Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Chi phí 25 năm bảo tồn Kinh thành Huế không bằng 1,5 km đường Thủ Thiêm

Thứ Hai 29/10/2018 | 16:17 GMT+7

VHO-Nêu lên thực trạng về công tác bảo tồn Kinh thành Huế, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Hà Nội cho biết hiện nay có lượng lớn người dân sinh sống và chiếm dụng đất trong vùng lõi khu di tích. Riêng trong khu nội đô có đến 4.200 hộ với khoảng 200.000 nhân khẩu. Điều đó không chỉ gây áp lực mà còn đe dọa đến sự tồn tại của di sản quốc gia này và cuộc sống của hàng chục nghìn người dân đa số là hộ nghèo, sống tạm, lay lắt, không ổn định, không tương lai.

Vì thế đại biểu Hưng cho rằng việc di dời, giải tỏa người dân sống trong vùng lõi khu di sản Kinh thành Huế không chỉ là việc làm an dân mà còn góp phần bảo vệ di sản, giúp Thừa Thiên Huế có sức bật mới về du lịch. “Các nhà văn hóa, cử tri Huế đề nghị đoàn giám sát chúng tôi báo cáo với Quốc hội, Chính phủ thực hiện lời hứa với UNESCO và với người dân Huế, xem xét hỗ trợ cho Đề án di dời dân ra khỏi khu vực 1 di tích Kinh thành Huế với kinh phí khoảng 1.800 tỉ, từ năm 2019-2022”, đại biểu Hưng nói.

Ông Hưng cũng phân tích nếu không làm gấp ngay trong năm 2019, áp lực lên khu di sản ngày càng lớn, do các gia đình ngày càng nghèo, đông con, nhu cầu tách hộ, cơi nới, lấn chiếm ngày càng lớn. Nếu không tiến hành ngay trong năm 2019 thì vài năm sau có thể số hộ tách ra sẽ lên tới 5000-6000 hộ, khoản tiền đền bù do đó cũng tăng lên, việc di dời là rất khó.

Nhiều nhà dân lấn chiếm ra mặt nước của Hộ thành hào và xả rác thải xuống di tích này gây ô nhiễm nặng. Ảnh: Sơn Thùy

Đề nghị cần phải có khoản đầu tư thích đáng, “ra tấm, ra món” cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa ở Huế cho tương xứng với vai trò, vị thế của Di sản văn hóa của nhân loại này, đại biểu Hưng phân tích, Huế là kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam. Đây còn là nơi hội tụ, kết tinh di sản văn hóa truyền thống, vô giá của dân tộc. Dù trải qua những biến động lịch sử nhưng đây vẫn là nơi bảo tồn tốt, đầy đủ nhất diện mạo kinh đô lịch sử từ cung điện, thành quách, đền đài, lăng tẩm, đàn tế, nhà vườn và các di sản văn hóa phi vật thể phong phú…

Việc đầu tư cho di tích này vì thế còn có ý nghĩa cho tương lai của đất nước, của dân tộc. Đại biểu Hưng cũng nêu ra ý kiến của cử tri Huế khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đó là trong 25 năm qua, tổng nguồn đầu tư cho công cuộc bảo tồn di sản của Thừa Thiên Huế mới đạt 1.600 tỉ trong đó ngân sách trung ương chiếm 40%, 60% còn lại là ngân sách địa phương và một số nguồn hỗ trợ khác. Mặc dù sự đầu tư này giúp Huế vượt qua được giai đoạn cứu nguy khẩn cấp nhưng bước vào thời kỳ bảo tồn bền vững như đánh giá của UNESCO thì vẫn còn rất thiếu, phần lớn những chính sách đầu tư cho Huế đã không được thực hiện một cách đầy đủ.

Khuôn viên di tích Thượng thư đường Bộ Công là nơi sinh sống của 17 gia đình khó khăn. Ảnh: Sơn Thùy

“Và như so sánh của các nhà văn hóa, nhà đầu tư, cử tri Huế, khoản đầu tư 25 năm cho di sản văn hóa quốc gia đặc biệt, biểu tượng của văn hóa, lịch sử quốc gia, cả một khu di tích thành nội và không gian văn hóa xung quanh lại không bằng 1km đường sắt trên cao và không bằng khoảng 1,5km đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm”, đại biểu Hưng dẫn chứng.

Cũng theo đại biểu này thì năm 1993 khi Kinh thành Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, mới có 243 ngàn lượt khách đến thăm thì đến năm 2017 đã có 3 triệu lượt khách trong đó có 1,8 triệu lượt khách quốc tế đã đến thăm và đem lại nguồn thu riêng về thăm quan, đạt 320 tỉ đồng, năm 2018 dự kiến sẽ có gần 3,5 triệu lượt khách và nguồn thu riêng từ vé là 370 tỉ. Nếu tính từ 1996 đến nay, riêng thu vé thăm quan của khu di tích Huế đã đạt 1.800 tỉ đồng, doanh thu từ du lịch dịch vụ tỉnh đạt 3.300 tỉ, chiếm 55% GDP của toàn tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng

Do việc đầu tư cho công tác bảo tồn di sản thực sự mang lại hiêu quả cả về kinh tế, chính trị, xã hội, an sinh nên đại biểu Hưng đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung đưa vào kế hoạch tài chính năm 2019 kinh phí hỗ trợ di dời dân cư ra khỏi khu vực di tích Kinh thành Huế cũng như có những chính sách, khoản đầu tư thích đáng cho công tác trùng tu, bảo tồn di sản cố đô Huế nói riêng và cho ngành VHTTDL nói chung.

Đại biểu Hưng cũng nêu lên một thực tế là hàng năm chúng ta đầu tư một khoản kinh phí cho chương trình xúc tiến du lịch quốc gia chỉ có 30 tỉ đồng, xấp xỉ 1,5 triệu USD trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Singapore, đầu tư xấp xỉ 100 triệu USD. “Chúng ta đầu tư 1,5 triệu USD, thu hút 13 triệu lượt khách thì họ đầu tư 100 triệu USD, tương ứng với đó, sẽ thu hút một lượng lớn du khách”, đại biểu Hưng nói.

Thu Sâm

Print
Tags:
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top