Hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình trở lại cộng đồng

VH- Nguyễn Thị Ngọc D. là một cô gái xinh xắn quê Nghệ An, sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội đã lên xe hoa với người chồng đẹp trai, trí thức dù anh đã có một đời vợ và đang nuôi con riêng. Khi D. ở cữ đã phát hiện ra chồng ngoại tình, từ đấy là một chuỗi bạo lực về tinh thần và thể chất mà chị phải chịu đựng; đồng thời biết được rằng người vợ trước cũng phải ra đi vì không chịu nổi sự hành hung của anh. Con được 1 tuổi chị D. xin đi làm để thoát khỏi cảnh “ăn bám”, chuẩn bị được ký hợp đồng chính thức bỗng dưng chị bị từ chối không nhận. Nguyên nhân là chồng chị đã đến nói xấu vợ, chị D. đành quay về gia đình tiếp tục sống trong bạo lực.

Hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình trở lại cộng đồng - Anh 1

 Nạn nhân được hỗ trợ tại Hagar

Cố gắng sống thêm 3 năm nữa thì chị D. quyết định ly hôn dù con còn nhỏ. Vì hoàn cảnh người phụ nữ đi lấy chồng, phụ thuộc về nơi ăn ở, không có thu nhập ổn định nên đã không giành được quyền nuôi con. Tình cờ một lần tìm kiếm trên internet, chị D. đã biết đến tổ chức Hagar tại Hà Nội có thể hỗ trợ về mọi mặt cho phụ nữ bị bạo lực gia đình, chị D. đã tìm đến Hagar với mong đợi duy nhất là được giúp đỡ để giành lại quyền nuôi con. Chị được các nhân viên của Hagar tiếp nhận và hỗ trợ chị về kiến thức bạo lực gia đình, kỹ năng về xây dựng mối quan hệ mẹ con… Được Hagar hỗ trợ trong việc bổ sung kiến thức, kỹ năng làm việc, cuối cùng chị xin được việc làm ở một doanh nghiệp xã hội, có thu nhập ổn định. Chị D. không còn sợ chồng mà tự tin đến nhà chồng và xin gặp con, đưa về bà ngoại, đưa con đi chơi trong ngày lễ tết. Đến nay, việc giành quyền nuôi con không còn quá quan trọng với chị vì dù con ở đâu thì hai mẹ con vẫn có thể kết nối được.

Chị Nguyễn Thị Ngọc D. chỉ là một trong hơn 100 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, được Hargar hỗ trợ. Được thành lập năm 1994 tại Campuchia, đến năm 2004 thì Tổ chức Hagar có mặt tại Việt Nam nhưng đến năm 2012, tổ chức này mới triển khai hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình, phụ nữ bị mua bán, và bị lạm dụng tình dục dựa trên nhu cầu cá nhân để cung cấp dịch vụ cần thiết. Theo bà Trần Ngân Hà, phụ trách phát triển chương trình, Hagar sẽ sát cánh với mỗi phụ nữ cả quá trình từ lúc tiếp nhận đến khi vượt qua sang chấn tâm lý, hòa nhập cộng đồng, có việc làm, tùy vào nhu cầu của mỗi người. “Chẳng hạn một phụ nữ bị bạo lực gia đình cần nhà tạm lánh, Hagar sẽ cung cấp nhà ở an toàn, nhu yếu phẩm cần thiết để họ yên tâm. Hagar luôn có có 2 chuyên gia tâm lý để tư vấn tâm lý, có cán bộ công tác xã hội để có thể hỗ trợ y tế, khám chữa bệnh, pháp lý... cho đến khi họ cảm thấy sẵn sàng trở về với cuộc sống, tự lập trong cộng đồng”, bà Ngân Hà chia sẻ.

Bên cạnh đó, Hagar còn hỗ trợ những phụ nữ yếu thế nâng cao năng lực kinh tế bằng cách hướng nghiệp, đào tạo nghề, tìm việc làm, nếu đang học dở sẽ quay lại trường học. Từ năm 2012, Hagar đã hoàn thiện mô hình và hỗ trợ khoảng 300 phụ nữ yếu thế từ các vùng miền cả nước.

MINH ĐỨC

 

Ý kiến bạn đọc