Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

29 Tháng Ba 2024

Vì sao trẻ em Việt mãi thấp còi?

Thứ Sáu 29/09/2017 | 15:44 GMT+7

VH- Trong 30 năm qua, tỷ lệ biến đổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm ngoạn mục từ 51% xuống 14%, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ giảm một nửa, từ 59,7% xuống 26%. Người dân đã có ý thức thay đổi “tầm vóc” cho con cháu, tuy nhiên đã có rất nhiều phương pháp sai lầm, và đến nay, chiều cao của người Việt vẫn đứng trong top 20 quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới.

Theo công bố mới nhất tháng 7.2016, nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, nữ giới đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới. Đây là thông tin vừa được đưa ra tại hội thảo khoa học tầm vóc cơ thể và một số yếu tố tăng trưởng chiều cao do Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổ chức.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, ở những cộng đồng khác nhau thì yếu tố di truyền cũng sẽ ảnh hưởng khác nhau đến chiều cao khi trưởng thành. Chẳng hạn tại các quốc gia châu Âu hoặc Bắc Mỹ, di truyền có thể ảnh hưởng tới 80% chiều cao khi trưởng thành, trong khi tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, di truyền chỉ quyết định khoảng 65% chiều cao khi trưởng thành. Có khoảng hơn 400 gen khác nhau ảnh hưởng đến chiều cao của con người, trong số đó có 83 gen có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiều cao. “Yếu tố gen lên chiều cao sẽ tăng dần theo tuổi và sẽ gây ra ảnh hưởng lớn nhất ở độ tuổi vị thành niên, quyết định tới 83% chiều cao ở trẻ trai và 76% ở trẻ gái. 20-40% chiều cao khi trưởng thành được quyết định bởi các yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất chính là dinh dưỡng”, TS Trương Hồng Sơn cho hay. Ngoài ra, một vài yếu tố quan trọng nữa cũng ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ em là các yếu tố bệnh tật như bệnh truyền nhiễm, giun sán, bệnh đường hô hấp; vai trò của giấc ngủ; luyện tập thể thao…
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng người Việt trong vòng 34 năm qua (1975-2009) cho thấy, chiều cao trung bình của nam giới tăng 4,4 cm (từ 1,6m lên 1,64,4m), chiều cao trung bình của nữ giới tăng 3,4 cm (từ 1,5m lên 1,53,4m). Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng thấp, so với các nước châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Iran - nơi mà nữ giới chênh lệch giữa quần thể cao nhất và thấp nhất thế giới khoảng 19-20cm; còn chênh lệch của Việt Nam là xấp xỉ 30cm. Trong 100 năm qua, mức tăng chiều cao trung bình lớn nhất là nữ giới Hàn Quốc (tăng 20,2 cm), nam giới Iran (tăng 16,5 cm), còn nữ giới Việt Nam tăng 8,8cm, nam giới tăng 9,1 cm.
Những năm 2005-2010, chương trình suy dinh dưỡng quốc gia đưa chỉ tiêu suy dinh dưỡng thấp còi lên vị trí số 1 và chiều cao là vị trí thứ hai. Nhưng từ năm 2010, Việt Nam đã đưa vấn đề chiều cao lên vị trí số 1. Nhận thức về nâng cao thể trạng và tầm vóc của người Việt đã trở thành vấn đề quan trọng của các bậc cha mẹ, đặc biệt là ở thành thị, nhưng kiến thức về vấn đề này nhiều người lại rất hạn chế, thậm chí là sai lầm. Chẳng hạn, có nhiều bà mẹ cho rằng muốn con cao lớn thì phải có đầy đủ dinh dưỡng, và con phải to khỏe, và cho trẻ ăn bất cứ những gì mà trẻ thích (nước ngọt, đồ ăn nhanh…). Cùng với nếp sinh hoạt, thói quen thích xem tivi, ipad, ít vận động dẫn đến hậu quả là trẻ bị béo phì. Tỉ lệ học sinh béo phì ở TP HCM là 50% còn ở Hà Nội thì thấp hơn. Hoặc có gia đình cho trẻ uống canxi để mong tăng chiều cao, nhưng theo PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia canxi chỉ có tác dụng khi có vitamin D, nếu trẻ chỉ uống canxi mà không được chạy chơi dưới ánh nắng mặt trời, không được uống vitamin D thì canxi sẽ không được tích tụ mà dễ bị đào thải qua nước tiểu.
Bà Mai cũng cho hay, kết quả nghiên cứu mới nhất năm 2015, cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng, cứ 10 trẻ có bảy trẻ thiếu kẽm, cứ hai trẻ có một trẻ thiếu máu. Điều này khẳng định tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cũng trong tình trạng cảnh báo. Tại hội thảo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam thông tin về vai trò của vitamin K2 – loại vitamin gần đây mới được các nghiên cứu chứng minh có hiệu quả trong việc giúp xương chắc khỏe hơn, giúp gắn canxi vào xương và ngăn chặn canxi lắng đọng tại các mô mềm, thành mạch máu, do vậy có tác dụng làm tăng mật độ xương, giảm tốc độ loãng xương và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Các nhà khoa học khuyến nghị, ngoài các vi chất dinh dưỡng được biết đến phổ biến như canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D thì vitamin K, đặc biệt là vitamin K2 là vi chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ nhưng thường ít được biết đến. Khi nạp vitamin D, cơ thể sẽ tạo ra nhiều protein phụ thuộc vào vitamin K2 giúp vận chuyển canxi và hai loại vi chất này sẽ hoạt động phối hợp với nhau giúp xương chắc khỏe.


Thanh Lan
 

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top