Xây dựng sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch

VHO - Lãnh đạo Tập đoàn Quản lý Khách sạn BRG vừa có cuộc tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam với mong muốn tiếp tục phát triển hệ thống sân golf tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, thúc đẩy phát triển du lịch golf, hệ thống cơ sở lưu trú tại Việt Nam.

Xây dựng sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch - Anh 1

Tập đoàn BRG sở hữu hệ thống cơ sở lưu trú và kinh doanh golf hàng đầu Việt Nam hiện nay

Tập đoàn Quản lý Khách sạn BRG mong muốn sẽ được đồng hành và nhận được sự ủng hộ của ngành Du lịch để đẩy mạnh phát triển hơn nữa những lĩnh vực liên quan đến du lịch mà Tập đoàn đang đầu tư phát triển, qua đó góp phần phát triển ngành Du lịch Việt Nam, kinh tế xã hội các địa phương nói chung.

Theo đại diện Tập đoàn Quản lý Khách sạn BRG, Tập đoàn được thành lập năm 1993. Sau gần 3 thập kỷ, Tập đoàn Quản lý Khách sạn BRG đã và đang mang đến cho cộng đồng những sản phẩm và dịch vụ tiêu chuẩn cao, tạo ra một hệ sinh thái các ngành nghề có mối liên kết chặt chẽ và tương hỗ.

Các lĩnh vực chính mà Tập đoàn đang đầu tư là golf, bán lẻ, ngân hàng và khách sạn. Trong đó, khách sạn nghỉ dưỡng kết hợp sân golf là một trong những sản phẩm chủ chốt được Tập đoàn chú trọng đầu tư, phát triển. Với những thương hiệu khách sạn hạng sang như: Sheraton, Hilton, Four Seasons… nằm ở nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Xây dựng sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch - Anh 2

Tập đoàn Quản lý Khách sạn BRG vừa làm việc với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam với mong muốn được đồng hành, phát triển

Đánh giá cao những thành tựu mà Tập đoàn Quản lý Khách sạn BRG đã đạt được trong thời gian qua, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, BRG là một trong những tập đoàn khách sạn lớn, kinh doanh ngành golf hàng đầu Việt Nam, ngày càng phát triển và mở rộng quy mô đầu tư.

Chia sẻ với Tập đoàn về những khó khăn trong lĩnh vực lưu trú do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Cục trưởng cho biết, vượt qua những khó khăn, thử thách do dịch bệnh, ngành Du lịch đã xây dựng nhiều kế hoạch phục hồi du lịch, khuyến khích các địa phương kích cầu du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, lưu trú bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong khi dịch bệnh vẫn đang căng thẳng nhiều nơi trên thế giới, ngày 15.3.2022, Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch, hoạt động giao thương trở lại bình thường.

Năm 2023, tiếp nối đà tăng trưởng, 7 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch đón khoảng 6,6 triệu lượt khách quốc tế (đạt 83% mục tiêu đặt ra); phục vụ 76,5 triệu khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416 nghìn tỉ đồng.

Xây dựng sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch - Anh 3

Tập đoàn BRG mong muốn tiếp tục phát triển hệ thống sân golf tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Việt Nam

Mặc dù ngành Du lịch đã đạt được một số kết quả nhất định, giúp củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Tuy nhiên Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức: “Phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội. Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng còn hạn chế. Sự kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch còn hạn chế. Việc hoạch định chiến lược về thị trường, đối tác chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động của tình hình du lịch thế giới, khu vực”.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, liên kết trong phát triển sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, liên kết trong hoạt động quản lý, đầu tư phát triển du lịch chưa thực sự được quan tâm. Nhu cầu của khách du lịch liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế so với các nước cạnh tranh trong khu vực...

Chia sẻ về lĩnh vực lưu trú, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, cùng với sự phát triển du lịch, lĩnh vực lưu trú cũng có sự phát triển vượt bậc. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang đầu tư tại Việt Nam, cho thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, trong những năm gần đây, du lịch golf đang ngày càng phát triển, việc Tập đoàn Quản lý Khách sạn BRG đầu tư vào sân golf kết hợp nghỉ dưỡng là hướng đi hoàn toàn đúng.

Xây dựng sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch - Anh 4

Tập đoàn BRG sở hữu hàng chục khách sạn cao cấp tại Việt Nam

“Ngày 14.8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành hai Nghị quyết về gia tăng thời gian lưu trú đối với khách quốc tế được miễn visa và áp dụng cấp visa điện tử cho tất cả các nước. Nghị quyết có hiệu lực ngay từ ngày 15.8. Đây là những Nghị quyết rất quan trọng của Chính phủ, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch. Cùng với những chính sách thông thoáng và lượng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam luôn nằm trong top đầu thế giới. Du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt và vượt những mục tiêu đã đặt ra trong năm nay”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết. Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị Tập đoàn Quản lý Khách sạn BRG cần nghiên cứu các văn bản này và có định hướng phát triển thêm những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn tại các cơ sở lưu trú của Tập đoàn, góp phần cùng với sản phẩm du lịch golf tiếp tục tạo nên thương hiệu BRG.

HOÀNG CÚC; ảnh: HOÀNG PHI

Ý kiến bạn đọc