Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

29 Tháng Ba 2024

Đà Nẵng: Hướng tới phát triển là thành phố du lịch, dịch vụ chất lượng cao

Thứ Năm 08/09/2022 | 14:08 GMT+7

VHO- Nhằm phát triển ngành mũi nhọn phù hợp với thực tế địa phương, nâng cao năng lực phục hồi, cạnh tranh thu hút khách sau dịch Covid-19, Sở Du lịch Đà Nẵng đã hoàn thiện Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định triển khai 12 định hướng và 11 nhóm giải pháp nhằm đầu tư, phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch trong giai đoạn tới. 

Đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch hàng đầu
Thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các định hướng về phát triển du lịch của Trung ương phù hợp với quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời sau khi tham dự và tổng hợp ý kiến của các bộ ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo chuyên đề Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 ngày 10.8.2022 tại Hà Nội, Sở Du lịch Đà Nẵng đã hoàn thiện nội dung du lịch để bổ sung vào Đề án. 

Mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch đêm, cung cấp dịch vụ chất lượng

“Mục tiêu Đề án hướng đến đến năm 2030 Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, một điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045 Đà Nẵng trở thành Điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á, là một trong những Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế” - đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin.

Theo đề án, định hướng phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm 12 định hướng lớn: Định hướng không gian phát triển du lịch; định hướng phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; định hướng phát triển sản phẩm du lịch (tại Đà Nẵng tập trung 3 nhóm sản phẩm: sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chính và sản phẩm bổ trợ trên cơ sở tài nguyên, tiềm năng, vị trí địa hình và lợi thế của Đà Nẵng. Kết hợp du lịch với tư duy sáng tạo đột phá, ứng dụng công nghệ, gắn với thiên nhiên, văn hóa lịch sử truyền thống); định hướng phát triển thị trường du lịch; định hướng phát triển nguồn nhân lực; định hướng phát triển doanh nghiệp du lịch (phát triển doanh nghiệp du lịch tập trung xây dựng các thương hiệu doanh nghiệp mạnh. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch để đảm bảo chuỗi cung ứng, triển khai khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch); định hướng phát triển nguồn lực đầu tư du lịch; định hướng về công tác xúc tiến và quảng bá du lịch; định hướng về liên kết, hợp tác phát triển du lịch; định hướng về chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; định hướng về quản lý rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, xử lý khủng hoảng; định hướng về tổ chức và quản lý du lịch.

Đối với thị trường quốc tế xác định mục tiêu trọng điểm như Đông Bắc Á và Đông Nam Á

Trong đó nhấn mạnh định hướng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng đến đạt chuẩn “chất lượng cao” ở tất cả các loại hình sản phẩm/dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang. Định hướng phát triển thị trường du lịch: đối với thị trường nội địa nhắm tới khai thác khách từ các tỉnh Miền Trung -Tây Nguyên, tăng lượng khách chi tiêu cao từ các địa phương có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, tập trung thu hút thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long). Đối với thị trường quốc tế xác định mục tiêu trọng điểm như Đông Bắc Á và Đông Nam Á; tập trung nâng cao chất lượng nguồn khách; thu hút các phân khúc khách cao cấp; những thị trường khách tương lai được đánh giá tiềm năng như: Tây Âu (Anh, Pháp, Đức), Nga, Úc, Newzealand, Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông. Chú trọng khai thác thị phần khách công vụ MICE, golf, khách nghỉ dưỡng biển, khách lẻ. 

