Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

19 Tháng Ba 2024

Tình người trong “Trở về giữa yêu thương”

Thứ Sáu 26/03/2021 | 09:52 GMT+7

VHO- Trở về giữa yêu thương là bộ phim truyền hình nhiều tập đã đi vào hồi kết là câu chuyện gia đình với nhiều xung đột giữa cha và con, mối quan hệ phức tạp trong từng cử chỉ, hành vi tâm lý để rồi mọi người đều nhận ra gia đình dù bao sóng gió vẫn luôn là bến đỗ yêu thương nhất.

Cảnh trong phim Trở về giữa yêu thương

 Bộ phim cho thấy, cái khó nhất không phải là đối nhân xử thế với người ngoài xã hội mà chính là với những người thân trong gia đình.

Câu chuyện đầy lắng đọng về tình cha

Bộ phim xoay quanh gia đình ông Phương (NSND Trung Anh), cựu Giám đốc một nhà xuất bản, tính nghiêm túc, có phần quan cách nhưng tốt bụng. Vợ mất sớm, ông Phương không đi bước nữa mà dành trọn tâm huyết cho công việc và con cái. Ông Phương khi về hưu phải đối mặt với những vấn đề của gia đình, từ chuyện của Thu cô con gái có cuộc hôn nhân không hạnh phúc vì chồng là mẫu đàn ông gia trưởng, ghen tuông cho đến Toàn con trai thiếu ý chí nên sa vào cờ bạc, nợ nần…

Điều thuyết phục của bộ phim chính là xây dựng nhân vật trung tâm, ông bố không giống những mẫu ông bố hoàn hảo như nhiều bộ phim truyền hình trước, phim khai thác được cả những khuyết điểm chân thật của một phụ huynh trong hành trình yêu thương con. Chính sự không hoàn hảo này đã khiến người xem nhìn thấy bóng dáng của mình qua hình ảnh ông Phương. Không giống như ông bố “quốc dân” trong bộ phim Về nhà đi con, ông bố trong Trở về giữa yêu thương gần gũi, giản dị, không phải là một “soái ca”.

Xuyên suốt các tập phim, khán giả không chỉ thấy hành trình tìm kiếm hạnh phúc, đứng dậy sau vấp ngã của những người con của ông Phương, mà song hành với đó còn là quá trình học cách làm cha, học cách buông tay để các con tự trưởng thành của chính ông. Thông qua những xung đột, mâu thuẫn và cách giải quyết của các nhân vật trong gia đình, bộ phim mang lại nhiều tình huống lắng đọng để mọi người có dịp nhìn lại, sống chậm hơn, giúp người xem sẽ nhận ra giá trị thực sự của tình yêu gia đình.

Nghệ sĩ cũng xúc động bởi chính nhân vật

Góp phần tạo nên những hình mẫu nhân vật đầy sức thuyết phục trong phim chính là nhờ vào lớp diễn viên gạo cội, đặc biệt là những nghệ sĩ chuyên đóng những nhân vật “người cao tuổi” trong phim. Ở phần 1, cố NSND Hoàng Dũng đã lột tả xuất sắc sự cô độc của người đàn ông trung niên góa vợ, lạc lõng ở xã hội và trong gia đình. Ông Phương coi trọng thể diện, muốn con trai an phận làm ở cơ quan nhà nước, không thích con dâu bán hàng online vì sợ mất mặt. Vai ông Phương mà NSND Trung Anh thủ vai ở phần 2 có phần trầm hơn, gần gũi, tình cảm hơn với các con.

Nói về vai ông Phương do mình thể hiện, NSND Trung Anh chia sẻ: “Bản thân nghệ sĩ chúng tôi khi tham gia vào các nhân vật đôi khi cảm thấy như không còn khoảng cách giữa nhân vật và mình bởi lẽ những con người trong phim, đặc biệt là tuyến “người cao tuổi” được xây dựng vô cùng đẹp, những người già họ gặp nhau, lo lắng cho nhau đầy tình nghĩa. Chắc chắn sẽ nhiều người, đặc biệt là những người đang có cha mẹ già sẽ phải cảm thấy giật mình khi thấy hình ảnh của mình trong những người như con trai, con gái hay con dâu, con rể của ông Phương. Xem xong, tôi tin họ sẽ có những cách nhìn nhân ái hơn, quan tâm hơn tới ông bà, cha mẹ”.

Còn bà Vui (NSƯT Minh Vượng), người hàng xóm thấu hiểu và thông cảm với ông Phương và gia đình ông. Lối diễn tưng tửng, diễn mà như không diễn của Minh Vượng đã chiếm trọn cảm tình của người xem. Nhiều đồng nghiệp và khán giả hâm mộ Minh Vượng đều cho rằng ở vai bà Vui, bà đã thật sự diễn rút ruột, rút gan và thậm chí mang cả hình ảnh thật của con người ngoài đời lên phim. NSƯT Minh Vượng nói: “Nhân vật bà Vui trong phim có những điểm trùng lặp với cuộc sống đời thật của tôi như sống một mình không chồng, không con, cũng bệnh tật, cũng thích thơ văn và cũng hay “để tâm” tới những người xung quanh mình. Nhưng đó chỉ là vô tình thôi. Điều mà tôi tâm đắc, đó là bộ phim mang tình người vô cùng ấm áp”.

Có thể thấy sau mỗi tập, Trở về giữa yêu thương luôn được lọt vào top tìm kiếm trên các cổng thông tin, mạng xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt là facebook của các nghệ sĩ sắm vai các nhân vật luôn có nhiều khán giả hâm mộ bình luận, chia sẻ các quan điểm về từng nhân vật, từng tình tiết diễn biến của phim. Đơn cử như diễn viên Phạm Anh Tuấn (vai Toàn) còn bị khán giả vào facebook liên tục “ném đá”, thậm chí mắng chửi bởi lẽ nhân vật Toàn là tổng hợp những tính xấu của một bộ phận đàn ông. Phạm Anh Tuấn chia sẻ: “Không chỉ khán giả đâu mà chính tôi cũng còn ghét nhân vật Toàn. Thực ra tôi ngoài đời vẫn chưa thực sự hoàn hảo, nhưng để đến mức như Toàn thì hơi quá đáng”.

Tạo được cảm xúc với người xem, thành công của bộ phim Trở về giữa yêu thương thêm một lần khẳng định việc khai thác đề tài về gia đình là vô cùng có ý nghĩa, không chỉ đơn thuần là một bộ phim hay giải trí mà còn có giá trị tác động vào nhận thức, thậm chí còn làm thay đổi cả hành động của không ít con người ở ngoài đời thực, khiến họ muốn làm những điều tốt đẹp hơn cho cha mẹ, cho con cái và cho cả những người xung quanh mình. 

THÚY HIỀN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top