Lễ Khai ấn đền Trần 2024 sẵn sàng trước giờ G

VHO - Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL Khu Di tích Đền Trần - Chùa Tháp (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, Nam Định) cho biết, năm nay, dự báo sẽ rất đông du khách tìm về đền Trần trong những ngày lễ hội, đặc biệt vào đêm khai ấn 14 tháng Giêng, phát ấn từ rạng sáng 15 tháng Giêng, vì thế ngay từ sớm, công tác đảm bảo an ninh trật tự, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã được đặc biệt chú trọng.

Lễ Khai ấn đền Trần 2024 sẵn sàng trước giờ G - Anh 1

 Người dân nhận ấn vào ngày rằm tháng Giêng năm Quý Mão

Đến thời điểm này, các hoạt động chuẩn bị cho lễ khai ấn, hoạt động phát ấn mùa lễ hội Giáp Thìn đã sẵn sàng đón người dân và du khách thập phương.

Trên 30 vạn cánh ấn đáp ứng nhu cầu của du khách

Lễ khai ấn diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng nhưng từ trước đó, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đã được BQL, BTC lễ hội tổ chức như lễ rước kiệu Ngọc Lộ, lễ rước Nước, tế Cá…, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Ông Nguyễn Đức Bình cho biết, điều kiện thời tiết thuận lợi đã khiến rất đông du khách tìm về di tích đền Trần - chùa Tháp lễ bái trong những ngày đầu Xuân. Từ mùng 1 Tết Giáp Thìn đến nay, theo ước tính có khoảng 200 nghìn lượt khách tới thăm, đi lễ, vãn cảnh.

 Dự kiến từ sớm lượng khách về đền chiêm bái, thực hiện các nghi lễ tâm linh và xin lộc ấn đầu năm sẽ rất đông, BTC và nhà đền dự kiến phát hành hơn 30 vạn ấn bản để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách thập phương…

(Ông NGUYỄN ĐỨC BÌNH, Trưởng BQL Khu Di tích Đền Trần - Chùa Tháp)

Cũng theo ông Bình, triển khai và hoàn thiện công tác tổ chức qua từng năm, lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2024 sẽ có nhiều điểm mới. Lễ hội diễn ra từ ngày 20-25.2 (tức ngày 11-16 tháng Giêng âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Trọng tâm là các hoạt động vào đêm Khai ấn 14 tháng Giêng và hoạt động phát ấn bắt đầu từ sáng sớm ngày rằm. Trong thời gian làm lễ Khai ấn, BTC đóng cửa đền Thiên Trường để đảm bảo sự tôn nghiêm của nghi lễ truyền thống. Từ 5h ngày 15 tháng Giêng (24.2), nhà đền sẽ tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại ba nhà Giải Vũ, Nhà trưng bày đền Trùng Hoa. Từ ngày 16 tháng Giêng (25.2), hoạt động phát ấn tiếp tục được tổ chức tại các nhà Giải Vũ từ 7h sáng hằng ngày. “Dự kiến từ sớm lượng khách về đền chiêm bái, thực hiện các nghi lễ tâm linh và xin lộc ấn đầu năm sẽ rất đông, BTC và nhà đền dự kiến phát hành hơn 30 vạn ấn bản để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách thập phương…”, ông Bình cho biết.

Lễ Khai ấn đền Trần 2024 sẵn sàng trước giờ G - Anh 2

 Lễ tế Nước, tế Cá nằm trong chuỗi hoạt động của lễ hội

Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, nghi lễ đặc sắc như lễ rước kiệu Ngọc Lộ (ngày 11 tháng Giêng); lễ rước Nước, tế Cá (ngày 12 tháng Giêng)… được tổ chức trang trọng, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách. Trong đó, nghi thức lễ rước Nước, tế Cá là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa nhân văn và lịch sử; tái hiện các nghi lễ truyền thống được thực hiện từ xa xưa gắn với truyền thống xuất thân nghề sông nước, chài lưới của nhà Trần. Để lễ hội Khai ấn đầu xuân năm nay thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa, năm nay lễ hội có nhiều nét mới. BTC tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi như biểu diễn trống hội cà rùng; chơi cờ bỏi; tổ tôm điếm; múa lân - sư - rồng; thả diều sáo; hát Chèo; hát Văn; hát Xẩm; múa rối nước; chương trình “Mùa Xuân thượng võ”, biểu diễn võ thuật, thi đấu vật...

Cùng với việc tổ chức đa dạng các hoạt động văn hoá văn nghệ, để tạo không gian rộng rãi cho lễ hội Khai ấn đền Trần năm nay, toàn bộcác ki ốt trưng bày, triển lãm, dịch vụ được di chuyển sang sân Quảng trường Đông A khu trung tâm lễ hội đền Trần. Từ đó, tạo không gian thông thoáng cho khu vực khuôn viên đền Trần, đảm bảo uy nghiêm, tránh tình trạng du khách đi lễ, tham quan phải chen lấn, xô đẩy như mọi năm.

Lễ Khai ấn đền Trần 2024 sẵn sàng trước giờ G - Anh 3
 

Năm Quý Mão 2023, mặc dù người dân và du khách đến dự lễ Khai ấn rất đông nhưng không xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Hy vọng năm nay lễ hội này sẽ diễn ra an toàn và văn minh hơn Ảnh: TR.HUẤN

Đảm bảo an toàn, văn minh

Cũng theo ông Bình, công tác tổ chức đối với lễ hội trọng điểm này luôn được đề cao các yếu tố trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đảm bảo an ninh trật tự. BQL khu di tích phối hợp chặt chẽ với ba phường và các ngành liên quan thực hiện công tác chuẩn bị, quản lý và tổ chức lễ hội; sắp xếp ổn định các ki ốt; không để người hành khất, hát rong, người bán hàng trái phép vào khu vực lễ hội và khu vực trước cổng đền.

Để đảm bảo an ninh, an toàn cho lễ khai ấn sẽ có 2.500 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các lực lượng được huy động tham gia đảm bảo an ninh trật tự, chia thành 5 vòng, trong đó trực tiếp 4 vòng tại khu vực đền Trần với gần 40 chốt bảo vệ, không để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, mất an toàn trong lễ hội. Tuy nhiên, để vừa đảm bảo công tác bảo vệ kiệu ấn nghiêm trang, an toàn, vừa không gây cảm giác cứng nhắc trong một lễ hội truyền thống, công an TP Nam Định cho biết sẽ “mềm mại” hơn khi triển khai nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, UBND phường Lộc Vượng chỉ đạo Hội Người cao tuổi, nhà đền tổ chức thực hiện các nghi lễ rước, nghi lễ Khai ấn theo tục lệ truyền thống; có kế hoạch tổ chức trông coi phương tiện giao thông tại các bãi xe đảm bảo theo quy định. Đặc biệt, nghiêm cấm các hoạt động cờ bạc dưới mọi hình thức tại khu vực lễ hội; ngăn chặn việc mua, bán ấn, lưu hành ấn không do nhà đền phát hành; xây dựng phương án tuyên truyền, phòng ngừa các dịch bệnh nơi đông người; tổ chức kiểm tra việc đảm bảo công tác an toàn VSTP tại di tích.

Thông tin về các hoạt động chính trong lễ hội, theo BQL di tích, BTC lễ hội, từ ngày 14 tháng Giêng (23.2), du khách thập phương và nhân dân vào lễ đầu năm tại đền Trần. Từ 21h-21h30, BTC làm công tác chuẩn bị nghi lễ dâng hương, rước kiệu ấn và khai ấn. Từ 22h15-22h40, UBND TP Nam Định sẽ chủ trì các hoạt động dâng hương tại đền Thiên Trường. Ngày 15 tháng Giêng (24.2), từ 2h00 thực hiện nghi lễ hồi Kiệu ấn; từ 5h00 tổ chức phát ấn cho người dân và du khách ở các điểm... 

 

 Chuẩn bị 180.000 túi lương trong lễ phát lương Đức Thánh Trần

 Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương, huyện Lý Nhân (Hà Nam) năm 2024 sẽ được tổ chức từ đêm 24 đến ngày 25.2 (tức đêm 14 đến ngày 15 tháng Giêng) Xuân Giáp Thìn năm 2024. Ban Tổ chức đã chuẩn bị 180.000 túi lương để phát tại 19 điểm quanh khu vực đền cho nhân dân và du khách thập phương.

Lễ Khai ấn đền Trần 2024 sẵn sàng trước giờ G - Anh 4

 Ảnh minh họa

Ông Đinh Công Tấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết, lễ hội phát lương Đức Thánh Trần là một trong những lễ hội lớn của tỉnh được phục dựng và duy trì từ năm 2009. Đây là hoạt động có ý nghĩa tâm linh truyền thống, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà mạnh khỏe, sung túc và bình yên; đồng thời, nhắc nhở các thế hệ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Khu vực đền Trần Thương theo truyền thuyết là địa điểm Hưng Đạo Đại Vương lựa chọn để làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên thế kỷ thứ XIII. Lễ hội phát lương đầu năm được tổ chức tại đền Trần Thương nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc, tưởng nhớ công lao to lớn của tiền nhân.

Ông Tấn cho biết thêm, Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương và UBND huyện Lý Nhân đã làm Lễ khai mạc và Lễ rước nước từ sông Hồng về đền từ ngày 17.2 (mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn) theo nghi thức đã có từ hàng trăm năm, được duy trì, gìn giữ đến nay như một nét đẹp văn hóa truyền thống mỗi dịp đầu Xuân; đồng thời gợi nhớ nguồn gốc của dòng tộc nhà Trần. Theo kế hoạch, đêm 24.2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), sau nghi lễ tâm linh, Ban Tổ chức sẽ phát lương tại 19 cửa phía ngoài Nghi môn ngoại cho du khách thập phương. Bên cạnh phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: Giải cờ tướng, giải kéo co, giải bóng chuyền hơi huyện Lý Nhân mở rộng và đêm hội Trần Thương.

Nghi lễ phát lương nhằm tái hiện lịch sử về “Phát quân lương” khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ 3 (năm 1288) và cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. L.SƠN

 

HOÀNG NGÂN

Ý kiến bạn đọc