Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

28 Tháng Ba 2024

Vai trò của truyền thông đối với xây dựng gia đình hạnh phúc

Thứ Sáu 14/01/2022 | 09:21 GMT+7

VHO- Trong xã hội hiện đại, truyền thông đại chúng có vai trò rất quan trọng đối với đời sống xã hội. Bằng việc sử dụng các thiết bị truyền thông đa phương tiện, sự tích hợp các tiện ích đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, truyền thông đã tạo nên hiệu ứng xã hội, lan tỏa, định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, tác động đến nhận thức, thái độ và hành vi của cả cộng đồng.

 Bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” là một trong những bộ phim hay về đề tài gia đình

 Để phát huy vai trò của văn hóa gia đình trong giáo dục nhân cách con người Việt Nam hiện nay, cần thiết và phải sử dụng giải pháp truyền thông đại chúng, truyền thông vận động bằng nhiều hình thức, tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của cộng đồng xã hội.

Tác động lớn của truyền thông với nhận thức về gia đình

Tại Hội thảo khoa học lấy ý kiến Bộ tiêu chí Xây dựng Gia đình hạnh phúc trên địa bàn TP.HCM, TS Đỗ Ngọc Anh cho rằng, đưa ra giải pháp tăng cường hiệu quả các hình thức truyền thông giáo dục vận động nhằm nâng cao nhận thức về vị trí vai trò gia đình, văn hóa gia đình trong giáo dục nhân cách con người, nhằm tăng cường củng cố, thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của cá nhân, xã hội về văn hóa gia đình; tạo nên sự đồng thuận của cá nhân, cộng đồng xã hội về trách nhiệm xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện nay.

Theo TS Đỗ Ngọc Anh, việc sử dụng đa dạng các hình thức truyền thông có ý nghĩa rất quan trọng, khả năng phổ biến thông tin, đặc biệt sự tương tác giữa cá nhân với cộng đồng trên mạng xã hội đem lại nhiều cảm xúc, ấn tượng tác động sâu sắc đến nhận thức. Sử dụng truyền thông đại chúng với nhiều hình thức xuất bản phẩm (sách), báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình và các hình thức truyền thông hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ Internet như báo điện tử, các trang thông tin Website, các trang mạng xã hội. Sự phong phú về hình thức truyền thông đã được tiếp sức từ công nghệ thông tin. Do đó, việc lan toả thông tin giữa cá nhân với cộng đồng trở nên đơn giản, thuận tiện, hấp dẫn. Nhưng quan trọng nhất là vấn đề nội dung thông tin như thế nào để có thể tác động tích cực đến nhận thức và góp phần thay đổi thái độ, hành vi đối với quá trình giáo dục nhân cách từ gia đình mà mỗi cá nhân vừa đóng vai trò khách thể giáo dục vừa là chủ thể đối với quá trình tự giáo dục nhân cách hoặc ở vị trí cha mẹ, ông bà giáo dục các thành viên trong gia đình.

Trong truyền thông, các chương trình văn hóa nghệ thuật, phim ảnh, sân khấu… có một vai trò đặc biệt đối với đời sống văn hóa tinh thần của con người. Mỗi loại hình văn hóa, nghệ thuật đều có sức mạnh, đặc trưng bản sắc riêng để góp phần xây dựng, nuôi dưỡng nhân cách con người Việt Nam rất sâu đậm, hiệu quả. Thông qua một tác phẩm nghệ thuật, những câu chuyện về gia đình, về tình yêu, về gia đình truyền thống, gia đình hiện đại với những giá trị văn hóa lan toả, hình tượng nhân vật được khắc họa điển hình sẽ có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, góp phần hình thành thái độ, niềm tin vào những giá trị tốt đẹp trong gia đình Việt Nam. Đơn cử như thời gian gần đây, những chiếu vào khung giờ vàng trên sóng truyền hình không còn khai thác yếu tố giật gân, hài, câu khách mà bắt đầu hướng đến tính nhân văn qua đề tài về gia đình thời hiện đại như: Về nhà đi con, Hương vị tình thân, Hướng dương ngược nắng, Mẹ chồng tôi… đã thu hút được một lượng khán giả xem truyền hình lớn chờ đón từng tập phim. Không chỉ hấp dẫn, cuốn hút mà những bộ phim này còn mang giá trị giáo dục và có ảnh hưởng không nhỏ trong nhận thức, suy nghĩ của người xem.

Lan tỏa những hình ảnh đẹp

Theo TS Đỗ Ngọc Anh, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội chuyên ngành cần có định hướng sáng tạo những tác phẩm về đời sống gia đình, nhân cách con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, về đạo hiếu, tình nghĩa vợ chồng… để tạo lên sự lan toả trong cộng đồng những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu cho văn hóa gia đình, nhân cách con người Việt Nam.

Ở Việt Nam, các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là báo chí, có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền về những ứng xử trong gia đình, đặc biệt là vấn đề PCBLGĐ. Thể hiện ở việc cung cấp thông tin, phát hiện và giám sát các vụ việc về bạo lực gia đình, tuyên truyền, ngăn ngừa và đấu tranh với các hành vi BLGĐ, tạo dư luận và định hướng dư luận về PCBLGĐ… Việc cung cấp đầy đủ các thông tin về hành vi bạo lực gia đình vừa kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, vừa giúp cảnh báo, răn đe đối với các hành vi bạo lực gia đình, qua đó tạo dư luận tốt trong thực hiện phòng, chống vấn nạn trên nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình, góp phần tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Cùng với việc cung cấp thông tin, truyền thông đại chúng đã góp phần không nhỏ phát hiện những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, từ đó hợp tác cung cấp thông tin tới các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, truy tố, xét xử các hành vi BLGĐ.

Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL Trần Tuyết Ánh cho biết: “Đến nay, các Bộ, ngành và các địa phương đã ý thức rất rõ về việc tuyên truyền, tổ chức truyền thông đến các hoạt động liên quan tới công tác gia đình hiện nay. Hình thức tuyên truyền là thông qua các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề trên báo hình, báo in, báo nói, báo điện tử. Treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, tuyên truyền trên bảng tin cộng đồng chủ đề và thông điệp. Các cơ quan truyền thông đại chúng cần ưu tiên thời lượng, tin bài và các chương trình truyền hình tuyên truyền. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đa dạng hóa các hình thức truyền thông, chủ động tổ chức các hoạt động, nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc thù của địa phương, chú trọng đến việc chỉ đạo hoạt động truyền thông ở các cấp xã, phường, thị trấn... Đồng loạt truyền thông các sự kiện có ý nghĩa trong công tác gia đình cũng là một cách để thu hút sự chú ý của người dân và toàn xã hội”. 

 NGUYỄN SƠN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top