Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Nghề công tác xã hội: Cần khung pháp lý tầm Luật. Bài 2: Để công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp

Thứ Ba 30/10/2018 | 05:22 GMT+7

vHO- Công tác xã hội là nghề cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Hiện nay, nghề công tác xã hội đã có bước tiến nhất định nhưng các chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy sớm việc xây dựng và ban hành Luật Công tác xã hội, trong đó quy định rõ nghề công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp.

Trẻ tự kỷ được cô dạy cầm tay hướng dẫn viết chữ

Khó khăn trong bảo vệ đối tượng

Ghi nhận tại các Trung tâm Công tác xã hội Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Hà Nội), Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn, trung bình mỗi trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng, chăm sóc khoảng 200 người là gồm người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già cô đơn không nơi nương tựa… Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng các Trung tâm đều đảm bảo chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho các đối tượng bảo trợ.

Ông Trần Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An cho biết, người khuyết tật tại Trung tâm được sống hòa nhập trong môi trường phục hồi chức năng, được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, được học tập và hướng nghiệp, được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ… Nhờ thế nhiều người khuyết tật có thể tự chăm sóc cho mình; tỉ lệ lên lớp của trẻ khuyết tật đạt 95%, trong đó có cháu đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; có cháu được đi xuất khẩu lao động hoặc đạt giải cao trong các cuộc thi dành cho người khuyết tật…

Tuy nhiên, các trung tâm bảo trợ, chăm sóc hiện nay cũng đang gặp không ít khó khăn trong hoạt động bởi hành lang pháp lý vẫn chưa rõ ràng. Ông Nguyễn Kim Cam, giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn cho biết, trung tâm đang nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho hơn 100 trẻ khuyết tật, các cháu đến trung tâm đều được cung cấp các dịch vụ công tác xã hội như tư vấn, trợ giúp pháp lý cho các gia đình… “Dù vậy, hiện nay các nhân viên công tác xã hội vẫn đang kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên chưa phát huy được vai trò và chưa kết nối được các hoạt động trong các chương trình chăm sóc – giáo dục – kết nối. Việc cung cấp các dịch vụ tham vấn, tư vấn, trợ giúp pháp lý hay các hoạt động cộng tác xã hội cũng chưa rõ ràng, và chưa thể hiện tính chuyên nghiệp”, ông Cam chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội cho rằng, do thiếu khuôn khổ pháp luật nên nhân viên công tác xã hội gặp khó khăn khi thực hiện công việc của mình. Nhiều trường hợp là nạn nhân bị bỏ rơi hoặc nạn nhân bị bạo lực, nhân viên công tác xã hội muốn được các cấp chính quyền hỗ trợ nhằm “tạm cách ly đối tượng bị bạo lực hoặc xâm hại” ra khỏi môi trường sống của họ để đảm bảo an toàn cho nạn nhân nhưng không thực hiện được do không có quy định trong luật.

Lớp học của trẻ khuyết tật nặng tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn

“Hiện nay trong Hiến pháp, một số văn bản Luật, nghị định, thông tư… cũng đã có những nội dung liên quan đến công tác xã hội nhưng các văn bản đó chưa xác định rõ vị trí, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm công tác xã hội. Có nghĩa là hành lang pháp lý để nhân viên công tác xã hội giải quyết các vấn đề xã hội, phối hợp với các cơ quan như công an, y tế, giáo dục… thực thi nhiệm vụ hỗ trợ, can thiệp, trợ giúp các đối tượng xã hội tại cộng đồng vẫn là “khoảng trống” cần được quan tâm hoàn thiện”, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội nói.

Nghề công tác xã hội chuyên nghiệp là đòi hỏi của phát triển xã hội

Thực tế cho thấy, nhiều ngành đã tổ chức thực hiện triển khai công tác xã hội trong các cơ quan đơn vị của mình như trường học, bệnh viện… nhưng chủ yếu là nhân viên kiêm nhiệm bởi chưa có văn bản, hướng dẫn nào quy định cụ thể về việc tuyển dụng viên chức làm công tác xã hội. Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) cho rằng, để phát triển nghề công tác xã hội một cách thực sự chuyên nghiệp thì cần thiết phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở tầm Luật nhằm điều chỉnh riêng về lĩnh vực công tác xã hội, làm cơ sở căn cứ pháp lý phát triển lực lượng người làm công tác xã hội chuyên nghiệp và mạng lưới những cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội là hết sức cần thiết.

“Khi chưa có văn bản tầm Luật quy định về  công tác xã hội thì người làm công tác xã hội gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, thực hiện các biện pháp can thiệp, trợ giúp cho nhiều nhóm đối tượng như trẻ em bị bạo lực, bạo hành, nạn nhân bị xâm hại hay người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ngoài ra cũng chưa có quy định nào quy định việc bảo đảm môi trường làm việc, bảo đảm sự an toàn cho người làm công tác xã hội. Do đó, Dự thảo Luật Công tác xã hội đã có nội dung  bảo vệ sự an toàn của người làm công tác xã hội trong những tình huống có bạo lực bạo hành, hoặc khi tiếp xúc làm việc với những người có sức khỏe tâm thần hoặc những người có mắc bệnh tâm thần phân liệt”, ông Tô Đức nhấn mạnh.

Lớp học của trẻ khiếm thính

Đến nay, mạng lưới hạ tầng cơ sở dịch vụ nghề công tác xã hội của Việt Nam đã khá phát triển với hơn 400 có sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có 40 trung tâm công tác xã hội chuyên sâu. Bên cạnh mạng lưới dịch vụ công tác xã hội, thì đã có hơn 20 tỉnh, thành phố thiết lập mạng lưới nhân viên công tác xã hội cấp xã, phường; trong lĩnh vực y tế, hầu hết các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh trở lên đều có bộ phận hoặc phòng công tác xã hội, nhiều địa phương đã triển khai bộ phận công tác xã hội phòng công tác xã hội xuống tới bệnh viện đa khoa huyện, thông tư về hướng dẫn thực hiện công tác xã hội trong trường học cũng đang được hoàn thiện.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, nếu như năm 2004 chỉ có 1-2 trường đào tạo công tác xã hội, nhưng đến nay đã có 55 trường đại học, cao đẳng và hơn 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề công tác xã hội. Hằng năm đào tạo hàng nghìn cử nhân cao đẳng công tác xã hội kể cả hệ chính quy hoặc vừa làm vừa làm tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ người làm công tác xã hội. Đây chính là tiền đề để phát triển nghề công tác xã hội một cách chuyên nghiệp và ban hành Luật Công tác xã hội, phù hợp với xu hướng tất yếu của thế giới và hội nhập của Việt Nam.

“Dự thảo Luật Công tác xã hội gồm 8 chương và 92 điều gồm những nội dung được xây dựng trên cơ sở thực tiễn Việt Nam, tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia đã có Luật Công tác xã hội, cũng như tiếp thu các khuyến nghị của các chuyên gia trong nước và quốc tế để trình các cơ quan chức năng thẩm định, cho ý kiến và hoàn thiện.  Luật ra đời sẽ khuyến khích được người làm công tác xã hội yên tâm với nghề, thu hút được những người có chuyên môn cao, đảm bảo vị thế so với các nghề khác trong xã hội… Đồng thời, bảo đảm được quyền và nhu cầu trợ giúp xã hội của những người yếu thế; khơi dậy sự đóng góp, ủng hộ, thúc đẩy hoạt động thiện nguyện của các nguồn lực xã hội”, TS.Trần Mạnh Đạt, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tư pháp (Bộ Tư pháp).

Bài, ảnh: Quỳnh Hoa

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top