Tây Ninh: Phát triển chưa tương xứng tiềm năng văn hóa, du lịch

VHO - Hôm nay 28.12, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững tỉnh Tây Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số”. Diễn đàn do Viện Khoa học xã hội (KHXH) vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phối hợp Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức.

Tây Ninh: Phát triển chưa tương xứng tiềm năng văn hóa, du lịch - Anh 1

Các đại biểu chủ trì Hội thảo

Theo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHXH vùng Nam Bộ, Hội thảo nhằm phân tích, nhìn nhận lại các tiềm năng, lợi thế đặc thù và cơ hội, thách thức của Tây Ninh hiện nay, từ đó có những kiến giải, góp phần tận dụng thời cơ, khắc phục khó khăn để vượt lên phát triển bằng các định hướng chiến lược và căn cứ khoa học, bền vững.

“Hội nhập quốc tế và chuyển đổi số hiện nay đã trở thành xu hướng tất yếu, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức và tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Để phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, đòi hỏi các địa phương phải có các giải pháp căn cơ trên cả 3 phương diện: Kinh tế, xã hội và môi trường”, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cho biết.

Năm 2022, Tây Ninh xếp thứ 15 trong số 63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn hiện nay, với định hướng các trục hành lang phát triển với con đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và vị trí địa kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng quan trọng, tạo ra cho Tây Ninh những cơ hội mới trong phát triển một cách nhanh, bền vững.

Tây Ninh: Phát triển chưa tương xứng tiềm năng văn hóa, du lịch - Anh 2

Núi Bà Đen là điểm tham quan quan trọng đối với du khách khi đến địa phương này

Nghiên cứu về tiềm năng di sản ở địa phương, ông Nguyễn Thanh Lợi, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM cho biết, đến nay, trên địa bàn Tây Ninh đã phát hiện trên 50 di tích kiến trúc tôn giáo phân bố trên không gian rộng. Hiện, tỉnh có 95 di tích đã được xếp hạng, với 1 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh. Số lượng di sản văn hóa phi vật thể ở Tây Ninh không nhiều nhưng tiêu biểu cho những đặc trưng văn hóa của vùng đất: Đờn ca tài tử, Lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc, múa trống Chhay-dăm (Khmer), Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, Lễ hội Quan Lớn Trà Vong, nghề làm bánh tráng phơi sương, nghề làm muối ớt. 

“Bản sắc văn hóa địa phương có được khai thác đúng hướng với những ưu thế của nó hay không? Tây Ninh có thế mạnh về du lịch tâm linh với hai điểm tham quan quan trọng là núi Bà Đen và Tòa Thánh Tây Ninh, nhưng tài nguyên du lịch đâu chỉ có chừng ấy, vẫn còn những di sản khác cũng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo như như chùa Phước Lưu, nhà thờ Tha La, đình Gia Lộc, đền thờ Đặng Văn Trước, các chùa Khmer, nhà cổ… gần như chưa được khai thác”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi bày tỏ. 

Tây Ninh: Phát triển chưa tương xứng tiềm năng văn hóa, du lịch - Anh 3

Tòa Thánh Tây Ninh 

Theo chuyên gia, ngay như cách khai thác du lịch ở núi Bà Đen hiện nay cũng có vấn đề. Hệ thống cáp treo giúp cho du khách dễ tiếp cận danh thắng này hơn nhưng việc dựng tượng Quan Âm trên đỉnh núi liệu có phù hợp không, với cái tên xa lạ “Tây Bổ Đà Sơn” của một ngôi chùa ở miền Bắc. 

Núi Bà Đen đã là ngọn “núi thiêng”, gắn với cơ sở thờ tự, truyền thuyết về Bà Đen từ mấy trăm năm nay với các lớp văn hóa chồng xếp lên nhau. Phát triển du lịch cần tôn trọng văn hóa bản địa, đặc biệt những vấn đề đã ăn sâu vào tâm thức địa phương. Các di sản văn hóa khi đưa vào khai thác du lịch luôn đứng trước những thách thức giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, khiến cho chúng rất dễ bị tổn thương bởi bàn tay quy hoạch theo hướng khai thác tối đa lợi nhuận, bất chấp sự tồn vong của di sản. 

TS Nguyễn Danh Nam, Trường ĐH Công nghệ Đông Á, cho hay, theo thống kê của Sở VHTTDL tỉnh Tây Ninh, mỗi năm có hàng chục vạn du khách trong và ngoài đến với vùng đất thánh Tây Ninh. Tuy nhiên, hoạt động du lịch văn hoá tâm linh của tỉnh Tây Ninh chưa thực sự có những bước phát triển tương xứng tương xứng với tiềm năng, nguồn lực sẵn có. 

Tây Ninh: Phát triển chưa tương xứng tiềm năng văn hóa, du lịch - Anh 4

Di sản múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer Tây Ninh

Một trong những mục tiêu của phát triển du lịch văn hoá tâm linh của tỉnh đang được quan tâm đó là hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch. Bên cạnh các phương 
thức quảng bá, xúc tiến hiện có, cần quan tâm đến các phương thức mới, hiện đại và thu hút hơn nữa, đặc biệt là trong bối cảnh sự bùng nổ của công nghệ và chuyển đổi số. Tuy nhiên, các nghiên cứu về du lịch thực tế ảo tại Việt Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng rất thiếu vắng. 

Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số hiện nay, Tây Ninh cần có phương thức, cách làm mới, sáng tạo để tạo đà cho sự kích hoạt quá trình phát triển một cách bền vững, Theo đó, cần rà soát và hoàn thiện các thể chế chính sách, chiến lược; hoàn thiện chỉnh thể cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kết nối liên kết vùng và đặc biệt quan tâm hạ tầng số. Song song đó, cần nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số; xây dựng, phát triển kho dữ liệu số tạo thành kho dữ liệu lớn…

“Cần đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, nhất là bảo tàng tỉnh, vì đó là “gương mặt lịch sử - văn hóa” của tỉnh nhà. Việc thiếu thiết chế này ảnh hưởng không ít đến việc phát huy các giá trị di sản ở tỉnh”, một nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc