Tạo ra đột phá trong phát triển du lịch

VHO - Sáng 15.8, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã chủ trì Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững.

Tạo ra đột phá trong phát triển du lịch - Anh 1

Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 15.8 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến

Tham gia điều hành Hội nghị có Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Cục phó Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu. Dự Hội nghị tại cầu trung tâm ở Hà Nội có lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, Sở VHTTDL Hoà Bình; lãnh đạo Hiệp hội du lịch Việt Nam. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 61 đầu cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước và 2 đầu cầu tới Bộ NNPTNT và Bộ Ngoại giao.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã phổ biến và tập trung thảo luận về các giải pháp triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 82/NQ-CP Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vữngChiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; báo cáo nội dung về một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm vừa được lãnh đạo Bộ VHTTDL phê duyệt theo QĐ 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14.7.2023.

Tạo ra đột phá trong phát triển du lịch - Anh 2

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc

Hội nghị được tổ chức khi hôm nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực với các chính sách thị thực mới (nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày).

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 14.8 về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 14.8.2023 sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15.3.2022 về việc miễn thị thực cho công dân một số nước. Những chính sách visa thông thoáng, cởi mở có tính chất đột phá này được kỳ vọng sẽ mang tới cho du lịch Việt Nam cơ hội mới để phát triển, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tạo ra đột phá trong phát triển du lịch - Anh 3

Đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: “Nhằm thúc đẩy tăng tốc, quyết liệt hành động để tạo ra đột phá trong việc phục hồi và phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bền vững cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 18.5.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, theo đó Nghị quyết đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Cùng với đó, đối với mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết cũng xác định rõ và gắn với trách nhiệm, vai trò cụ thể của từng Bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch theo quan điểm tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay tháo gỡ khó khăn”.

Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 2.3.2023 về việc phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu xác định quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Tạo ra đột phá trong phát triển du lịch - Anh 4

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh điều hành phiên thảo luận

Đồng thời, ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14.7.2023 về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, theo đó xác định mục tiêu là phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

“Hội nghị này được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung về các văn bản mới của ngành Du lịch hướng tới các nhóm đối tượng là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc có liên quan. Qua đó, nâng cao vai trò, đề cao tính trách nhiệm của toàn ngành trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn; tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh  nghiệp và nhân dân”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Tạo ra đột phá trong phát triển du lịch - Anh 5

Hội nghị trực tuyến 63 đầu cầu các bộ, ngành, địa phương trên cả nước

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các Bộ ban ngành, các cấp chính quyền địa phương cũng như sự quan tâm, đồng hành của các đối tác, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch và toàn xã hội, Thứ trưởng tin tưởng du lịch Việt Nam nhất định sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng như trước đây, tiếp tục phát triển hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tại Hội nghị này, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu, đại diện các tỉnh, thành phố tập trung thảo luận vào một số nội dung quan trọng. Trong đó, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung các văn bản mới. Cần nắm thật vững các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm trong triển khai thực hiện Nghị quyết.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện kế hoạch hành động cụ thể hóa các văn bản mới của ngành du lịch bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao, được triển khai thực hiện và thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc, gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Tạo ra đột phá trong phát triển du lịch - Anh 6

Ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Quản lý Xúc tiến du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) báo cáo nội dung về một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị toàn ngành tăng tốc, quyết liệt hành động nhằm tạo ra đột phá trong phát triển du lịch. Coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch. Kịp thời nắm bắt cơ hội do chính sách visa thông thoáng hơn làm đòn bẩy giúp ngành Du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch. Các hiệp hội du lịch phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đẩy mạnh kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái du lịch, mô hình du lịch mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.

NGUYỄN ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc