Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

29 Tháng Ba 2024

NGĂN CHẶN, PHÒNG NGỪA QUẤY RỐI TÌNH DỤC TẠI NƠI LÀM VIỆC: Không nên im lặng

Thứ Sáu 04/05/2018 | 09:12 GMT+7

VH- Quấy rối tình dục có thể xảy ra ở bất cứ đâu, công sở, nơi công cộng và kể cả trường học. Rất nhiều phụ nữ tham gia các cuộc khảo sát của các cơ quan có uy tín đều trả lời đã từng bị quấy rối tình dục. Nhẹ thì là những lời nói, sự săn đón, nặng hơn là những hành động cưỡng bức... thế nhưng không mấy ai dám nói ra sự thật. Có rất nhiều lý do khiến đa phần các nạn nhân bị lạm dụng chọn cách im lặng, trong đó không ít người vì sợ không dám đối diện với dư luận khi công khai danh tính mình là nạn nhân bị quấy rối tình dục chỉ vì… định kiến từ chính xã hội. Đó là những ý kiến được đưa ra tại hội thảo về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo

Phụ nữ là đối tượng chính bị lạm dụng

Chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra hàng loạt vụ việc liên quan đến quấy rối, xâm hại tình dục, mà nạn nhân là trẻ em. Thầy giáo dâm ô hàng loạt học sinh ở Hoài Đức, rồi có ông thầy quấy rối tình dục học sinh suốt 4 năm ở Bình Dương... Trong một nghiên cứu gần đây của CSAGA tại TP.HCM, Hà Giang, Quảng Ninh cho ra con số giật mình: 13-14% số học sinh nữ từng ít nhất một lần bị xâm hại tình dục. Có những em bị đến 14 lần. Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho biết: “Khi báo cáo kết quả đó, chúng tôi có mời lãnh đạo của các trường đến để cùng bàn luận, thầy cô trong trường cũng rất sốc. Khi các vụ xâm hại tình dục được phanh phui, cả xã hội đều lên án, nhưng chỉ ồn ào được vài hôm rồi mọi việc lại lắng xuống. Rồi những vụ việc khác lại xảy ra”.

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty luật Fanci cho rằng: “Khi xã hội có những cái xấu thì pháp luật phải can thiệp để xã hội không bị kéo tụt lùi và được phát triển. Ngoài việc có chế tài đủ mạnh, những nạn nhân của quấy rối tình dục cần dũng cảm nói ra, vạch trần cái xấu. Lãnh đạo các cơ quan, trường học cũng phải có trách nhiệm trong việc xây dựng một môi trường trong sạch để người lao động làm việc, để học sinh được học tập trong môi trường an toàn”.

 Chương trình phòng chống xâm hại tình dục trẻ em do Trường Tiểu học Cổ Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) tổ chức

Cần có bộ quy tắc về chống quấy rối tình dục

Bà Hoàng Thị Thu Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cho biết, hiện nay Bộ LĐ,TB&XH đang trình Chính phủ Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có việc thêm quy định về quấy rối tình dục và có chế tài xử lý cụ thể. Bộ LĐ,TB&XH cũng mong muốn các Bộ, ngành cùng phối hợp để tổ chức Tháng hành động vì bình đẳng giới.

Nhiều ý kiến đề xuất cần phải có một bộ quy tắc về chống quấy rối tình dục trong công sở, đồng thời ngành giáo dục cũng cần có sự giáo dục các em học sinh nữ ngay từ khi ở độ tuổi trưởng thành, để có thể có ý thức đầy đủ về những hành vi xâm hại. Trên thực tế, Bộ LĐ,TB&XH đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam. Bộ quy tắc này nhằm giúp Chính phủ, chủ sử dụng lao động và người lao động tại Việt Nam nhận diện, ngăn chặn và xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc thông qua những hướng dẫn cụ thể. Bộ quy tắc khuyến khích sự áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp, cả ở khu vực công và tư, trên cơ sở tự nguyện. Theo Bộ quy tắc này, mọi doanh nghiệp đều có quyền, trách nhiệm xây dựng và duy trì môi trường làm việc không quấy rối tình dục. Người sử dụng lao động phải có hành động ngay lập tức khi xuất hiện bất cứ cáo buộc nào về quấy rối tình dục. Tổ chức công đoàn có trách nhiệm đảm bảo tất cả các vấn đề liên quan đến quấy rối tình dục tại doanh nghiệp, phải được thương lượng một cách công bằng và minh bạch. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc đã khiến nhiều nạn nhân không trình báo, thế nên hiệu quả Bộ Quy tắc này của Bộ LĐ,TB&XH mới dừng ở mức khuyến cáo.

Vấn đề quan trọng vẫn là thay đổi nhận thức của xã hội đối với những hiện tượng quấy rối tình dục, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với những hành động quấy rối tình dục. Có rất nhiều người, khi lên tiếng mình bị quấy rối tình dục thì lập tức bị nhìn nhận có thể là người phụ nữ này quá lẳng lơ, hay việc bị trêu ghẹo là bình thường bởi “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”... Đại diện của tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam cho biết, tổ chức Plan có một tổng đài an toàn chuyên tiếp nhận tất cả những lời phàn nàn của mọi nhân viên, trong đó có cả về hành vi quấy rối tình dục. Đa phần những người quấy rối đều là người có vị thế, vì vậy tổng đài sẵn sàng tiếp nhận thư nặc danh và chuyển qua bộ phận chuyên trách điều tra làm rõ mọi chuyện một cách minh bạch.

Để ngăn chặn “vấn nạn” quấy rối tình dục, trước hết cần xây dựng môi trường làm việc nghiêm túc, văn minh, nâng cao nhận thức cũng như cách tự bảo vệ bản thân khi bị quấy rối tình dục. Mặt khác, mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ khi đến công sở cần có cách ăn mặc, nói năng chuẩn mực. Đối với những người làm công tác quản lý trong các cơ quan, công sở cũng cần nhận thức rõ ràng hơn về những biểu hiện quấy rối tình dục, để có cách điều chỉnh ứng xử từ bản thân nói riêng và tập thể nói chung.

 THÚY HIỀN

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top