Bám sát nhóm 11 giải pháp để phát triển toàn diện

Sau thời gian ngừng trệ do dịch bệnh, hiện nay Đà Nẵng đang nỗ lực đạt mục tiêu phục hồi và phát triển mạnh mẽ, bền vững. Một số chủ trương thí điểm của Sở Du lịch đã được thành phố đồng ý nhằm tạo sản phẩm du lịch mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh thu hút khách như: khai thác dịch vụ du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang; tổ chức thí điểm bãi biển đêm Mỹ An, cho phép tiếp tục triển khai chính sách thu hút khách MICE đến Đà Nẵng, tạo động lực sớm khôi phục ngành du lịch. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - ông Cao Trí Dũng cho rằng cần quảng bá mạnh mẽ hơn nữa để tạo đà phát triển bền vững, chắc chắc cho giai đoạn phục hồi quan trọng này của ngành du lịch Đà Nẵng: “Thương hiệu Đà Nẵng được quảng bá rộng rãi sẽ mở ra cơ hội lớn, do vậy thành phố cần tiếp tục xúc tiến truyền thông thường xuyên trên các nền tảng số, các kênh trực tuyến online, cùng với đó hình thành vùng đô thị du lịch kết nối 3 địa phương Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam” - ông Dũng đưa ra ý kiến. 

Khách du lịch đến Đà Nẵng vẫn có chiều hướng tăng cao trong giai đoạn phục hồi

Với chủ đề phát triển du lịch năm 2022 là Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ngành du lịch Đà Nẵng có nhiều nỗ lực khôi phục đặt được sự tăng trưởng đáng kỳ vọng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,88 triệu lượt, tăng 83% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt 127.000 lượt, tăng 44,3%; khách trong nước đạt 1,76 triệu lượt, tăng 86,6%. Hiện thành phố đang ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới như: Công viên APEC, Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, Phố du lịch An Thượng, đầu tư cảnh quan hai bờ Sông Hàn và dự án chiếu sáng nghệ thuật Dòng sông ánh sáng. Đà Nẵng cũng quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm về du lịch như Khu tổ hợp pháo hoa quốc tế, Khu nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp làng Vân, Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Công viên văn hóa và vui chơi giải trí Đông Nam Đài Tưởng niệm... 

Định hướng phát triển ngành mũi nhọn thành phố Đà Nẵng từ năm 2022 đến năm 2030 được chia làm 2 giai đoạn với 71 nhiệm vụ trọng tâm: Giai đoạn 2022 - 2025 triển khai 62  nhiệm vụ; Giai đoạn 2026 - 2030  triển khai 9 nhiệm vụ. Theo đó sẽ tập trung vào 11 nhóm giải pháp: Giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch; hình thành văn hóa du lịch; giải pháp về xây dựng cơ chế chính sách để phát triển du lịch; giải pháp quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch; giải pháp phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch; giải pháp về xúc tiến, quảng bá, phát triển thị trường du lịch; giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển du lịch; giải pháp khôi phục hoạt động du lịch hậu Covid-19. 

Du lịch Đà Nẵng có thể lạc quan với nhiều cơ hội 

Tại buổi họp nghe Sở Du lịch báo cáo kế hoạch triển khai Đề án, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn đã thống nhất với đề xuất bố trí dự toán ngân sách hàng năm để triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Đà Nẵng tại thị trường nội địa và quốc tế trọng điểm tiềm năng, xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp, khôi phục khách đường biển, tổ chức lễ hội sự kiện văn hoá du lịch. Ông Trần Phước Sơn nhấn mạnh các nhiệm vụ đối với ngành du lịch cần có sự chuẩn bị chu đáo, rà soát lại các nhiệm vụ trong năm và nhiệm vụ năm 2023, căn cứ vào đề án để các ngành xây dựng kế hoạch triển khai. Lãnh đạo TP đề nghị Sở Du lịch phối hợp triển khai đa dạng các hoạt động du lịch, lên kế hoạch sớm cho chuỗi sự kiện năm 2023, tránh tình trạng bị động; tạo sản phẩm thực sự đặc sắc, chất lượng và có sức hút đối với du khách. Bên cạnh đó tập trung và đẩy nhanh tiến độ các dự án đang được quan tâm, thúc đẩy mạnh du lịch Đà Nẵng về đêm, khai thác du lịch cộng đồng. Quan tâm đầu tư sản phẩm dịch vụ tại các bãi biển, các bãi tắm trên đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê) để giãn bớt người dân từ bãi tắm phía Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà); tăng cường công tác phối hợp quản lý giữa Sở Du lịch và các quận, huyện; tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật trong hoạt động du lịch, đảm bảo môi trường du lịch, xây dựng thương hiệu thành phố du lịch với hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cao. 

NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top