Du lịch khởi sắc từ đầu năm mới

VHO - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ước tính, 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết, tức 8 - 14.2), cả nước ước phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 16,6% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023), trong đó khách có lưu trú ước đạt 3,5 triệu lượt.

Du lịch khởi sắc từ đầu năm mới - Anh 1

 Đỉnh Fansipan đông nghẹt khách 

 Khách lưu trú tăng 75% 
Trong tổng số khách nội địa dịp Tết Giáp Thìn, khách có lưu trú ước đạt 3,5 triệu lượt (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình ước đạt khoảng từ 45 - 50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (trong đó cơ sở lưu trú du lịch cao cấp từ 4 - 5 sao ở một số địa phương trọng điểm du lịch đạt công suất cao hơn, tập trung vào các ngày mùng 3, 4 Tết). Giá phòng dịp Tết Giáp Thìn tăng từ 5 - 10%, không xảy ra tình trạng cháy phòng, bán sai giá niêm yết. 
Mặc dù, trước Tết Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chịu đợt rét đậm, rét hại nhưng ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 Tết, thời tiết khô ráo, nắng ấm khắp cả nước. Thời tiết lý tưởng để người dân du Xuân, chơi Tết. Ngay những ngày cuối tháng Chạp, người dân đã xuất hành khai xuân và nhiều gia đình chọn đón giao thừa ở các điểm đến du lịch. 
Vẫn như mọi năm, các điểm đến được du khách lựa chọn hàng đầu là vùng Đông Bắc và Tây Bắc, nơi tràn ngập các loài hoa mùa Xuân như đào, mơ, mận, lê, cải… Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái là những điểm đắt khách. Những khu điểm du lịch văn hóa, lịch sử - tâm linh, sinh thái ở phía Nam và Tây Nguyên; các khu nghỉ dưỡng biển miền Trung cũng là lựa chọn của nhiều du khách. 
Nhiều khách du lịch chọn các tour du lịch nước ngoài tới các nước khu vực châu Á là các điểm đến quen thuộc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào... Nhìn chung, giá tour tới các nước này rẻ so với giá tour và vé máy bay trong nước, phù hợp với túi tiền của du khách Việt Nam. 

Du lịch khởi sắc từ đầu năm mới - Anh 2

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam dịp Tết Giáp Thìn tăng cao

Tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ 
Để đón lượng khách lớn dịp Tết Nguyên đán, các địa phương đã chủ động làm mới sản phẩm, chỉnh trang các khu, điểm du lịch và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, tập trung vào khai thác nét văn hóa đặc trưng của từng địa phương. 
Theo báo cáo của các địa phương, lượng khách du lịch so với cùng kỳ 2023 tăng ở nhiều nơi như: Quảng Ninh ước đón và phục vụ 803.570 lượt khách, tăng 56%; Hà Nội ước đón và phục vụ 653.000 lượt khách, tăng 21,6%; Thanh Hóa ước đón và phục vụ 635.000 lượt khách, tăng 48,7%; Khánh Hòa ước đón và phục vụ 630.300 lượt khách, tăng 25,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón và phục vụ 592.650 lượt khách, tăng 36%; Ninh Bình ước đón và phục vụ 580.000 lượt khách, tăng 46%; Đà Nẵng ước đón và phục vụ 402.000 lượt khách, tăng 37%; Quảng Nam ước đón và phục vụ 305.000 lượt khách, tăng 35%; Kiên Giang ước đón và phục vụ 270.230 lượt khách, tăng 26,4%... TP.HCM dẫn đầu cả nước khi đón lượng khách tham quan, du lịch tới các điểm vui chơi, giải trí, khu điểm du lịch… đạt khoảng 1,8 triệu lượt, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 6.550 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. 
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam dịp Tết Nguyên đán tăng so với cùng kỳ năm 2023. Các điểm đến được khách quốc tế yêu thích, lựa chọn là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Bình, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Ghi nhận tại các địa phương cho thấy: Đà Nẵng ước đón gần 177.000 lượt; Hà Nội ước đón gần 103.000 lượt khách, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; Ninh Bình ước đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam ước đón 97.000 lượt, tăng 42%; Quảng Ninh ước đón 89.767 lượt; TP.HCM ước đón 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023; Kiên Giang ước đón 44.370 lượt, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2023; Lâm Đồng ước đón 20.000 lượt… Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng so với dịp Tết Dương lịch 2024 và cùng kỳ năm 2023 nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương và hoạt động xúc tiến, quảng bá được triển khai rộng khắp. 

Du lịch khởi sắc từ đầu năm mới - Anh 3

Đường hoa Nguyễn Huệ - TP.HCM thu hút đông đảo du khách 

Đặc biệt, năm nay lượng khách tàu biển chọn Việt Nam là điểm đến dịp Tết cổ truyền rất nhiều, có đoàn vài nghìn khách. Các đoàn khách tàu biển liên tục cập cảng Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Huế… dịp Tết, báo hiệu một năm nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh thị trường khách tàu biển. 
Một số địa phương như Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh… đã chủ động phối hợp cùng các hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành tổ chức các sự kiện chào đón khách quốc tế tới “xông đất” đầu năm, qua đó khẳng định hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, mến khách và dịch vụ sản phẩm du lịch chất lượng cao. 
Tần suất chuyến bay tăng phục vụ nhu cầu di chuyển của du khách dịp Tết Nguyên đán, đáp ứng nhu cầu du lịch và thăm thân của người dân. Nhiều hãng lữ hành chủ động xây dựng các tour du lịch, lịch trình phục vụ khách dịp Tết Nguyên đán với nhiều sự lựa chọn, nổi bật ưu thế vùng miền, liên kết các điểm đến, đa dạng hoá dịch vụ, tăng trải nghiệm cho du khách. 
Mặc dù lượng khách tăng nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột ở một số nơi trên thế giới và nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn sau dịch Covid-19 nên sức mua của du khách vài nơi có xu hướng giảm. Mức chi tiêu của khách du lịch trong và ngoài nước đều hạn chế, chủ yếu ở mức trung và đặt dịch vụ nhỏ lẻ, tự mua vé máy bay, phòng khách sạn, nhiều gia đình, nhóm bạn bè chọn tour ngắn ngày bằng xe tự lái. 
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, ngành Du lịch tiếp tục triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược Marketing Du lịch Việt Nam đến năm 2030; phối hợp chuẩn bị tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2024; phối hợp tổ chức các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024; triển khai thực hiện Công điện 06/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

 Xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện 
Tại cuộc gặp mặt đầu Xuân, triển khai nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn với lãnh đạo các Cục, Vụ, cơ quan đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu: “Tiếp tục tăng cường quản lý điểm đến và thực hiện tốt hơn nữa nội dung quản lý nhà nước về du lịch, hướng dẫn các địa phương để đảm bảo vấn đề về tăng tốc du lịch, hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho ngành. Nhất là mục tiêu xây dựng điểm đến an toàn, môi trường thân thiện, xanh sạch đẹp, sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu”. 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng vui mừng cho biết, trong phiên họp Chính phủ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành nhiều lời khen, ghi nhận nỗ lực của Bộ VHTTDL trong quản lý lễ hội diễn ra an toàn đúng thuần phong mỹ tục, không có biểu hiện thương mại hóa. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân diễn ra sôi nổi, rộng khắp, góp phần vào các sự kiện chính trị quan trọng của quê hương đất nước. Du lịch có nhiều dấu hiệu tăng trưởng. Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực chung và mong muốn toàn ngành VHTTDL tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. 

 NGUYỄN ANH - ANH ĐÀO 

Ý kiến bạn đọc