối thiểu một tác phẩm của Nguyễn Công Trứ

 Liên hoan Ca trù toàn quốc (Liên hoan) năm 2018 do Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nhằm khẳng định việc Việt Nam đã thực hiện đầy đủ và đạt được những kết quả thiết thực trong hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO. Liên hoan cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm. Bà Phạm Minh Hương, Phó Giám đốc Viện Âm nhạc cho biết, kết quả của Liên hoan cũng sẽ là một trong những cơ sở dữ liệu để tiến tới thực hiện hồ sơ xin chuyển di sản Ca trù từ di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp sang di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tham gia Liên hoan có 13/15 tỉnh, thành có di sản Ca trù. Mỗi đơn vị phải tham gia nội dung chương trình bắt buộc. Theo đó, mỗi chương trình của các đơn vị tham gia Liên hoan được quy định thời gian từ 60 đến 90 phút. Trong đó phải trình bày tối thiểu 3/15 thể cách quy định bắt buộc và có một tác phẩm của tác gia Ca trù Nguyễn Công Trứ. Các tỉnh, thành sẽ khoe bản sắc riêng của vùng miền mình trong 1/3 tiết mục tự chọn để xây dựng chương trình.

Trước khi di sản Ca trù được UNESCO vinh danh, cả nước chỉ còn gần như duy nhất kép đàn Nguyễn Phú Đẹ ở Hải Dương có thể nắm bắt và diễn xướng thể cách Hát giai. Đa số những thể cách của Ca trù do đào nương thể hiện thì Hát giai là thể cách duy nhất của Ca trù mà người đánh đàn và hát chỉ là đàn ông, con trai. Hiện nay thì nhiều nghệ nhân trẻ cả nước đã thể hiện được thể cách Hát giai, điều đó cho thấy Ca trù đã có những thành công ít nhiều trong công tác bảo tồn, phục hưng di sản. Trong những năm qua, nhiều thể cách, bài bản của Ca trù cũng đã được khôi phục. Hiện có khoảng 34 thể cách Ca trù đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, ghi chép lại... Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan khẳng định, phục hưng Ca trù nghĩa là các nghệ nhân, diễn viên phải diễn xướng được nhiều thể cách Ca trù. Việc bắt buộc các đơn vị xây dựng chương trình tham gia Liên hoan sẽ cho thấy khả năng tổ chức, tập hợp các nghệ nhân, diễn viên của tỉnh đó.

Tính đến nay, hiện có khoảng 60 bài hát nói Ca trù do Nguyễn Công Trứ sáng tác được các nhà nghiên cứu sưu tầm, tập hợp. Bên cạnh một tác phẩm của tác gia Ca trù Nguyễn Công Trứ trong chương trình nội dung bắt buộc, Liên hoan lần này, các tiết mục hát nói được Ban tổ chức khuyến khích các nghệ nhân, nghệ sĩ lựa chọn những sáng tác của Nguyễn Công Trứ. Nhân dịp này tỉnh Hà Tĩnh sẽ đầu tư tôn tạo Đền xứ, một trong những nôi Ca trù của người Việt và tôn tạo, trùng tu khu di tích Nguyễn Công Trứ ở huyện Nghi Xuân.

Kể từ sau khi Ca trù được UNESCO vinh danh, đây là lần thứ 4 di sản Ca trù được tổ chức quy mô cấp Quốc gia. Liên hoan lần này, Ban tổ chức mạnh dạn thử nghiệm phần thi không bắt buộc có tên Tài năng Ca trù 2018. Theo đó, các Đào nương, Kép đàn, Quan viên tự nguyện đăng ký dự thi. Đào nương sẽ bốc thăm và trình bày 2/8 thể cách/ bài do Ban tổ chức quy định. Mỗi Đào nương được bốc thăm 3 lần và được quyền lựa chọn 2/3 thể cách đã bốc thăm để trình diễn. Các Kép đàn dự thi phần Tài năng Ca trù phải trình diễn liên hoàn 3 khổ đàn, đệm cho một bài Hát nói và đệm cho 1/3 điệu ngâm xướng tự do: Sa mạc, Bồng mạc, Ngâm thơ Cô đầu. Trong khi đó, với các Quan viên dự thi phải trình diễn đủ 5 khổ trống: Chính diện, Xuyên tâm, Lạc nhạc, Quán châu, Thượng mã kèm theo giới thiệu vị trí của các khổ trống trong bài hát, cách đánh các khổ trống đó trước khi trình diễn và sẽ cầm chầu cho một bài Hát nói của Nguyễn Công Trứ.

Đáng chú ý, Liên hoan lần này gần như vắng bóng thế hệ nghệ nhân đã được xướng danh trong hồ sơ trình UNESCO xét ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Nhiều người đã khuất bóng, nhiều nghệ nhân nay tuổi đã cao, không thể trình diễn hay truyền dạy được nữa. Vì thế, Liên hoan sẽ là cuộc ra quân rầm rộ của thế hệ kế cận với những gương mặt như đào nương Dương Thị Xanh (Hà Tĩnh), kép đàn Phạm Đình Hoằng (Hà Nội)... Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan khẳng định: “Đó là tín hiệu vui bởi Ca trù đã có thế hệ kế cận thay thế, di sản đã được truyền trao từ thế hệ này sang thế hệ khác...”.

 PHÚC NGHỆ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top