Hương vị Tết xưa tại Bảo tàng Hà Nội

VHO - Phong vị Tết xưa Hà Nội với nhiều phong tục tập quán tốt đẹp trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc được giới thiệu sinh động qua bộ sưu tập ảnh kết hợp nghệ thuật sắp đặt, tọa đàm tại Bảo tàng Hà Nội.

Hương vị Tết xưa tại Bảo tàng Hà Nội - Anh 1

Trưng bày chuyên đề "Phong vị Tết xưa Hà Nội"

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 do Bảo tàng Hà Nội tổ chức. Trong đó, trưng bày chuyên đề “Phong vị Tết xưa Hà Nội” tập trung giới thiệu về ngày Tết Nguyên đán của dân tộc và những phong vị đặc biệt của Tết Hà Nội xưa.

 Các phong tục, tập quán tốt đẹp của Tết cổ truyền dân tộc được thể hiện qua nhiều nội dung triển lãm như: Bánh chưng; Tục dựng câu nêu; Tục chơi câu đối, chơi tranh, xin chữ ngày Tết; Thú chơi cây cảnh ngày Tết; Pháo Tết; Chợ Tết (xưa và nay).

Hương vị Tết xưa tại Bảo tàng Hà Nội - Anh 2

Chợ Tết xưa Hà Nội

Bộ ảnh trưng bày tại triển lãm “Phong vị Tết xưa Hà Nội” được dày công sưu tầm trong nước và nước ngoài. Việc kết hợp bộ ảnh với nghệ thuật sắp đặt trong không gian trưng bày "Nếp xưa" gợi lại những phong tục, tập quán và nét đẹp văn hóa truyền thống gắn với Tết cổ truyền dân tộc. Triển lãm là hoạt động nhiều ý nghĩa nhằm chung tay bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp này.

Hương vị Tết xưa tại Bảo tàng Hà Nội - Anh 3

Chợ Tết xưa Hà Nội

Ngay sau lễ khai mạc, tọa đàm cùng tên với sự tham gia của PGS.TS Bùi Xuân Đính, TS.Trần Đoàn Lâm mang đến nhiều kiến thức, câu chuyện thú vị về phong tục tết xưa người Hà Nội và tục lệ chúc tết truyền thống. PGS.TS Bùi Xuân Đính cho rằng, trong nhịp sống ồn ã hôm nay, không gian mang đậm hương vị Tết xưa mà Bảo tàng Hà Nội dầy công thực hiện đã mang đến thật nhiều cảm xúc cho người Hà Nội nói riêng, du khách đến Bảo tàng Hà Nội nói chung.

Hương vị Tết xưa tại Bảo tàng Hà Nội - Anh 4

Tọa đàm "Phong vị Tết xưa Hà Nội"

PGS.TS Bùi Xuân Đính đã chia sẻ những thông tin về phong tục chuẩn bị tết Tết Nguyên Đán xưa Theo ông, Tết xưa không chỉ gói gọn trong ba ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 tháng Giêng mà còn là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị đầy tâm huyết và kỳ công, nhất là trong việc ăn uống. Điều này giải thích tại sao người xưa thường nói “ăn Tết”.

PGS.TS Bùi Xuân Đính cũng nhấn mạnh: “Tết là sự đoàn viên, Tết là sự no đủ, Tết là sự khoan dung khi mọi mâu thuẫn được hòa giải, mọi người chúc nhau những điều tốt đẹp nhất và để lại sau lưng những vấn đề cũ. Quan trọng nhất, Tết là sự tri ân, là dịp để mỗi người biểu hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà...”.

Hương vị Tết xưa tại Bảo tàng Hà Nội - Anh 5

Triển lãm "Năm Thìn kể chuyện Rồng"

Bàn về tục lệ chúc Tết truyền thống, TS. Trần Đoàn Lâm cho biết, trong mỗi dịp Tết, mỗi người đều có những mong ước khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và hoàn cảnh của họ. Người già thường mong muốn sức khỏe và hưởng thụ tuổi già an yên, trong khi người trẻ lại hướng tới sự ổn định về kinh tế và những mối quan hệ mới.

“Mùa xuân, với sự bắt đầu của mọi thứ mới mẻ, cũng là lúc mọi người thể hiện những ước vọng đó qua nghi thức chúc Tết, một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống. Tục lệ chúc Tết không chỉ là biểu hiện của tình cảm, mà còn là cách mọi người chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau trong hành trình hướng tới một năm mới đầy hứa hẹn và thành công...”, TS. Trần Đoàn Lâm chia sẻ.

Hương vị Tết xưa tại Bảo tàng Hà Nội - Anh 6

Dịp này, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện trưng bày chuyên đề “Năm Thìn kể chuyện Rồng” phục vụ công chúng. Triển lãm giới thiệu hơn 100 tài liệu, hiện vật theo 3 phần: Hình tượng rồng trên kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng; Hình tượng rồng trong đời sống sinh hoạt; Hình tượng rồng trong đời sống đương đại.

Hương vị Tết xưa tại Bảo tàng Hà Nội - Anh 7

 Qua các tài liệu, hiện vật, triển lãm làm sáng rõ hơn biểu tượng rồng trong kiến trúc các công trình tôn giáo tín ngưỡng, qua bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Hà Nội và ứng dụng rồng trong đời sống mỹ thuật đương đại được thể hiện qua các sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công đặc sắc.

Bảo tàng Hà Nội cũng chính thức công bố tổ chức hoạt động giao lưu, chia sẻ hình ảnh đẹp chụp tại Bảo tàng Hà Nội theo chủ đề "Khoảnh khắc mùa xuân". Ban tổ chức nhận ảnh từ ngày 27.1- 27.2. Lễ trao giải thưởng sẽ diễn ra vào ngày 8.3.

BẢO NGÂN

Ý kiến bạn đọc