Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

29 Tháng Ba 2024

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình: Cơ sở xây dựng gia đình hạnh phúc

Thứ Sáu 11/02/2022 | 11:01 GMT+7

VHO- Bộ VHTTDL vừa ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, áp dụng cho các thành viên gia đình gồm: Vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể… Đó là những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) Trần Tuyết Ánh đã có cuộc trao đổi với Văn Hóa xung quanh ý nghĩa của việc Ban hành Bộ tiêu chí ứng xử này.

 Vụ trưởng Vụ gia đình Trần Tuyết Ánh

 Nhắc nhở điều chỉnh lại hành vi

Thưa bà, trước khi ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên toàn quốc thì đã có một số tỉnh, thành được Bộ VHTTDL lựa chọn triển khai thí điểm. Bà đánh giá như thế nào về việc triển khai thực hiện ở các địa phương này?

- Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh: Trong 2 năm 2020 và 2021, Bộ VHTTDL đã tổ chức triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên 12 tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi một miền chọn 4 tỉnh để thí điểm. Nhìn lại kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện cho thấy, đây là một cách làm hiệu quả mang lại sự bền vững có tính chất lâu dài để ổn định hạnh phúc gia đình cũng như góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc. Trước đây khi nói tới khái niệm gia đình hạnh phúc thì có rất nhiều những định nghĩa và cũng như rất nhiều những góc độ khác nhau, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã giúp cho các gia đình và xã hội “định vị” một cách rõ ràng hơn về những nội dung cụ thể với các tiêu chí của từng mối quan hệ trong gia đình. Cụ thể như Tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thủy, nghĩa tình: Vợ chồng có tình cảm trước sau như một, không thay đổi; chăm sóc nhau, cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình. Lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung, hòa nhã với nhau.

Nhìn vào những nội dung và tiêu chí của từng mối quan hệ, các địa phương nói chung và mỗi gia đình nói riêng có thể căn cứ để thực hiện rất rõ ràng. Việc tuyên truyền, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã tác động tới hành vi và nhận thức của các thành viên trong các gia đình tham gia thí điểm, đồng thời mang lại hiệu quả rõ rệt, điều tiết các mối quan hệ trong mỗi gia đình. Lối ứng xử đẹp trong gia đình sẽ tác động đến nhiều môi trường xã hội khác. Thí dụ, những người làm công việc kinh doanh ở những nơi có hoạt động du lịch, khi tham gia vào Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình họ cũng sẽ thay đổi nhiều về cách ứng xử với du khách để hạn chế tối đa những điều không tích cực. Rồi trong các gia đình có bố mẹ làm công nhân, áp lực về gánh nặng áo cơm nặng nề hơn và không có nhiều thời gian để gặp gỡ nhau thường xuyên, sợi dây liên kết trong gia đình bị lỏng lẻo... Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ nhắc nhở họ điều chỉnh lại hành vi của mình.

Nhận thấy sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực khi thực hiện Bộ tiêu chí ở các địa phương thí điểm, nhiều địa phương đã chủ động thực hiện theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL bằng nguồn ngân sách địa phương.

 Lễ phát động thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại tỉnh Cao Bằng

Nhiều mô hình sáng tạo

Thưa bà, làm theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vẫn còn là điều mới mẻ với nhiều gia đình, liệu họ có sẵn sàng để “vào cuộc” khi địa phương phát động thực hiện?

- Qua theo dõi ở các địa phương thực triển khai thí điểm Bộ tiêu chí trong gia đình, từ lễ phát động cho tới tổng kết, chúng tôi thấy rằng các hộ dân tham gia với tinh thần tự giác và hào hứng, ai cũng mong muốn tạo nên những ứng xử đẹp, gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau.

Thật ra những nội dung nêu trong Bộ tiêu chí là sự kế thừa những truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại từ ngàn đời, đó là kính trên nhường dưới, con cháu hiếu thảo với ông bà và cha mẹ... Sự ra đời của Bộ tiêu chí chỉ là cách để nhắc nhở, đồng thời để các thành viên trong gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ ý thức hơn về cách giao tiếp, chia sẻ lẫn nhau. Xã hội nào cũng có cái tốt, cái xấu đan xen. Chúng ta cần nỗ lực hết sức để loại bỏ những tác động tiêu cực, truyền tải những nguồn thông tin tích cực. Đơn cử, một đứa trẻ được giáo dục văn minh từ gia đình thì khi tham gia giao thông, lỡ va chạm với người khác sẽ ứng xử rất văn minh. Những người không được dạy bảo tốt thì thường có những ứng xử không được văn minh như chửi bới, xô xát...

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ VHTTDL ban hành nhằm vận động, tuyên truyền, giáo dục, định hướng... Cũng bởi vậy, hình thức phổ biến chủ yếu là truyền thông qua loa đài, truyền hình, báo chí, in tờ rơi... Các tỉnh, thành phố cũng có thể in tờ rơi phát cho mỗi nhà, có hình thức khen thưởng, tổng kết, biểu dương cho những gia đình gương mẫu, thực hiện tốt. Tôi nghĩ, hiệu quả thực hiện tới đâu, tùy thuộc rất lớn vào các địa phương. Có những địa phương thực hiện rất sáng tạo về việc triển khai, đã khéo léo lồng ghép việc tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình bằng việc nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình Phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ Cha mẹ, CLB Gia đình phát triển bền vững khuyến khích và nhân rộng các mô hình gia đình phát triển bền vững như: Gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, gia đình hiếu học... tạo điều kiện cho gia đình có đủ năng lực để thực hiện tốt các chức năng cơ bản của mình.

Thưa bà, thời gian qua, nhiều vụ bạo hành trong gia đình gây bức xúc trong xã hội xảy ra trên cả nước. Theo bà “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” sẽ góp phần hạn chế những tác động tiêu cực đó?

- Đúng vậy, chúng ta đều đau xót khi chứng kiến quá nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến bạo lực gia đình, nhất là bạo hành trẻ em. Từ vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành đến chết ở TP.HCM, rồi bé 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng 9 cái đinh vào đầu... và cả sự việc cô gái 21 tuổi giết bố bằng chất hóa học rồi đổ bê tông phi tang ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Những sự việc này không phải bây giờ mới xảy ra mà đã âm ỉ từ lâu và nó đều có liên quan đến chuyện xuống cấp đạo đức trong gia đình. Đạo đức là gốc của con người nhưng cũng là gốc của xã hội. Chính vì thế, tôi cũng kỳ vọng, khi ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong các khu phố, khu dân cư, khu công xưởng và các khu công cộng sẽ có sự lan tỏa. Dĩ nhiên, để điều này thực sự lan tỏa và ngấm sâu vào từng cá nhân thì cần phải có một quá trình. Cộng thêm đó, có sự chung tay của truyền thông - báo chí, tôi hy vọng mọi người sẽ có sự điều chỉnh dần dần.

Bộ VHTTDL ban hành triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Thông qua việc ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, chúng tôi cũng mong rằng các hành vi bạo lực trong gia đình sẽ ngày càng giảm. Đạo đức là gốc của con người, gia đình là gốc của xã hội. Cần một quá trình chia sẻ, tuyên truyền thật rộng rãi để những điều tốt đẹp được nhân rộng trong chúng ta.

 Cảm ơn những chia sẻ của bà!

 HIỀN LƯƠNG (thực hiện)

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top