Lặng nghe những người khuyết tật kể chuyện hôn nhân

VH- Câu chuyện đầy cảm động của những cặp vợ chồng khuyết tật mới được khơi dậy trong chương trình giao lưu Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật - Điểm tựa tình yêu vừa diễn ra tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội) đã làm không ít người rơi nước mắt trước những rào cản, khó khăn mà người khuyết tật gặp phải, đặc biệt là trong tình yêu...

 Những rào cản là có thật...
Trong nhiều rào cản mà người khuyết tật gặp phải thì có một rào cản vô hình khó vượt qua, đó là sự kỳ thị, phân biệt đối xử khiến người khuyết tật luôn mặc cảm, sống khép mình không muốn giao tiếp xã hội. Chia sẻ tình yêu của người chồng lành lặn dành cho mình, một người vợ khuyết tật, chị Phan Thị Gái (sinh năm 1987) tâm sự trong nước mắt: “Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh em ở vùng sâu vùng xa. Năm 7 tuổi thị lực suy yếu dần nhưng vì gia đình khó khăn nên 11 tuổi tôi bị mù hẳn. Tuyệt vọng khi mắt mình chỉ là một màu đen, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình còn có hạnh phúc nữa, nhất là hạnh phúc gia đình”. Sau đó chị Gái được đưa vào Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh. Bằng nỗ lực của mình chị được tham gia các giải thi đấu toàn quốc và dự Paralympic tại Indonesia. Từ năm 2005 đến 2012, năm nào chị cũng đoạt huy chương. Trong chương trình giao lưu, hình ảnh chị Gái xinh đẹp, duyên dáng cất tiếng hát thật ngọt ngào và chồng chị, anh Phạm Ngọc Tá (sinh năm 1973) nắm tay chị thật chặt thật cảm động. Anh Tá chia sẻ: “Người khuyết tật và người bình thường luôn có ranh giới bởi môi trường sống cho tới sinh hoạt thường ngày. Nhưng khi yêu nhau rồi thì những ranh giới đó hoàn toàn biết mất. Rào cản mà tôi phải vượt qua chính là giúp cho vợ tôi vượt qua những mặc cảm và sự tự ti là người khuyết tật. Bí quyết giữ gìn hạnh phúc của vợ chồng tôi thật đơn giản, tôi luôn ý thức rằng vợ mình bị khiếm thị như vậy thì mình càng phải cần hơn tình thương và sự sẻ chia của chồng. Sự khiếm khuyết về thể xác không quan trọng khi hai trái tim đồng điệu”.
Cũng là người khiếm thị nhưng chị Đỗ Thúy Hà (sinh 1981) đã nỗ lực vượt qua những khiếm khuyết của mình, học tiếng Anh rất giỏi, rồi được nhận học bổng về kỹ năng lãnh đạo, liên hệ với các dự án hỗ trợ giúp đỡ những người cùng cảnh khuyết tật như mình. Chị lấy chồng là anh Đỗ Ngọc Anh (sinh 1974) cũng là một cán bộ nhà nước luôn thấu hiểu và chia sẻ với mình. Trong chương trình giao lưu, anh Ngọc Anh nói: “Vợ chồng tôi biết nhau qua giao lưu bạn bè. Ngay từ lần đầu tiên gặp Hà, tôi đã cảm nhận được ý chí và nghị lực của vợ mình. Khi yêu tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh và thế giới của những người khuyết tật và thấy cảm thông, chia sẻ hơn. Và như thế càng cảm thấy cảm phục hơn. Người bình thường làm một công việc gì có khi chỉ mất một, hai lần thì với những người khuyết tật phải làm tới 10 lần và hơn nhiều nữa... Hà là một người vợ lại bị khuyết tật nhưng không hề thua kém gì về vị trí, công việc và cả làm kinh tế. Xã hội bây giờ nam nữ bình quyền và gia đình tôi cũng vậy, cả hai đều rất bình đẳng”. Thật cảm động khi hai vợ chồng chị Hà, anh Ngọc Anh cùng xuất hiện trong bộ quần áo đồng màu. Chị Hà mặc một chiếc áo dài đỏ rất duyên dáng mà theo bật mí của anh Ngọc Anh thì anh là người tả màu sắc, kiểu cách và chị là người lựa chọn.
Câu chuyện của chị Lê Thị Phương (tỉnh Thanh Hóa) là vợ thương binh nặng Lê Hồng Cư, bị tật 2 chân không đi lại được với thương tật 81% cũng thật cảm động. Chị đến khi anh ở hoàn cảnh khó khăn, vợ mất sớm, một mình chăm sóc 3 con nhỏ, bản thân lại thường xuyên đau ốm, đứa con thứ 3 còn quá nhỏ mới một năm tuổi khi chị đến với anh. Thương cảm với hoàn cảnh của anh, chị Phương vừa chăm sóc anh, vừa chăm lo cho các con ăn học nên người và gác bỏ nhu cầu được sinh thêm một đứa con chung. Được sự nuôi dưỡng, dạy dỗ của chị, đến nay một cháu đang theo học năm thứ hai Đại học công nghệ thông tin, một cháu đang học Cao đẳng du lịch.

Lặng nghe những người khuyết tật kể chuyện hôn nhân - Anh 1

 Vợ chồng chị Đỗ Thúy Hà và anh Đỗ Ngọc Anh


Những cặp đôi khuyết tật nhưng hoàn hảo giữa đời thường

Chia sẻ về duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Điệu, anh Nguyễn Trần Khiêm (Bình Định) nhớ lại những ngày Chi hội người khuyết tật Niềm tin của anh tổ chức dạy tin học cho các thành viên trong chi hội mà chị là thành viên. Khi đó, thầy Khiêm đã cảm mến cô học trò chịu thương, chịu khó. Sau một năm kiên trì theo đuổi, chị mới nhận lời anh. Anh là người mồ côi cha từ nhỏ, đôi chân lại bị tật teo tóp không thể đi lại. Chị vì tai nạn cũng trở thành khuyết tật, phải đeo chân giả. Hiện nay, anh là Chi hội trưởng Chi hội Người khuyết tật Niềm tin, sáng lập nhiều nhóm tự lực của người khuyết tật tại địa phương như: nhóm sửa chữa máy tính, nhóm mộc - nề dân dụng, nhóm gia công làm chổi đót và nhóm dịch vụ tin học… để cùng hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Bé Nguyễn Văn Khương, con trai lớn của anh chị không giấu nổi niềm tự hào về cha mẹ mình. Khi nói về bố mẹ mình, cậu bé Khương hãnh diện nói: “Ba mẹ con chăm sóc hai anh em con rất tốt. Luôn dạy chúng con cố gắng học hỏi. Ba mẹ con rất phi thường”.
Nhiều người cho rằng việc kết hôn với người khuyết tật đồng nghĩa với khó khăn chồng chất khó khăn, khó đảm bảo cuộc sống cho gia đình, nuôi con rất vất vả, có nhiều khả năng sinh con bị dị tật bẩm sinh, thiếu sự thông cảm chia sẻ từ vợ hoặc chồng... Thế nhưng những cặp vợ chồng khuyết tật trong chương trình Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật - Điểm tựa tình yêu đã chứng minh hoàn toàn ngược lại, nếu có tình yêu, sự dũng cảm đón nhận thì hạnh phúc sẽ tới với họ. Để “một nửa” của mình cống hiến cho cộng đồng, họ dám sống với hạnh phúc của mình, dám vượt lên nghịch cảnh để thành công, đó là những hạnh phúc giản dị mà đáng ngưỡng mộ.


Hiền Lương
 

Ý kiến bạn đọc