Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Khó như... đưa di sản văn hóa vào trường học!

Thứ Hai 29/10/2018 | 09:36 GMT+7

VHO-  Làm sao để học sinh ở các bậc học tiếp cận di sản văn hóa dân tộc ngày một nhiều hơn, đa dạng hơn để qua đó bồi đắp về ý thức đối với cội nguồn truyền thống cha ông, là vấn đề đã được nói đến từ lâu. Đáng tiếc, qua khảo sát, tìm hiểu ở một số cơ sở giáo dục cho thấy, câu chuyện này chưa được quan tâm. Vì sao lại có tình trạng như vậy?

 Biểu diễn kịch lch sử “Thánh Gióng” tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, (Q.4, TP.HCM)

 Chưa biết khai thác, phát huy

Theo Sở VHTT TP.HCM, tính đến tháng 8.2017, TP có 172 di tích đã được xếp hạng gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt; 56 di tích quốc gia; 114 di tích cấp TP. “Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020” cho thấy, TP hiện có một di tích khảo cổ, 71 di tích kiến trúc nghệ thuật, 21 di tích lịch sử.

Bên cạnh đó, TP.HCM hiện có hệ thống các bảo tàng khá dày đặc, là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý, là một thiết chế văn hóa - giáo dục quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Với khối lượng di tích khá đồ sộ này cùng với loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh, nếu có sự phối hợp, tận dụng khai thác nguồn liệu quý giá tại chỗ này đưa vào giảng dạy sẽ phát huy giá trị di sản, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.

Tại TP.HCM, một số trường học đã phát huy hiệu quả việc đưa di sản văn hóa vào giảng dạy. Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm Tống Thị Mai Hương cho biết, từ nhiều năm học qua 100% học sinh được tiếp cận các hoạt động liên quan đến giáo dục di sản văn hóa. Nhà trường đã tổ chức sân khấu hóa học đường, học sinh được xem những vở kịch lịch sử, cùng tương tác với giáo viên, đóng vai những nhân vật lịch sử. Trường thường xuyên kết hợp với Bảo tàng Lịch sử TP.HCM tổ chức các hoạt động liên quan đến giáo dục di sản văn hóa.

Ví dụ trong Lịch sử lớp 4 có bài về triều Nguyễn thì bên Bảo tàng Lịch sử TP.HCM có phòng trưng bày về giai đoạn này học sinh sẽ học tại phòng trưng bày đó. Giáo viên sẽ có hiện vật trực quan lịch sử để giới thiệu cho học sinh. Ngoài các buổi học tại đây, nhà trường còn đưa học sinh đến tham quan, học tập tại Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM tại Bến Nhà Rồng. “Đối với học sinh cấp tiểu học, nhận thức về lịch sử cũng như các giá trị di sản văn hóa chưa thật sự đầy đủ, nhưng điều rõ ràng dễ thấy là khi học sinh được học tập tại các địa điểm nói trên đều rất háo hức, qua đó tiếp thu được nhiều điều bổ ích, như tinh thần tập thể, nề nếp, tinh thần kỷ luật, biết quan sát thế giới xung quanh, có những hiểu biết cơ bản về giá trị di tích văn hóa, trải nghiệm nhiều kỹ năng…”, bà Hương chia sẻ.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, cho biết từ năm học 2017-2018 đến 2018- 2019 này, nhà trường đã đẩy mạnh đưa di sản văn hóa vào dạy cho học sinh thông qua các hình thức như học tập trải nghiệm tại di tích, các chuyến đi về nguồn, biểu diễn giao lưu với các nghệ sĩ, nghệ nhân gạo cội trong ngành sân khấu dân tộc. Gần đây nhất là chương trình Hành trình đến di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 25.9, với điểm đến là di tích lịch sử - văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt tại quận Bình Thạnh; Bảo tàng Lịch sử TP.HCM; Đền thờ vua Hùng; Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM tại Bến Nhà Rồng. Tại đây, học sinh được nghe nhà nghiên cứu văn hóa nói chuyện về di tích và nhân vật lịch sử, đồng thời cũng được các nghệ sĩ sân khấu biểu diễn tái hiện nhân vật lịch sử và các phong tục tập quán cổ truyền thông qua các vở tuồng bằng hình thức nghệ thuật sân khấu cải lương…

Tuy nhiên, số lượng trường tổ chức được các buổi học như trên chưa nhiều nếu không dám nói là còn quá ít. Lãnh đạo một phòng GD&ĐT cho hay, có một thực tế là nhiều cán bộ quản lý chưa thật sự quan tâm, một số giáo viên chưa chủ động trong việc sưu tầm tư liệu, tranh, ảnh về di sản để sử dụng trong dạy học. Việc dạy và học trong những năm qua chỉ mới dừng ở mức như một môn học ngoại khóa, mang tính chất giới thiệu chứ chưa được đầu tư, chú trọng. Tại các trường học hiện nay thay vì trang bị nhạc cụ dân tộc thì hầu hết các trường đều dạy học bằng đàn organ, từ đó học sinh thiếu kiến thức về các loại hình nhạc cụ. Số lượng di sản văn hóa hiện nay đa dạng và phong phú nhưng chưa được tận dụng nguồn học liệu này vào chương trình học tập… Đó là vấn đề rất đáng suy nghĩ.

 Học sinh tham quan Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Phải thật sự tâm huyết mới làm được, còn không… đối phó

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là chương trình giáo dục trong nhà trường quá thiên về truyền thụ kiến thức để phục vụ cho các kỳ thi cử, nên trong một lượng thời gian hạn hẹp với quá nhiều môn học, đôi khi các trường đã dần dần giảm bớt hoặc ít chú trọng đến các môn học đạo đức, các kiến thức về lịch sử, về văn hóa dân tộc. Do đó, việc phối hợp đưa di sản văn hóa vào trường học càng bị coi là một hình thức quá mới mẻ, ít được quan tâm.

Bà Tống Thị Mai Hương cho hay, hiện nay đối với chương trình bậc tiểu học có dạy 2 buổi/ngày tại TP.HCM, bên cạnh chương trình của Bộ GD&ĐT, các trường còn có thêm 8 tiết học tiếng Anh và 2 tiết học bơi, đều là giờ chính khóa, bố trí kín hết trong ngày. Vì thế, việc xếp thời gian để học các nội dung liên quan và đưa di sản văn hóa vào nhà trường là cực kỳ khó khăn. Đối với những trường thật sự có tâm huyết, các giáo viên sẽ phải linh hoạt về thời khóa biểu trong các hoạt động dạy học, bố trí dạy bù các tiết học, nhưng việc thực hiện này cũng không được nhiều. Ngoài ra, kinh phí để sử dụng cho việc dạy và học cũng hạn chế.

Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học, nên bổ sung bộ môn Văn hóa Việt Nam vào chương trình chính khóa phổ thông; lồng ghép nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học. Bên cạnh việc đưa vào tiết học chính khóa thì cần tăng cường các hoạt động “Về nguồn”, thăm và chăm sóc các di tích văn hóa tại địa phương…

  Việc dạy và học trong những năm qua chỉ mới dừng ở mức như một môn học ngoại khóa, mang tính chất giới thiệu chứ chưa được đầu tư, chú trọng. Tại các trường học hiện nay thay vì trang bị nhạc cụ dân tộc thì hầu hết các trường đều dạy học bằng đàn organ, từ đó học sinh thiếu kiến thức về các loại hình nhạc cụ. Số lượng di sản văn hóa hiện nay đa dạng và phong phú nhưng chưa được tận dụng nguồn học liệu này vào chương trình học tập… Đó là vấn đề rất đáng suy nghĩ.

 

 Bài, ảnh: THÙY TRANG

Print
Tags:
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top