Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

19 Tháng Ba 2024

Chuyện mẹ chồng, nàng dâu thời 4.0

Thứ Sáu 18/05/2018 | 09:07 GMT+7

VH- Trước kia con dâu sợ mẹ chồng một phép, nay có khi mẹ chồng lại ngại con dâu và thậm chí còn gọi “bà dâu”. Những câu chuyện ngược như vậy đang xảy ra và có người thở dài chấp nhận thế thời, nhưng nhiều người, nhất là người lớn tuổi thì thực sự sốc.

 Tiểu phẩm về mẹ chồng nàng dâu của quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội trong Liên hoan tuyên truyền viên xây dựng gia đình văn minh và phòng chống tệ nạn xã hội năm 2017 Ảnh: ĐÀO ANH

Đừng mắc bẫy truyền thông

Mới đây, chương trình truyền hình thực tế Quý cô hoàn hảo gây nên cơn sốt nóng trong dư luận về sự đảo chiều giá trị, nếu thực tế các cô gái đang có lối sống, cách nghĩ như vậy trong quan hệ mẹ chồng – con dâu. Có người bức xúc tới nỗi dùng mạng xã hội để phê phán nhân vật cô gái trẻ trong chương trình không tiếc lời mà cư dân mạng gọi là “ném đá”. Tuy nhiên, tỉnh táo ra, chúng ta không nên mắc bẫy truyền thông. Riêng cái tên chương trình cũng đã là một sự giễu nhại rồi, bởi thực tế làm gì có ai hoàn hảo, nhất là khi nhân vật đang là một cô gái quá trẻ. Một sản phẩm truyền thông như thế, là sử dụng chiêu gây sốc, tạo ấn tượng mạnh đi thẳng vào tiềm thức khán giả. Chương trình thành công nhờ chiêu trò này, và thực sự khán giả đã nhớ rất nhanh, rất lâu, thậm chí có cảm xúc thật mạnh. Hầu hết khán giả đã bị cảm xúc dẫn dắt, khiến nội dung của chương trình, thông điệp chương trình đi thẳng vào tiềm thức của mình, bỏ qua người gác cổng là bộ lọc thông tin của chính mình, để cho mình mắc bẫy truyền thông mà không hay biết.

Nếu chỉ xem một chương trình truyền hình mà đã vội vàng nghĩ đó là thật, rồi quy kết tội và phê phán các cô gái trẻ, thì bạn đã mắc tội với họ. Thực tế không như thế, không cô gái trẻ nào hoàn hảo và mẹ chồng cũng không hoàn hảo. Nếu cứ phân tích ai đúng, ai sai rồi nghiêng về phía mẹ chồng, hay nàng dâu mà phán xét, thì đều khiến bên kia tổn thương, mà không mang lại bất cứ kết quả nào hữu ích cho hạnh phúc. Tất cả chúng ta, trăm người trăm nết, rất khác nhau, nhưng chúng ta chỉ có một trái đất này để sống chung, không thể trốn đến hành tinh khác, vì vậy, bài học lớn và ý nghĩa bậc nhất trong đời là học cách sống chung và cùng chung tay xây dựng hạnh phúc.

Các cô gái trẻ bây giờ không phải như vậy!

Mẹ tôi, từng có “thâm niên” gần ba chục năm chung sống với mẹ chồng đã kết luận, cả hai bên đều phải kiên nhẫn, nhường nhịn lẫn nhau, nhìn nhau mà sống. Nếu không như thế sẽ xảy ra xung đột triền miên, không thể sống nổi. Có chung sống với mẹ chồng thì mới học được chữ “nhẫn” quý giá, để biết đối nhân xử thế trong cả công việc, quan hệ xã hội, xóm giềng, mới sống cân bằng được ở đời.

Khi được hỏi sau này lấy chồng có muốn sống chung với mẹ chồng hay không? Phương Khanh, một bạn gái sinh viên trẻ đã trả lời thẳng thắn rằng, nếu được chọn, em sẽ không sống chung với mẹ chồng để cả mẹ chồng và mình đều thoải mái. Trong những trường hợp cần thiết như khi mình cần mẹ chồng trông con nhỏ giúp mình, hoặc mình cần chăm nom lúc mẹ chồng già yếu, ốm đau, không tự chủ trong sinh hoạt thì lúc đó Khanh sẽ sống chung với mẹ chồng. Và khi sống cùng mẹ chồng, cũng có lợi thế riêng, đó là mình học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý của mẹ, là sự thách thức khả năng ứng xử của mình, khả năng thuyết phục của mình.

Bà Tường Vân, một mẹ chồng có “thâm niên” được năm năm, nhưng chỉ sống với con dâu một thời gian ngắn rồi bà di cư sang Pháp, nhưng lại có cái nhìn rất bao dung với con dâu trẻ. Bà biết con dâu phải chịu áp lực công việc rất lớn ở cơ quan, vì cô là người có năng lực, nên khi ở cùng con dâu, bà sẵn sàng nấu nướng, dọn dẹp cho con dâu được nghỉ ngơi. Khi con trai và con dâu có xung đột, bà không vội đổ lỗi cho con dâu và bênh vực con trai, mà bà lặng lẽ theo dõi cách ứng xử với xung đột của vợ chồng con, sau vài ngày bà có đủ thông tin, mới yêu cầu con ngồi lại với mình và phân tích phải – trái.

Ngọc Diệp, cô con dâu trẻ của bà Tường Vân, đã chia sẻ về mẹ chồng mình thế này: “Những bà mẹ chồng hiện đại, họ đã khác rồi. Họ đã trải qua đủ những cay đắng, những oan ức trong đời sống làm dâu từ cách đây hàng chục năm. Họ đã hiểu thấu những nỗi thiệt thòi, những ấm ức của các cô dâu mới. Điều tuyệt vời hơn là mẹ chồng tôi không bắt tôi làm hết việc nhà, đấy là bà yêu thương tôi thật lòng – như một đứa con gái ruột. Nhưng tất nhiên, không phải lúc nào bà cũng đứng về phía tôi. Có một lần bà đã giận tôi, một cách thật sự. Tôi hoàn toàn không biết điều đấy cho đến khi bà nói rằng, bà đã rất thất vọng vì tôi và điều làm bà buồn hơn cả - đó là bởi bà yêu thương tôi như con gái mình và tình yêu ấy đôi khi còn lớn hơn cả tình cảm bà dành cho con trai của bà. Giây phút ấy – cái giây phút bà nói về tình yêu thương bà dành cho tôi chứ không phải lời mắng nhiếc nào – đã khiến tôi ước rằng mình đã không làm bà đau lòng và luôn nhắc tôi nhớ phải cư xử khác đi”.

Trở lại với những quy kết, phán xét về sự ghê gớm của mẹ chồng hay những “bà dâu” hiện đại vô lễ ngày nay, chúng ta nên tỉnh táo để biết chọn lời, bởi cả hai bên đều là thành viên trong một gia đình, đều đang hướng tới một mục tiêu chung là HẠNH PHÚC gia đình. Vậy trên hành trình chung, đều cần sự chung tay của cả hai phía, cần những sự thấu hiểu, cảm thông và những cái ôm nồng ấm dành cho nhau. Dù ở thời phong kiến, hay thời công nghệ 4.0, thì trong mối quan hệ gia đình, tình yêu thương vẫn luôn hiện hữu và là giá trị lớn nhất. 

TÙNG LÂM

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top