Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập

VH- Tại Hà Nội, Bộ LĐ,TB&XH, Viện Khoa học lao động và xã hội vừa tổ chức Diễn đàn đa phương thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập.

Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Hà đánh giá, bất bình đẳng giới hiện nay thể hiện ở sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp vẫn còn thấp; trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ vẫn thấp hơn nam giới; lao động nữ có thu nhập bình quân thấp hơn nam giới khoảng 10%; lao động nữ là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân công…

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi các tiến bộ công nghệ như Internet, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, robot... dự báo sẽ có những tác động to lớn đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó có thách thức về mất việc làm của người lao động. TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội khẳng định, lao động nữ, lao động có trình độ thấp và lao động làm những nghề có tiền lương thấp sẽ chịu tác động nhiều nhất. Lao động có trình độ học vấn từ tiểu học trở xuống thuộc nhóm có rủi ro cao hơn 10 - 30% so với lao động có trình độ THPT. Trong khi đó, lao động nữ làm việc trong các ngành có rủi ro cao như trồng trọt, chăn nuôi, dệt may, bán hàng nhiều hơn 2,4 lần so với lao động nam. Do vậy, thích ứng với sự phát triển, giảm bất bình đẳng thì lao động nữ cần phải nâng cao trình độ, rèn luyện có kỹ năng và khả năng đáp ứng để giúp tạo môi trường làm việc linh hoạt hơn với một cơ hội để có thể thỏa mãn - cân bằng cuộc sống, công việc tốt hơn - thay vì đe dọa dến sinh kế và hạnh phúc của họ.

Tại diễn đàn, các đại biểu khẳng định để có thể tiến tới bình đẳng tốt hơn thì bên cạnh chính sách, điều quan trọng hơn là tất cả mọi người, cả nam giới và nữ giới, cần tự giác xóa bỏ “định kiến giới”- trong đó nữ giới cần chủ động nâng cao trình độ, sự hiểu biết để vừa nâng cao vị thế của mình.

THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc