Ra đảo 5 không

VHO- “Cô Tô đang hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững, bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên và môi trường xã hội với 5 không: Không có người nghèo, không có ăn xin, không trộm cắp, không ma túy, không mại dâm”, ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) cho biết.

Ra đảo 5 không - Anh 1

Môi trường trên đảo được đặc biệt quan tâm, gìn giữ

Nhiều chiến dịch làm sạch môi trường

Cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng: “Khách đến 1 vùng đất bởi 3 yếu tố: Thiên nhiên, văn hóa, con người. Thiên nhiên ở Cô Tô đang là thế mạnh hàng đầu, giữ nguyên được hiện trạng rừng tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên; bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Đây là điều vô cùng đáng quý”.

Cô Tô thường xuyên đối mặt với các vấn đề về môi trường, có khi vừa hôm trước 800 người tham gia dọn sạch bãi biển, hôm sau chỉ một cơn gió Nam, rác đã tràn ngập. Hàng nghìn tàu cá, hàng nghìn tàu khách trên biển xả rác nên dọn bao nhiêu cũng không xuể. Tuy nhiên, xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải đi đôi với bảo vệ môi trường, huyện Cô Tô đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường tự nhiên, hướng tới là mô hình kiểu mẫu về phát triển du lịch xanh, bền vững.

Huyện Cô Tô liên tục triển khai hoạt động ý nghĩa bảo vệ môi trường như: Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”; phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”; đề án “Phân loại rác thải tại nguồn”, “Hạn chế sử dụng túi nilon” và tuyên truyền để người dân, du khách tự giác thu gom, để rác đúng nơi quy định... Khi đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” được đưa vào triển khai và thí điểm áp dụng quy định “Du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi khu lịch trên đảo”, sự chung tay bảo vệ môi trường của chính du khách đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Có thể nói, các hoạt động này đã góp phần rất lớn tạo môi trường xanh - sạch - đẹp tại các bãi biển, khu dân cư, xây dựng nếp sống văn hóa bảo vệ môi trường của nhân dân trên đảo.

Là người được sinh ra trên đảo, Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội huyện Cô Tô Lê Công Tuấn Anh nhớ mãi lời ông bà kể lại những ngày gia đình mới ra đảo năm 1979 rất gian nan. Đảo không điện, không nước ngọt, giao thông đi lại khó khăn. Từ năm 2013, khi có điện cuộc sống của bà con trên đảo thay đổi hoàn toàn, du lịch phát triển mạnh mẽ. Năm 2015, khách ra đảo bằng tàu vỏ nhựa 2 thân chỉ mất 1,5 tiếng, thay vì tàu gỗ mất hơn 3 tiếng trước đây. Người dân và du khách trên cả nước biết tới Cô Tô nhiều hơn. Đảo trở thành điểm đến của nhiều du khách, nhất là những người trẻ, người ưa khám phá. Nhiều loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng… thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch trong nước và quốc tế đến với đảo mỗi năm.

Nhận thức rõ du lịch là thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Cô Tô đã triển khai nhiều biện pháp để phát triển, đem lại hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, rác thải nhựa đang một trong những thách thức lớn đối với Cô Tô. Để giữ được môi trường xanh - sạch - đẹp, tiếp tục phát triển và giữ vững được những nét đẹp vốn có, nhiều hoạt động, phong trào thiết thực và được các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, nhân dân tích cực hưởng ứng. Lực lượng thanh niên huyện Cô Tô cũng tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, làm sạch môi trường tại các tuyến đường, điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Ra đảo 5 không - Anh 2

 Đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp

Giữ đảo mãi xanh

Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô khẳng định: “Bảo vệ môi trường được coi là giải pháp sống còn để phát triển du lịch Cô Tô nói riêng và du lịch của Quảng Ninh nói chung. Chính vì thế, chúng tôi luôn thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, tuyên truyền để người dân và du khách nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời, thường xuyên vận động bà con cùng tham gia dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan đẹp, môi trường sạch sẽ để thu hút du khách”.

Ngoài việc tập trung đầu tư toàn diện về phát triển hạ tầng; đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực; ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong du lịch của Cô Tô để bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ môi trường luôn được huyện đặc biệt chú trọng. Huyện tiếp tục xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường có trọng tâm, trọng điểm, nhân rộng các mô hình hay trong khu dân cư, tổ chức chính trị - xã hội, qua đó, tạo ấn tượng tốt với du khách khi đến với Cô Tô, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện.

Một số nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã đưa vào khai thác tour du lịch nhặt rác và được nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài và người dân hưởng ứng. Tham gia tour này, khách du lịch vừa được thu gom rác, bảo vệ môi trường, vừa được trải nghiệm, khám phá các địa điểm du lịch tuyệt đẹp trên đảo. Các nhà hàng, khách sạn, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch thay vì sử dụng đồ dùng nhựa đã dùng chai, cốc thủy tinh; cốc và ống hút giấy; túi bằng vật liệu thân thiện môi trường dù giá thành cao hơn giá đồ dùng nhựa.

Trong Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô, ban hành theo Quyết định số 4686/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhấn mạnh tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của Cô Tô. Đề án cũng đưa ra mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển du lịch Cô Tô và các vùng biển đảo liên quan của tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, tạo diện mạo mới cho du lịch Cô Tô, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Một trong số các quan điểm phát triển du lịch theo Đề án này là các sản phẩm du lịch biển, đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô có tính kết nối giữa vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long với khu vực biển đảo Vân Đồn, Cô Tô, Cát Bà (Hải Phòng). Phát triển sản phẩm du lịch vịnh Bái Tử Long phải thực sự độc đáo, khác biệt đảm bảo tiêu chí “hấp dẫn, sang trọng, mới lạ, sinh thái, bền vững” góp phần giảm tải cho vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; tạo giá trị gia tăng ngày càng cao trong tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, kinh tế du lịch nói riêng. 

VŨ AN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc