Thông tin về các bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn tiết canh dê tại Thái Bình

QUỲNH HOA

VHO - Sáng ngày 7.5, anh P.N.H (25 tuổi, phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã đến Bệnh viện Bạch Mai để khám bệnh. Anh cho biết, tối qua anh nhận thấy dấu hiệu sốt, đi ngoài, giống với triệu chứng của một số họ hàng của anh đã nhập viện trước đó sau khi ăn tiết canh dê.

  “Bữa cỗ hôm trước tôi ăn nhiều tiết canh dê nên cũng thấy lo lắng cho sức khỏe của mình. Tuy nhiên, chưa có kết quả xét nghiệm nên tôi chưa biết mình có làm sao không”, anh H. cho hay.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), theo thông tin từ PGS.TS Đỗ Duy Cường, Gám đốc Trung tâm: có 8 bệnh nhân là họ hàng trong gia đình được chuyển lên từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình tối ngày 5.5. Điểm chung của các bệnh nhân là đều cùng ăn tiết canh dê tại một bữa cỗ chuẩn bị đám cưới của người trong họ.

“Chúng tôi đợi kết quả khẳng định vi sinh vật trong 1-2 ngày tới, tuy nhiên nhiều khả năng không phải là do liên cầu lợn có trong tiết canh”, PGS Cường cho biết.   

Thông tin về các bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn tiết canh dê tại Thái Bình - ảnh 1

Một bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại phường Hoàng Diệu (TP Thái Bình) được điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai trước khi xuất viện 

 Nhớ lại sự việc, anh P.V.T (37 tuổi, phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình) cho biết, tại bữa trưa đám cưới ngày 1.5, anh ăn gần 1 bát tô tiết canh và uống bia, cùng nhiều món ăn khác. Trong mâm có 3 người cũng ăn tiết canh.

Sau đó anh về nhà và ngày 2.5 vẫn đi làm bình thường. Đến ngày 3.5, anh T. thấy có biểu hiện trướng bụng, đi ngoài 2 lần, nhưng vẫn nghĩ là bình thường. Đến chiều ngày 5.5, sau khi nghe tin ông P.T.T tử vong, anh cũng cảm thấy trong người nóng bừng, khó thở, chân tay bủn rủn nên đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình để khám.

Nhưng hôm đó là Chủ nhật nên bác sĩ trực tư vấn và cho về nhà theo dõi. Đến đêm 5.5, anh thấy tình trạng sức khỏe tệ hơn nên quay lại Bệnh viện khám thì được chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai.

“Tôi có sở thích ăn tiết canh, thường ăn tiết canh dê, vịt, ngan chứ không ăn tiết canh lợn. Vì nghĩ tiết canh do gia đình làm là an toàn nên tôi mới ăn nhiều”, anh T. Chia sẻ.

Cùng chuyến xe đi Bệnh viện Bạch Mai còn có ông P.V.Q (53 tuổi, cùng ở phường Hoàng Diệu). Ông Q kể lại, tại bữa cỗ dựng rạp ngày 1.5, ông chỉ ăn 2 thìa tiết canh dê. Nhưng đến sáng 2.5 đã có đi ngoài 4 – 5 lần, nhưng không nghĩ là do ăn cỗ. 2 ngày sau thì thấy tức ngực, nóng sốt nên đi khám, đến tối ngày 5.5 thì được chuyển lên viện, hiện nay sức khỏe đã ổn định.

Trong số những người điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới có 2 người con dâu ông P.T.T (người đã tử vong). Theo lời chị N.T.M (36 tuổi), trong bữa cỗ hôm đó chị cũng chỉ ăn 2 thìa tiết canh dê và chị đi khám cũng vì lo lắng và mệt mỏi trong người.

Nói về bố chồng, chị M. cho hay, trước đó, bố chị đã bị ho 10 ngày và kêu đau ở mạng sườn nên gia đình đã đưa ông đi khám sức khỏe và chỉ chụp ở xương sườn, nhưng không bị làm sao. Lúc đó ông cũng bị mưng mủ ở ngón chân, nhưng không khám.

Trưa ngày 4.4, ông T. bị sốt cao, bác sĩ nghi là nhiễm trùng uốn ván và cho nhập viện. Sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai nhưng không qua khỏi. “Trong số nhiều người ăn tiết canh tại bữa cỗ đó nhưng không phải ai cũng phải đi khám bệnh mà chỉ có một số ít người có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Nên bác sĩ chưa biết vì sao gây ra vụ ngộ độc”, chị M. chia sẻ.

Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe 8 bệnh nhân đã ổn định và được ra viện vào chiều ngày 7.5.

Trước đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Thái Bình) đã có báo cáo ban đầu về vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiết canh dê xảy ra trên địa bàn phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình.

Bước đầu xác định trong hai ngày 1 và 2.5, tại gia đình ông H. ở tổ 5, phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình có làm hàng chục mâm cỗ mời người thân đến ăn cưới. Trong bữa ăn trưa 1.5, có 20 mâm khoảng 120 người, thực đơn gồm các món: Thịt gà rang, tôm kho, canh dưa cà, bát tiết canh dê (dê giết mổ tại Ninh Bình và vận chuyển tiết, thịt về Thái Bình, phần nhân làm tiết canh chế biến từ tai, gan, cuống họng heo đã luộc chín).

Đến chiều 1 và ngày 2.5, gia đình tiếp tục nấu cỗ với thực đơn gồm: Gà luộc, tôm chao, chân giò hầm, bê tái, mèo xào, mực xào, ba ba nấu chuối, giò bò, xôi ruốc và cơm tám.

Sau bữa cỗ này, đến 16h ngày 4.5, ông P.T.T (sinh năm 1957, trú phường Hoàng Diệu) xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, ho, khó thở, đau tức hai bên sườn phải nên đã đến khám, nhập Bệnh viện Đa khoa Thái Bình.

Đến 20h cùng ngày, ông Thuần diễn biến nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu. Khoảng 4h08 ngày 5.5, bệnh nhân tử vong và được chẩn đoán nguyên nhân do nhiễm khuẩn huyết - viêm phổi nặng - biến chứng sốc nhiễm khuẩn - suy đa tạng - ngừng tuần hoàn/Gout. Ông T. có ăn tiết canh tại bữa cỗ cưới của gia đình ông H.

Từ tối ngày 5.5 và ngày 6.5, nhiều người dân cùng ăn bữa cỗ có tiết canh dê đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Trong số đó, 8 người khai bản thân cũng có triệu chứng sốt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng sau khi ăn tiết canh vào bữa trưa 1.5, mong muốn được lên Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám, điều trị.

Qua kiểm tra, 4 người được phía Bệnh viện Bạch Mai cho xuất viện về nhà vì sức khỏe bình thường. Có 10 người tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho hay bản thân có các triệu chứng nhẹ như: Đau đầu, đau mỏi vai gáy sau khi ăn tiết canh nên đã nhập viện và được theo dõi tại Khoa Truyền nhiễm.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu liên quan đến vi khuẩn liên cầu lợn do ăn, tiếp xúc với thịt lợn ốm nhiễm liên cầu lợn; hoặc tiết canh lợn, hoặc tiết canh dê, vịt, ngan nhưng được pha với tiết canh lợn.

Nhiễm liên cầu lợn khiến người bệnh bị ngộ độc thực phẩm, trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê hoảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu và sốc nhiễm trùng và tử vong nhanh chóng. Vì thế các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn tiết canh sống, thức ăn cần được sơ chế an toàn, nấu chín, kỹ...