Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

29 Tháng Ba 2024

Khi chọn sự bất thường

Thứ Sáu 01/06/2018 | 08:08 GMT+7

VH-  Trong phạm vi bài viết này, tôi không định đề cập tới mô hình gia đình thông thường: Có bố, mẹ, con, mà là những câu chuyện bất thường xảy ra trong cuộc sống. Sự bất thường ấy là do người phụ nữ chủ tâm lựa chọn.

Câu chuyện thứ nhất là của chị Ngàn, sống ở làng Thanh (Văn Lâm, Hưng Yên). Hơn bốn mươi tuổi chị mới lấy chồng. Chồng chị ngoài sáu mươi tuổi. Ngàn vẫn muốn có con nhưng sống với chồng mãi không thấy có chửa, chị đi khám ở bệnh viện thì được biết, tinh trùng của chồng chị quá yếu, không thể có con được. Ngàn bàn với chồng, rồi vợ chồng thống nhất ý kiến sẽ đi xin ngân hàng tinh trùng để Ngàn được thỏa mong ước làm mẹ. Chồng Ngàn cũng đồng ý, mặc dù anh đã có con với vợ trước. Anh chỉ bảo rằng, Ngàn cứ sinh con nhưng phải tự lo tài chính để nuôi con, anh không thể lo được. Quả thực, chồng Ngàn đã nhiều tuổi, thêm tật nát rượu nên cũng không còn đi làm để kiếm tiền cho gia đình nữa. Mọi việc do Ngàn lo hết. Ngàn vẫn liều dấn thân. Dành dụm được bao nhiêu, Ngàn dốc vào việc thụ tinh nhân tạo, mấy lần hỏng khiến Nhàn tốn kém nhưng chị không nản lòng. Tới lần thứ tư, chị đậu thai đôi, hai bé gái. Ngàn mừng không sao tả xiết. Bước vào tuổi 50, việc đậu thai đã là phi thường, sinh được hai con gái lại là điều kỳ diệu nữa. Ngàn đã có con, đó là điều quan trọng nhất. Việc chồng Ngàn có thể không cho con gái Ngàn được thừa kế gia sản, đất đai sau khi hai vợ chồng qua đời, không làm Ngàn lo lắng. Ngàn chỉ quan tâm rằng mình có thể sinh con, rồi con sẽ lớn lên, mặc cho bao khó khăn sẽ đến với Ngàn. Nuôi con thời nay đâu dễ, nhất là khi Ngàn sinh đôi, tiền dành dụm đã hết sau những lần thụ tinh nhân tạo. Trời sinh voi sẽ sinh cỏ. Ngàn đành tự an ủi mình như thế.

 Phạm Tường Lan Thy (sinh năm 1998, TP.HCM) là một trong 3 cô bé được thụ tinh bằng ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam, nổi đình đám với hình ảnh xinh đẹp trên sân khấu Đường lên đỉnh Olympia, hiện đang là du học sinh của trường Đại học Quốc Tế Tokyo Nhật Bản với học bổng toàn phần trị giá 850.000 yên/năm

Câu chuyện thứ hai là của Ngọc, một bạn gái đã bước vào tuổi ba mươi, sinh sống tại HN. Ngọc từng hủy đám ăn hỏi ngay phút cuối khi anh chàng người yêu tỏ ra không quan tâm đến thú cưng của cô. Từ đó đến nay, cô không có thời gian dành cho bạn trai nào nữa, trong khi “các con” là chó, mèo cảnh loại đắt tiền đã chiếm gần hết thời gian của cô. Cô dấn thân việc kinh doanh thú cưng, và thức ăn, thuốc chữa bệnh cho thú cưng. Việc kinh doanh khá thuận lợi, Ngọc mở một loạt cửa hàng dành cho thú cưng cả ở HN và TP.HCM. Cô cũng buôn bán thú cưng xuyên quốc gia.

Thời trước khi Ngọc ba mươi tuổi, bố mẹ cô đôi khi la mắng cô, ép cô phải tìm chồng, lấy chồng và thành lập gia đình riêng, sinh con đẻ cái như bao người con gái khác. Mọi sự la mắng, trách giận của bố mẹ không mảy may khiến Ngọc lay chuyển. Cô chẳng buồn quan tâm, để mắt tới chàng trai nào. Năm nay, khi Ngọc đã bước vào tuổi ba mươi, bố mẹ cô xuống nước: con không lấy chồng cũng được, nhưng phải thu xếp đẻ lấy một đứa con. Sau này già rồi có con cái phụng dưỡng. Về già cô đơn khổ lắm con ạ. Làm mẹ đơn thân vất vả một chút nhưng đổi lại được tự do. Con có thể xin tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng, thủ tục không khó khăn gì.

Bố mẹ đã thoáng hơn, nhưng Ngọc vẫn chưa quyết định gì cả. Khi bố mẹ sợ rằng cô qua thì sinh nở, cô bảo bây giờ có ngân hàng trữ trứng nữa kìa, phụ nữ muốn có con ở tuổi 60 cũng vẫn ok. Quả là tiến bộ y học đã tạo nên cho chúng ta nhiều lựa chọn để phù hợp hơn với điều kiện, cũng như mong muốn của mình. Chúng ta có thể lựa chọn sinh con bất cứ khi nào, mà không nhất thiết phải cưới nguyên một người chồng, hoặc thậm chí phải lập đám cưới giả tốn kém để che mắt thiên hạ.

Câu chuyện thứ ba là của Trang (HN). Cô lấy chồng, nhưng không phải là để sinh con như bao kịch bản hôn nhân khác. Vợ chồng Trang là bạn học cùng nhau trong trường Mỹ thuật Công nghiệp. Họ yêu nhau và gắn bó khăng khít. Đều là những họa sĩ, ngoài tình yêu, thì “tự do” là yếu tố tiên quyết họ đưa ra khi phải đứng trước bất cứ sự lựa chọn nào. Nếu có bất cứ việc gì đưa đến cuộc đời của đôi vợ chồng này, mà làm ảnh hưởng tới tự do của họ, thì họ luôn chọn tự do. Vợ chồng dù ở với nhau, nhưng tự do vẫn là yếu tố số 1. Khi vợ muốn làm gì, đi đâu dù là đi xa thế nào hay đi với ai, thì chỉ cần báo trước cho chồng, chồng không có quyền ràng giữ, trói buộc và ngược lại. Vợ chồng Trang đã sống với nhau hơn chục năm, không con cái, và cũng chẳng có ý định sinh con. Họ vẫn hạnh phúc theo cách riêng của họ, mặc cho bố mẹ hay họ hàng, người quen hai bên có chọc ngoáy, thúc giục ghê gớm cỡ nào. Họ đủ trải nghiệm và vững vàng để bảo vệ hai chữ “tự do” của mình. 

 KIỀU BÍCH HẬU

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top