Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Mẹ trẻ Hà Nội than trời vì giúp việc như “bà chủ”, cả ngày chỉ ngủ rồi chơi

Thứ Tư 21/11/2018 | 19:53 GMT+7

VHO- Bên cạnh những người giúp việc chăm chỉ, tận tâm thì không ít gia đình than trời khi thuê phải người làm “tai quái”, vừa lười biếng lại luôn coi mình là… “bá chủ thiên hạ”.

Việc thuê người giúp việc ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là đối với những gia đình trẻ có con nhỏ tại các thành phố lớn. Thế nhưng, sự khác biệt văn hóa, lối sống, thế hệ khiến cho mối quan hệ này không phải lúc nào cũng nồng ấm, tốt đẹp.

“5 triệu thì chỉ trông được như thế!”

Chị Hiền (28 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) kể, cách đây 1 năm khi con trai đầu lòng tròn 5 tháng tuổi, chị quyết định thuê giúp việc để mình yên tâm đi làm trở lại. Người giúp việc được chị tìm qua một trung tâm môi giới, với mức lương 4 triệu đồng một tháng. Theo chị Huyền, nhà chị đang sống là căn chung cư rộng 70m2, vợ chồng đi làm từ sáng đến tối nên công việc cũng nhẹ nhàng, đơn giản, chủ yếu là tập trung chăm cháu nhỏ.

“Mình thỏa thuận với bác giúp việc là nếu mình đi làm về bế con thì cô sẽ tranh thủ nấu ăn, ngược lại nếu mình nấu ăn thì bác sẽ trông cháu hoặc làm việc nhà. Tính mình thoải mái, không phân biệt người làm, chủ nhà chỉ mong bác chăm cháu tốt, quán xuyến gia đình cẩn thận”, chị Huyền nói.

Các mẹ bỉm sữa thường xuyên đăng tải bức xúc khi thuê phải giúp việc chểnh mảng, không trách nhiệm với công việc

Các mẹ bỉm sữa thường xuyên đăng tải bức xúc khi thuê phải giúp việc chểnh mảng, không trách nhiệm với công việc

Hai tuần đầu tiên, mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ, người giúp việc tỏ ra yêu trẻ, lại hoạt bát, nhanh nhẹn nên chị Huyền rất yên tâm. Tuy nhiên, đến tuần thứ 3 thì người giúp việc bắt đầu chểnh mảng việc nhà, mọi việc đều để dành cho chị Huyền quán xuyến.

“Đi làm về mệt, nhà cửa bếp núc lanh tanh bành, quần áo của con xếp đống không giặt, bình sữa pha xong bác cũng không rửa luôn. Mình đã mệt lại phải còng lưng ra dọn. Bức xúc hỏi thì bác trả lời: Mệt không làm được. Ấm ức nhưng mình cũng phải nín nhịn, không dám than phiền vì sợ con không có ai trông”, chị Huyền ấm ức kể.

Chưa hết, được một tháng người giúp việc bắt đầu đòi tăng lương thêm 1 triệu mỗi tháng với lý do, bé nhà chị Huyền lười ăn, lại hay ốm vặt nên chăm sóc vất vả. Thương con và nghĩ “cháu đã quen bà” nên chị Huyền cũng vui vẻ đồng ý.


Bên cạnh những người giúp việc chăm chỉ, tận tâm thì không ít gia đình than trời khi thuê phải người làm “tai quái”, vừa lười biếng lại luôn coi mình là… “bá chủ thiên hạ”.

Bên cạnh những người giúp việc chăm chỉ, tận tâm thì không ít gia đình than trời khi thuê phải người làm “tai quái”, vừa lười biếng lại luôn coi mình là… “bá chủ thiên hạ”

“Tháng thứ 2, vợ chồng mình bàn nhau lắp camera để thỉnh thoảng đi làm nhìn con cho đỡ nhớ. Chuyện này được giữ kín vì không muốn cô giúp việc nghĩ vợ chồng mình cố kiểm soát, theo dõi. Thế nhưng ngay trong tuần đầu tiên, mở camera mình đã “choáng” .

Cô giúp việc thường xuyên tụ tập các bà giúp việc hàng xóm buôn dưa lê tại nhà, cười nói oang oang, để mặc bé nhà mình nằm trong phòng tự chơi. Sữa pha cho bé xong chưa uống hết buổi sáng, đến gần trưa bà lại tiếp tục mang cho cháu uống tiếp. Nhà cửa bừa bộn bà cũng không dọn, “tám chuyện xong” lại ngồi xem điện thoại”, chị Huyền kể.

Sau khi phát hiện sự việc, gia đình chị Huyền đã ngồi nói chuyện thẳng thắn và mong người giúp việc thay đổi, chỉn chu trong công việc thế nhưng đáp lại, người phụ nữ này tuyên bố “5 triệu thì… chỉ trông được như thế”.

Nhịn giúp việc như… “nhịn cơm sống”!

Cũng gặp phải tình cảnh “dở khóc, dở cười” tương tự, gia đình chị Minh Anh (37 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) tấm tức kể, chị đã phải cho người giúp việc nghỉ sau 5 tháng làm việc vì không thể… nhịn hơn được nữa.

Theo chị Minh Anh, nhà chị có 2 bé, bé lớn năm nay 8 tuổi đi học cấp 1, bé thứ hai 4 tuổi đi học mẫu giáo. Công việc của người giúp việc được chị thỏa thuận là sáng đi chợ, nấu ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa, chiều đi bộ đón bé út ở gần nhà, nấu ăn tối. Lương mỗi tháng 5 triệu, lễ tết có thưởng thêm, sau 1 năm nếu làm tốt sẽ tăng. Dù công việc đơn giản, nhẹ nhàng nhưng người giúp việc chị thuê thường xuyên than vãn, chểnh mảng công việc.

“Cô giúp việc có tính không tập trung, buổi sáng vừa nấu ăn cô vừa bấm điện thoại, lúc thì bật ti vi để tranh thủ xem nên rất mất thời gian, có hôm thức ăn cháy, hỏng, có hôm thì hai mẹ con nhịn đói đi học, đi làm vì không kịp giờ”, chị Minh Anh kể.


Việc thuê người giúp việc ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là đối với những gia đình trẻ có con nhỏ tại các thành phố lớn thế nhưng không phải ai cũng tìm được người làm ưng ý. Ảnh minh họa

Việc thuê người giúp việc ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là đối với những gia đình trẻ có con nhỏ tại các thành phố lớn thế nhưng không phải ai cũng tìm được người làm ưng ý. Ảnh minh họa

Không chỉ vậy, theo chị Minh Anh, cô giúp việc này còn không sạch sẽ. Trong phòng cô ở, quần áo treo ngổn ngang, thậm chí nhiều bộ thay xong, treo móc cả tháng mà không mang đi giặt. Nhà vệ sinh trong phòng để cáu bẩn, không đánh rửa bao giờ. Nhưng điều làm chị khó chịu nhất là bà thường hay khạc nhổ bừa bãi, lúc thì ở bồn rửa mặt, lúc ở bồn rửa bát mà không bao giờ xả nước.

“Góp ý thì cô hay tự ái, bảo gia đình mình chê cô nhà quê, ít học nên mình cũng nín nhịn, hạn chế. Thế nhưng, đi làm về mệt, nhìn nhà cửa bừa bộn lại không thể giải tỏa nên mình stress, mệt mỏi kinh khủng, sinh ra nổi cáu cả với con”, chị Minh Anh kể.

Dù may mắn tìm được người giúp việc chỉn chu, sạch sẽ, ngăn nắp nhưng gia đình chị Hương (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng gặp phải nỗi khổ tâm riêng. Theo chị, người giúp việc của gia đình là công chức về hưu ở quê, đi làm để kiếm thêm thu nhập. Cô thẳng thắn, trách nhiệm nhưng lại có tính bốc đồng và nguyên tắc quá.

“Con mình 7 tháng đang đến tuổi ăn dặm, mình dặn cô không được bỏ gia vị vào cháo, bột cho con nhưng cô lại thường phải cho một chút bột canh mới chịu. Cô bảo, hồi xưa cô nuôi 3 đứa con, đứa nào cũng ăn muối từ bé mà giờ khôn lớn, khỏe mạnh như thường. Mình mà tranh cãi, kiểu gì cô cũng tự ái, mặt nặng mày nhẹ. Chưa hết, bữa ăn, cô thường nấu theo khẩu vị cô thích, mặc kệ vợ chồng mình có ăn được hay không. Rồi cứ 9 giờ tối là cô phải lên giường đi ngủ dù nhà cửa đã gọn gàng hay chưa”, chị Hương kể.

Người phụ nữ này cũng tâm sự, mang tiếng bỏ tiền thuê người giúp việc nhưng chị thường xuyên cảm giác mình giống như “người làm” còn người giúp việc là “chủ”.

“Từ ngày thuê giúp việc, vợ chồng mình hay căng thẳng, mâu thuẫn, không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề. Nhiều lúc muốn cho cô nghỉ nhưng lại thương bé con bé quá, sợ đi học vất vả nên mình đành phải nín nhịn, cố gắng chấp nhận”, chị Hương ấm ức.

theo Hiệp Nguyễn (Dân Trí)

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top