Du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng: Cần đưa đề án vào thực tế

VHO - "Đề án Phát triển du lịch đường thủy nội địa của thành phố Đà Nẵng là sự cố gắng rất lớn, nhưng đề án sẽ mãi mãi là đề án nếu chúng ta không hành động”, đây là khẳng định của đại biểu Lê Văn Nghĩa - đại biểu HĐND đơn vị quận Liên Chiểu khi đề cập đến sự phát triển của du lịch đường thủy.

Theo ông Lê Văn Nghĩa, dù xác định du lịch là ngành mũi nhọn của thành phố nhưng thực tế cho thấy du lịch đường thủy nội địa chưa được khai thác một cách đúng mức. Các chủ chương, cơ chế, chính sách của thành phố về phát triển du lịch đường thủy nội địa cơ bản đầy đủ nhưng kết quả còn rất khiên tốn. 

“Từ lợi thế thiên nhiên ưu đãi, di tích văn hóa lịch sử, khoảng cách gần nhau là điều kiện rất tốt để du lịch  thủy nội địa phát triển. Trong bối cảnh các sản phẩm du lịch của thành phố đang bão hòa chưa có sự đột phá tạo lợi thế cạnh tranh thì du lịch thủy nội địa là hướng đi quan trọng của thành phố chúng ta, nếu không phát triển được là sự lãng phí vô cùng to lớn”, ông Nghĩa nói.

Du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng: Cần đưa đề án vào thực tế - Anh 1

Đà Nẵng đang đứng trước thách thức trong việc xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đường thủy để thu hút du khách

Cũng theo ông Nghĩa, sở dĩ du lịch đường thủy nội địa của Đà Nẵng mãi không được chuyển mình đột phá suốt thời gian dài là do các sở ban ngành, chức năng liên quan chưa phát huy hết trách nhiệm phối hợp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế. Nhiều hạng mục, dự án ưu tiên đến năm 2022 đều chậm tiến độ; hệ thống điểm đến trên các tuyến du lịch đường thủy chưa quan tâm; các đề án chính sách đã được ban hành nhưng chưa triển khai rộng rãi; kêu gọi xã hội đầu tư nhưng chưa đúng mức… dẫn đến kết quả không như mong  muốn. 

Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, trong thời gian qua đơn vị đã phối hợp với UBND các quận, huyện chủ trì triển khai các Đề án hình thành sản phẩm du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn, qua đó tạo đà để phát triển ngành du lịch này trong thời gian đến. Tính đến năm 2023,  thành phố đã có 19 doanh nghiệp với tổng số 26 tàu du lịch đủ điều kiện hoạt động từ 30 -100 chỗ trở lên với tổng sức chứa hơn 2.000 chỗ. Lượng khách du lịch đường thủy trong năm 2019 đạt 726.472 lượt; năm 2022 đạt 353.000 lượt khách, tăng 11,6 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 48% so với năm 2019. Theo chủ trương của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, trong giai đoạn 2021 - 2023 sẽ ưu tiên tập trung phát triển bảy tuyến đường thủy nội địa. 

Tuy nhận thấy du lịch đường thủy có nhiều nhu cầu và tiềm năng, nhưng trên thực tế hiện nay, du lịch đường thủy tại Đà Nẵng vẫn còn gặp những khó khăn trong việc đầu tư, kêu gọi đầu xây dựng một số bến thuỷ nội địa; việc điều chỉnh quy hoạch và đầu tư, xây dựng các cảng, bến thủy còn chậm, thủ tục kéo dài dẫn đến  nhiều dự án chưa được phê duyệt quy hoạch. Hạ tầng kỹ thuật đường thủy nội địa chưa có cảng biển chuyên dụng.

Du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng: Cần đưa đề án vào thực tế - Anh 2

Bến thủy nội địa CT15 tại bán đảo Sơn Trà là điểm du lịch thủy nội địa mới hấp dẫn, thu hút 

Ví dụ như cảng sông Hàn chỉ là cảng tạm cho du lịch. Một số quy định về vận tải đường thuỷ nội địa chưa phù hợp với thực tế, không đảm bảo điều kiện để doanh nghiệp khai thác các loại hình tàu thuỷ lưu trú du lịch hoặc tàu du lịch cao cấp, du thuyền dưới 30 chỗ trên tuyến Sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, Sông Hàn - Hòn Chảo, Sông Hàn - cửa biển - Bán đảo Sơn Trà, tuyến CT15 đi Bãi Đa để phục vụ phân khúc khách cao cấp. Bên cạnh đó, Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chưa thống nhất giải pháp phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hai địa phương cùng khai thác du lịch tại bãi Sủng Cỏ, bãi Mà Đa, Hòn Sơn Trà con (Hòn Chảo) trên tuyến Sông Hàn - Hòn Chảo. 

Mới đây, thành phố Đà Nẵng đã công bố tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa khu vực bán đảo Sơn Trà, lộ trình từ bến CT15 đi Hòn Sụp - Bãi Nam - Bãi Đa để làm phong phú thêm loại hình vận tải này. Nhiều doanh nghiệp mong muốn thành phố sớm có chủ trương hay hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện đầu tư bến thủy nội địa, bến nổi du thuyền, trung tâm dịch vụ du thuyền; các sản phẩm du lịch thủy nội địa đang được khuyến khích đầu tư đồng bộ để phục vụ du lịch; khoanh vùng đầu tư thể thao giải trí dưới nước… để doanh nghiệp nắm rõ và khai thác. Những người làm du lịch cho rằng cần có các giải pháp thiết thực hơn nữa, để đường thủy nội địa trở thành thế mạnh của ngành du lịch Đà Nẵng bên cạnh các sản phẩm hiện có. 

Để du lịch đường thủy của thành phố thực sự được khởi sắc, ông Lê Văn Nghĩa cho rằng riêng trách nhiệm của ngành du lịch là chưa đủ, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của thành phố và sự phối hợp của các địa phương. “Phải nhận thức đúng mức vai trò trách nhiệm phát huy vai trò của người lãnh đạo, cần có cam kết cụ thể về tiến độ; làm rõ nguồn lực để triển khai thực hiện mỗi giai đoạn cụ thể; phân bổ phù hợp về nguồn lực con người, đánh giá thực trạng về nguồn  nhân lực phục vụ du lịch đường thủy, từ đo đề xuất nguồn nhân lực bao nhiêu là đủ, đào tạo mới hay đào tạo lại”, ông Nghĩa đề xuất. 

MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc