Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

29 Tháng Ba 2024

Lời nói chẳng mất tiền mua...

Thứ Sáu 11/05/2018 | 09:44 GMT+7

VH- Có người phụ nữ từng đi qua hai cuộc hôn nhân và cuối cùng khi ở tuổi 50 đã tạm thời đặt mục tiêu sống đơn thân đến cuối đời, chỉ vì chị cho rằng, mình không muốn cố gắng nữa, sức đã yếu, nghị lực đã mòn, mà cuộc hôn nhân thì lại luôn thử thách với những căng thẳng không bao giờ kết thúc.

 Tác phẩm "Công bằng nhưng không bằng" của tác giả Nguyễn Vũ Xuân Lan giành Giải nhất cuộc thi Vẽ tranh hý họa về bình đẳng giới do cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức

 Hôn nhân là thực hành yêu

Khi hai người yêu nhau, đó mới chỉ là lý thuyết. Lý thuyết phần nhiều màu hồng, dễ học thuộc, dễ tưởng tượng. Còn khi họ kết hôn, đó mới thực sự là quá trình thực hành yêu. Từ lý thuyết, đến thực hành là cả một quãng đường rất dài, rất khác nhau, mà lắm đôi lứa đã thực hành sai trật, dẫn đến đổ vỡ.

Có người vợ bức xúc vì lời lẽ của chồng, quá khác nhau trong hai giai đoạn, yêu và sau kết hôn. Khi yêu, ngày nào anh cũng nhắn tin với lời âu yếm, “Cưng của anh hôm nay có vui không? Cưng có muốn ăn chè thập cẩm không để anh mang đến?”. Sau kết hôn, chẳng những không có chè thập cẩm ngọt ngào, lại còn bị chồng gắt gỏng “Sao em để bếp rác bừa bộn thế này?”. Nếu như khi yêu, cái xe của nàng mới xịt lốp thì chàng đã biết ngay và xắn tay vào sửa, thì sau khi kết hôn, vòi nước trong bếp có hỏng và nàng có giục cả chục lần chàng cũng lờ đi, hoặc quát “Sao em lắm lời thế? Anh đâu phải là thợ sửa vòi!”.

Nữ nhà thơ Phạm Phương Thảo cho biết, chồng chị là dân thể thao, nên tâm hồn hai người có phần khác nhau. Anh thì đại khái và hơi thô, dù tâm rất tốt, chị thì lãng mạn, giàu tình cảm. Chị đôi khi phiền lòng vì cách nói năng của anh. Ví dụ như khi biết ngày mai chị sẽ đi dự trại sáng tác của Hội nhà văn, anh hỏi trống không “Mấy giờ đi?” Giọng điệu có phần hạch sách của anh khiến chị bực bội, không vui, nên chị hỏi lại khá khiêu khích “Anh hỏi cung em đấy à?” Tất nhiên sáng hôm sau, chồng chị vẫn lấy xe đưa vợ đi tới trụ sở Hội nhà văn để tập trung đi sáng tác, nhưng chỉ vì cách nói năng thiếu ngọt ngào của anh mà sự quan tâm thực sự lại thành ra mất ý nghĩa. Nữ sĩ này cũng tự nhận rằng sự thay đổi trong cách giao tiếp vợ chồng ấy không chỉ do lỗi ở chồng chị, mà còn do chị nữa. Chính chị cũng ăn nói thiếu ngọt ngào với anh, lắm khi vô tình chỉ nói với anh những lời bực bội, cay nghiệt mà hoàn toàn không có tà ý gì.

Nếu hỏi nữ sĩ rằng chị có còn yêu chồng hay không, chị khẳng định là chị còn yêu chồng. Vậy tại sao chị lại không thể thay đổi cách ứng xử và lời nói với chồng, để từ đó khiến anh cũng thay đổi, và cuộc sống lứa đôi có thể mang vị ngọt như thời còn đang yêu? Ai, cái gì đã đánh cắp vị ngọt tình yêu? Nữ sĩ giải thích rằng, phần nhiều do sau kết hôn, sinh con đẻ cái, đối diện với bao thách thức của cuộc mưu sinh, khiến cả vợ và chồng đều rất căng thẳng, nên khi cư xử với nhau, đã tự giản tiện hình thức đi, miễn sao nhanh gọn là được, không màng đến cảm xúc đẹp của nhau nữa. Mối quan tâm của cả vợ và chồng bây giờ đều hướng về con cái, nhà cửa, sự nghiệp, xe cộ, chứ không hướng về nhau, do đó tất nhiên sự chăm sóc tình tứ đâu còn cần đầu tư như thời đang yêu. Do đó, nhiều cuộc hôn nhân lại bị hai nhân vật chính lược bỏ đối tượng quan tâm chính đi, nên cảm xúc bị bào mòn, và tình yêu không được chăm sóc, như cái cây dần khô héo, cạn kiệt năng lượng sống. Cả hai vợ chồng đều không đồng nhất được hôn nhân với tình yêu nên hạnh phúc thực sự nhanh chóng tiêu tan, nhiều cặp vợ chồng phải đánh tráo khái niệm hạnh phúc với việc con cái học hành giỏi giang, nhà cửa đề huề, xe sang, sự nghiệp vững vàng và kinh tế gia đình ổn định, chứ không phải là cảm giác hạnh phúc được chăm sóc nhau, vợ yêu chồng và chồng nâng niu chiều chuộng vợ hàng ngày...

