Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

19 Tháng Ba 2024

Trầm cảm sau sinh và những chuyện đau lòng

Thứ Sáu 27/07/2018 | 09:17 GMT+7

VH- Người dân sinh sống tại khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) bàng hoàng, đau đớn khi chứng kiến sự việc liên quan đến người phụ nữ bị trầm cảm sát hại con trai và cháu gái mình tại khu đô thị vào tối 20.7. Người phụ nữ bị trầm cảm tên là Hoàng Thị Sen (33 tuổi, quê Hưng Yên).

 Lớp học tiền sản Bibo Mart giúp các bà mẹ giải toả tâm lý, tránh rơi vào trầm cảm

Công an huyện Thanh Oai, Hà Nội đã xác định người phụ nữ này có triệu chứng trầm cảm, do hoảng loạn nên đã dùng dây thắt lưng bằng vải siết cổ các nạn nhân. Về góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, nếu vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội giết người, quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết: “Đây là vụ việc hết sức đau lòng khi nghi phạm chính là mẹ ruột đã sát hại con đẻ và cháu ruột nghi do bị bệnh trầm cảm. Đây cũng là căn bệnh mà nhiều bà mẹ sau sinh mắc phải và thực tế đã có nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, cũng như trên cả nước thời gian qua”.

Đúng như nhận định của luật sư Nguyễn Anh Thơm, thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ việc người phụ nữ sau khi bị trầm cảm không kiểm soát được hành vi của mình dẫn tới những hậu quả đau lòng. Ngày 12.6.2017, dư luận cả nước đã rúng động trước vụ án mạng cháu bé 33 ngày tuổi bị mẹ đẻ sát hại ở Thạch Thất. Người mẹ ấy là Phan Thị Tr (SN 1997), nạn nhân của chứng trầm cảm sau sinh. Điều này đã khiến người phụ nữ đánh mất chính mình, đang tay giết con rồi dựng lên một màn kịch nhằm che giấu tội ác. Tr đã thả con vào chậu nước trong tư thế sấp mặt xuống đáy chậu nước và đi ngủ. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do Tr mắc bệnh trầm cảm sau sinh nặng nên xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực. Sau đó, Tr được cơ quan điều tra đưa đi giám định sức khỏe tâm thần tại viện pháp y tâm thần trung ương. Tương tự với các trường hợp trên là vụ việc bà mẹ T.T.P (sinh năm 1989, xã Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An), đã ra tay sát hại con trai 18 tháng tuổi của mình ngay tại nhà riêng. Sau khi sát hại con trai, P uống thuốc độc để tự tử, nhưng được đưa đi cấp cứu, còn con trai 18 tháng tuổi thì bị tử vong.

 ​Việc điều trị cho bệnh nhân mắc trầm cảm không quá khó khăn, khả năng tiến triển hiệu quả nhanh, giúp họ dễ dàng trở lại cuộc sống bình thường. Bệnh nhân cũng không còn dấu hiệu gì của bệnh sau quá trình điều trị. Ngay khi phát hiện người thân có dấu hiệu trầm cảm, gia đình cần đưa họ tới cơ sở y tế chuyên về tâm thần để kịp thời chữa trị.  TS Dương Minh Tâm (Trưởng phòng Điều trị Stress, Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia Bạch Mai)

TS Dương Minh Tâm (Trưởng phòng Điều trị Stress, Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia Bạch Mai) cho biết trầm cảm là chứng rối loạn tâm trạng khá phổ biến hiện nay. Người mắc chứng trầm cảm thể hiện rõ nhất qua các yếu tố: Tâm trạng buồn chán; Cảm giác mệt mỏi chán chường; Không thiết làm gì, không thích hoạt động... Những yếu tố trên là do tự cá nhân người bệnh cảm nhận, làm họ luôn thấy khó chịu, và xuất hiện những cảm giác tức ngực, đau ngực, khó thở, run chân tay... Từ đó, người bị trầm cảm có phản xạ sợ những điều rất bình thường, như sợ tiếng động, sợ đông người, sợ ồn ào, sợ ánh sáng mạnh… Tuy nhiên, điểm đặc biệt của người mắc chứng bệnh này là tư duy trí tuệ của họ vẫn tỉnh táo, nhận thức được mọi việc quanh mình. Một điều rất đặc biệt của người mắc chứng trầm cảm là khi người bệnh quyết định tự sát, họ có thể sát hại người thân trước (đặc biệt là người thân phụ thuộc chặt chẽ vào họ), để họ không phải lo lắng cho người thân của mình.

“Việc điều trị cho bệnh nhân mắc trầm cảm không quá khó khăn, khả năng tiến triển hiệu quả nhanh, giúp họ dễ dàng trở lại cuộc sống bình thường. Bệnh nhân cũng không còn dấu hiệu gì của bệnh sau quá trình điều trị. Ngay khi phát hiện người thân có dấu hiệu trầm cảm, gia đình cần đưa họ tới cơ sở y tế chuyên về tâm thần để kịp thời chữa trị”, Bác sĩ Dương Minh Tâm khuyến cáo.“Cũng vì gia đình không cẩn thận, không biết rõ người thân của mình bị trầm cảm và không đưa đi chữa trị triệt để nên dẫn đến những vụ án đau lòng. Theo tôi, vấn đề ở đây chính là các thành viên trong mỗi gia đình cần phải quan tâm đến nhau hơn để phát hiện những biểu hiện không bình thường về tâm lý của người thân và có biện pháp giải toả tâm lý hoặc nếu là bệnh thì dứt khoát phải chữa”, luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định. 

 ​ Làm sao thoát trầm cảm?

Làm sao để có được nhận thức đúng về trầm cảm? Tại sao ta lại bị trầm cảm? Phải làm thế nào khi ta bị trầm cảm? Làm sao để giúp người thân yêu vượt qua cơn trầm cảm? Ai là người có thể trở nên trầm cảm… là những câu hỏi hầu như ai cũng gặp vài lần trong đời mình. Khi mây đen kéo tới của tác giả PGS.TS Nguyễn Phương Hoa do Anbooks phát hành sẽ trả lời những câu hỏi này.

Cuốn sách được viết bằng những chia sẻ, ghi chú tỉ mỉ dưới góc nhìn của một nhà khoa học có trải nghiệm cá nhân trong việc đồng hành cùng người thân vượt qua quãng thời gian dài trầm cảm. Khác với những kết luận, dẫn chứng của một nhà nghiên cứu đơn thuần, cuốn sách chứa đựng những câu chuyện nhỏ hàng ngày, giúp bạn đọc hình dung ra những biểu hiện cụ thể, những diễn biến cảm xúc – hành vi cụ thể hằng ngày, những mẩu đối thoại hàng ngày mà một người mẹ có thể giúp con mình vượt qua những cơn trầm cảm, những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình hàng ngày; những nỗi buồn, những khoảnh khắc mà người thân của người có bệnh trầm cảm phải đối mặt để động viên, giữ vững tinh thần cho chính mình…

30 câu chuyện, chia thành 3 nhóm hành vi, mỗi câu chuyện kèm theo một ghi chú ngắn để bạn đọc có thể ghi nhớ dễ dàng. Đây cũng chính là những câu chuyện và ghi chú đã được đăng ở Serena Land - Nhóm kín của diễn đàn Beautiful Mind VN, một diễn đàn về trầm cảm có hơn 18.000 thành viên, được đón nhận và cảm ơn sâu sắc bởi các thành viên của diễn đàn này… M.L

 

 LÊ HẠNH

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top