Hiệu ứng tích cực cho du lịch Bắc Giang

VHO - Việc triển khai thực hiện đồng bộ Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” từ tỉnh đến cơ sở đã tạo hiệu ứng tích cực, với phong trào thi đua rộng khắp, mang lại hiệu quả rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang.

Hiệu ứng tích cực cho du lịch Bắc Giang - Anh 1

 Câu lạc bộ hát múa dân tộc Cao Lan

Bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng

Năm 2023, với nguồn vốn hơn 18 tỉ đồng (15 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, 3 tỉ đồng vốn huy động), tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ, đầu tư cho các địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển du lịch.

Trước đó, nguồn vốn đầu tư phát triển đã được dùng để hỗ trợ đầu tư xây dựng 10 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, huyện Sơn Động được hỗ trợ 7 điểm gồm: Du lịch Cộng đồng xã An Lạc, bản Mậu (thị trấn Tây Yên Tử), bản Nà Hin (xã Vân Sơn), bản Nà Ó (xã An Lạc); Du lịch sinh thái Núi Mục - Ba Tia (thị trấn Tây Yên Tử), Hồ Khe Chảo (xã Long Sơn), Khe Nương Dâu (xã Tuấn Đạo). Huyện Yên Thế được hỗ trợ 2 điểm: Du lịch cộng đồng bản Ven, Khu du lịch Xuân Lung - Thác Ngà (xã Xuân Lương) và huyện Lục Ngạn được hỗ trợ 1 điểm, Du lịch cộng đồng vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn.

Cũng từ nguồn vốn đầu tư phát triển đã hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế; hỗ trợ xây dựng 2 mô hình bảo tàng sinh thái trên địa bàn huyện Sơn Động và Lục Ngạn nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, hướng tới phát triển cộng đồng và phát triển du lịch; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện Yên Thế, Lục Ngạn, Lục Nam…

Nguồn vốn sự nghiệp cũng đã triển khai 9 nội dung, tiêu biểu như: Khảo sát, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày di sản văn hóa truyền thống dân tộc Cao Lan, Sán Chí; tổ chức bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể (lễ hội, mô hình văn hóa truyền thống tại các địa phương nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch…); tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, sinh hoạt văn hóa dân gian…

Năm 2023, tỉnh Bắc Giang cũng đã triển khai nhiều nội dung thuộc Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Hiệu ứng tích cực cho du lịch Bắc Giang - Anh 2

 Khách du lịch trải nghiệm ở đồi chè bản Ven, huyện Yên Thế

Khôi phục làng nghề truyền thống

Từ năm 2022 đến nay, Sở VHTTDL Bắc Giang và UBND các huyện thực hiện việc hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích đối với các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia tiêu biểu trên địa bàn huyện Yên Thế; bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể tại huyện Sơn Động; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa dân gian (Sơn Động 1 lớp; Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, mỗi huyện 2 lớp); hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ truyền thống (Sơn Động, Lục Ngạn, mỗi huyện 5 Đội); hỗ trợ bảo tồn nghề truyền thống. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số.

Bà Nguyễn Thị Năm, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Lục Ngạn cho biết, năm 2023 Dự án 6 đã hỗ trợ sửa chữa, trang thiết bị cho các nhà văn hoá; truyền dạy văn hoá dân gian; hoạt động của các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống…

Tại xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn có 7 dân tộc anh em đang sinh sống, trong đó người Sán Chí (nhóm địa phương thuộc dân tộc Sán Chay) chiếm đa số. Đồng bào nơi đây còn lưu giữ được nhiều phong tục truyền thống, với nghề đan sung (tay nải, túi đựng đồ khi đi hội, đi làm, đi chợ…) đặc trưng. Người Sán Chí ở xã Kiên Lao say mê và tự hào vì còn duy trì được bản sắc truyền thống thông qua việc tự làm thủ công những chiếc sung. Đây là những vật dụng có ý nghĩa quan trọng, nó không chỉ là vật dụng đựng đồ đạc mà còn được xem như là trang sức của phụ nữ, nên việc làm sung được đồng bào Sán Chí bảo tồn rất tốt và rất chăm chút cho công việc này.

Xác định đây là nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, những năm qua UBND xã Kiên Lao đã dành kinh phí tổ chức lớp dạy đan sung, giới thiệu nghề truyền thống trong các lễ hội. Đó chính là một trong những cách người dân tộc Sán Chí giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Qua đó tạo ý thức sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày.

Bà Nguyễn Thị Năm chia sẻ: “Với mong muốn bảo tồn, phát huy nghề truyền thống đặc trưng của bà con đồng bào Sán Chí xã Kiên Lao, chúng tôi hi vọng nghề này sẽ được hỗ trợ từ Dự án 6 để có cơ hội phát triển, hướng tới xây dựng thành sản phẩm du lịch, làm quà tặng lưu niệm của du khách khi tới Lục Ngạn”. 

 ĐÌNH KIÊN; ảnh: THANH LUÂN

Ý kiến bạn đọc