Thay đổi ngôn ngữ, thay đổi cuộc đời

Có anh chồng tuyên bố huỵch toẹt, rằng vợ chồng sống với nhau lâu ngày nên nhàm chán, chỉ cần vắn tắt trong ngôn ngữ, đơn giản trong hành vi là đủ rồi, hoa lá cành làm gì cho mệt xác. Có anh cả đời chẳng mua hoa hồng tặng vợ, vô tâm không biết đến những tiếng thở dài thương thân của người phụ nữ bên cạnh mình. Có anh khi nói chuyện với phụ nữ bên ngoài thì rất ngọt ngào, tử tế, sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí bỏ nhiều tiền ra chiều chuộng, nhưng khi về nhà với vợ thì ăn nói cộc cằn, chỉ đợi vợ hầu cơm nước, không vừa ý còn sẵng giọng mắng mỏ... Có anh tự tin tuyên bố, anh sẵn sàng quỳ gối nâng đóa hồng tặng em, và khi chinh phục được em rồi, thì em sẽ phải suốt đời cúi nhặt và giặt tất thối cho anh.

Lắm khi, người vợ chỉ cần một lời nói ngọt ngào tử tế của chồng, một việc làm nho nhỏ xuất phát từ tâm người chồng, giúp chị nâng cái xe nặng cất vào chỗ để xe, hay đổ rác, dạy con học cũng khiến chị hạnh phúc và nuôi ngọn lửa tình yêu cháy bền trong tim. Những lời ngọt ngào, những cử chỉ âu yếm, những hành động nho nhỏ giúp vợ có khó không? Hoàn toàn không khó, bởi anh có thể hào hứng làm những việc đó bên ngoài, nói những lời nhẹ nhàng với phụ nữ bên ngoài, thì tại sao không thể làm thế với vợ? Nếu có lỡ quên đi, đã thành thói quen cư xử tẻ nhạt với nhau trong gia đình, thì cần tu luyện hàng ngày để thay đổi.

Người vợ cũng vậy, nếu muốn chồng cư xử tốt với mình, thì mình phải thay đổi trước tiên, phải biết cách ăn nói ngọt ngào, hành vi thiện tâm và kiên trì đòi hỏi chồng cư xử với mình như thế. Hãy thay đổi ngôn ngữ trước tiên. Thay đổi ngôn ngữ là thay đổi cuộc đời. Thay vì nói sẵng, “Sao giờ này anh mới về?” Hãy nhẹ nhàng hỏi, “Anh đi làm về muộn, hẳn mệt lắm, em pha cốc nước mát anh uống nhé? Có chuyện gì căng ở công ty phải không anh, kể em nghe xem em giúp được cao kiến gì...”. Rồi sau đó, dành thời gian ngồi bên chồng, nũng nịu với chồng, lắng nghe anh ấy kể những câu chuyện mà anh muốn sẻ chia, lắng nghe bằng cả trái tim mình, thì tin tôi đi, không có người chồng nào lại không biết cảm nhận hạnh phúc đó và đáp trả lại tương xứng. Có nhiều người vợ, lúc chồng muốn chở mình đi chơi, hoặc tâm sự với mình, rủ mình đi ăn tiệm, nghe hát, thì lại từ chối vì còn phải lau nhà, nấu ăn, hoặc lướt web, xem ti vi, trông con... Chính lúc đó là người vợ tự tước đi quyền lợi được chồng yêu thương và chiều chuộng. Hãy thông minh sắp xếp gọn việc nhà, để đầu tư thời gian cho người bạn đời của mình và tận hưởng tình yêu, cũng như nhen ngọn lửa tình yêu cho nó cháy bền mãi mãi. Bạn hãy nghĩ rằng, đầu tư một lời ngọt ngào yêu thương cho chồng, có lãi hơn là việc đầu tư lau sạch sàn nhà, đầu tư một bữa đi ăn bên ngoài lãng mạn cùng chồng, có lãi hơn việc đầu tắt mặt tối đi chợ nấu ăn ngon triền miên mà không được chồng cảm ơn.

Hôn nhân là cuộc thực hành yêu đầy thách thức, và chính vì thế mà bạn cần có nghệ thuật trong ứng xử với bạn đời, để đồng nhất tình yêu với hôn nhân bền vững. 

KIỀU BÍCH HẬU

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top