Thống kê du lịch còn nhiều bất cập

VHO - “Bộ VHTTDL cần tăng cường rà soát các văn bản, nghị định triển khai luật Du lịch, kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện. Hiện nay việc thống kê khách du lịch đã được hướng dẫn thực hiện nhưng quá trình triển khai có rất nhiều bất cập”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết.

Thống kê du lịch còn nhiều bất cập - Anh 1

Hà Giang đã hình thành 3 không gian du lịch, mỗi không gian có nhiều sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn

Tại Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, Hà Giang đã hình thành ba không gian du lịch, mỗi không gian có nhiều sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn. Đó là không gian du lịch phía Tây với sản phẩm du lịch chủ đạo là danh thắng quốc gia ruộng bậc thang; không gian trung tâm với sản phẩm đặc trưng là du lịch tâm linh; không gian phía Bắc là sản phẩm Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá.

Từ những sản phẩm chủ đạo, mỗi không gian có nhiều sản phẩm bổ trợ như: sản phẩm văn hóa tộc người, sản phẩm sinh thái nghỉ dưỡng, sản phẩm vui chơi giải trí; sản phẩm du lịch nông nghiệp… Hà Giang đã hình thành hơn 90 điểm du lịch đang hoạt động tạo thành chuỗi liên kết, độc đáo, hấp dẫn suốt 4 mùa trong năm. Với những nỗ lực cố gắng, du lịch Hà Giang luôn được các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, bản sắc, hoang sơ, hùng vĩ và thân thiện.

Với tiềm năng du lịch sẵn có, Hà Giang đã và đang xác định phát triển du lịch thành kinh tế quan trọng của tỉnh, phấn đấu xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia vào năm 2030. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Thống kê du lịch còn nhiều bất cập - Anh 2

Hà Giang phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, xây dựng 1 khu du lịch cấp tỉnh, thu hút 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch ước đạt 7.800 tỉ đồng

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 10 về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Hà Giang. UBND đã ban hành các kế hoạch, đề án quan trọng trên tất các mặt của hoạt động du lịch như: chiến lược phát triển sản phẩm du lịch; đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, các đề án bảo tồn văn hóa truyền thống, đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch… tạo cơ sở hành lang pháp lý quan trọng để các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025 do UBND tỉnh ban hành đặt mục tiêu: Đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, xây dựng 1 khu du lịch cấp tỉnh, thu hút 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch ước đạt 7.800 tỉ đồng, đóng góp 10,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Phát triển về cơ sở lưu trú khoảng 9.000 buồng, tạo ra 28.200 việc làm, trong đó có 14.100 việc làm trực tiếp.

Phấn đấu đến năm 2030, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia; thu hút 5 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ du lịch ước đạt 20.600 tỉ đồng, đóng góp 14,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn; tạo việc làm cho trên 20.000 lao động trực tiếp.

Thống kê du lịch còn nhiều bất cập - Anh 3

Hà Giang đã hình thành nhiều sản phẩm, thương hiệu du lịch riêng

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18.5.2023 của Chính phủ, Quyết định 1726/QĐ ngày 4.7.2023 của Bộ VHTTDL về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ, tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 6.7.2023 về triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Kế hoạch bám sát 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó chú trọng mục tiêu “Sản phẩm đặc sắc - dịch vụ chuyên nghiệp - thủ tục thuận tiện đơn giản - giá cả cạnh tranh - môi trường về sinh sạch, đẹp - điểm đến an toàn văn minh, thân thiện”

Sau khi Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 2.3.2023 về Chiến lược maketing du lịch Việt Nam đến năm 2023 tỉnh Hà Giang đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt chiến lược maketing du lịch đổi mới hình thức xúc tiến quảng bá theo từng giai đoạn phát triển của thị trường du lịch. Thông qua một loạt chương trình như: xúc tiến quảng bá du lịch tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; mời tỉnh Vân Nam Trung quốc sang khảo sát và Hội đàm tại Hà Giang.

Đặc biệt, ưu tiên phát triển triển khai có hiệu quả marketing nền tảng số, triển khai gắn mã QRCode quảng bá văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và đưa vào vận hành cổng thông tin và bản đồ số du lịch; xây dựng các chuyên mục quảng bá trên sóng đài truyền hình quốc gia, quảng bá thông qua các bộ phim điện ảnh vào giờ vàng trong nước và các bộ phim bom tấn của quốc tế. Đồng thời, thường xuyên cập nhật tin tức về du lịch sự kiện của tỉnh trên các trang báo điện tử lớn như: VnExpress, Vietnam Business Forum...

Thực hiện Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm của Bộ VHTTDL, tỉnh Hà Giang đã đưa phố cổ Đồng Văn vào khai thác. Hiện nay, phố cổ Đồng Văn đã trở thành sản phẩm du lịch đêm không thể bỏ qua mỗi khi đến Hà Giang. Đồng thời xây dựng thí điểm tuyến phố đi bộ khu vực Quảng trường 26.3 đến Bảo tàng tỉnh gắn với phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố Hà Giang.

Thống kê du lịch còn nhiều bất cập - Anh 4

Hà Giang đã hình thành hơn 90 điểm du lịch đang hoạt động tạo thành chuỗi liên kết, độc đáo, hấp dẫn suốt 4 mùa trong năm

Theo ông Trần Đức Quý, để ngành Du lịch Việt Nam nói chung, du lịch tỉnh Hà Giang nói riêng đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững, ngoài các giải pháp đã được chỉ ra tại Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18.5.2023 của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL, tỉnh Hà Giang xin đề xuất một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai ở địa phương.

Hà Giang đề nghị phát huy hơn nữa vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, triển khai có hiệu quả các hoạt động phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

Tăng cường rà soát các văn bản, nghị định triển khai luật Du lịch, kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện. Ví dụ như Nghị định 45/2029/NĐ-CP ngày 21.5.2019 của Chính Phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch. Trong đó, thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND tỉnh quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 20 là 50 triệu đồng. Trong khi các hành vi vi phạm tại khoản 14, Điều 7 lên đến 100 triệu đồng, do vậy không thể thực hiện việc xử phạt.

Tỉnh này cũng đề nghị bổ sung đưa vào Luật du lịch 2017 việc phân cấp ủy quyền một số nội dung cho UBND cấp  huyện quản lý như: thẩm định, quản lý cơ sở lưu trú đủ điều kiện tối thiểu...

Hiện nay, việc thống kê khách du lịch đã được hướng dẫn thực hiện nhưng quá trình triển khai có rất nhiều bất cập, Hà Giang đề nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nghiên cứu xây dựng hướng dẫn mới đảm bảo tính khả thi và có bộ công cụ hỗ trợ thống kê du lịch có hiệu quả, thực hiện đồng bộ trên toàn quốc.

NGUYỄN ANH; ảnh: ĐÌNH KIÊN

Ý kiến bạn đọc