Điều gì làm nên kỳ tích của nữ sinh Khơ Mú?

PHẠM NGÂN

VHO - Dù rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, mẹ vướng vòng lao lý, bố làm thuê cuốc mướn, nhưng bằng nỗ lực không ngừng và vượt qua hàng nghìn ứng cử viên khác, nữ sinh Ốc Thị Quỳnh Anh đã xuất sắc giành học bổng trị giá khoảng 1 tỉ đồng.

Điều gì làm nên kỳ tích của nữ sinh Khơ Mú? - ảnh 1

 Nữ sinh Quỳnh Anh (người thứ 3 từ phải qua) nhận học bổng “Trái tim sư tử” năm 2024

 Nữ sinh Ốc Thị Quỳnh Anh (sinh năm 2004) sinh ra trong một bản làng thuộc huyện rẻo cao Tương Dương (Nghệ An). Gia đình Quỳnh Anh thuộc diện hộ nghèo, mẹ em là người dân tộc Khơ Mú, bà ngoại là người Thái.

Dám ước mơ, không từ bỏ

Có những ngày, cả gia đình không có đủ tiền để mua thức ăn. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm lên 4 tuổi, Quỳnh Anh đã rời xa vòng tay gia đình để xuống TP Vinh sống với cô ruột. Đến năm lớp 9, Quỳnh Anh quay về Tương Dương học tiếp chương trình cấp 3. Thời điểm đó, biến cố gia đình liên tiếp xảy ra khi mẹ vướng vào lao lý với “chuyến đi dài kéo dài 11 năm”. Gia đình bán nhà, bố và hai em trai về quê nội ở huyện Đô Lương, Quỳnh Anh phải sống một mình trong căn nhà trọ KTX ở huyện miền núi xa xôi. Mặc dù sống trong điều kiện thiếu thốn, cô đơn, tuy nhiên mọi trở ngại không khiến em từ bỏ học tập.

Trò chuyện với chúng tôi, Quỳnh Anh cho biết: “Có những thời điểm, cứ đêm xuống là em lại nằm khóc và muốn từ bỏ việc học, đi làm phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, được ông bà ngoại động viên và nói rằng “ông còn sống, ông sẽ lo cho con ăn học tử tế”. Toàn bộ số tiền lương 2 triệu đồng mỗi tháng của ông đều dành hết cho em. Đó là động lực, ánh sáng để em cố gắng mỗi ngày. Xung quanh em, bạn bè đồng trang lứa đều lấy chồng sinh con, nhiều người khuyên em đừng suy nghĩ viển vông nữa. Thế nhưng, em không muốn lặp lại vòng luẩn quẩn lấy chồng, sinh con, đói nghèo… Những năm học cấp 3 tại trường huyện, em đi thi học sinh giỏi nhiều môn, đạt giải 3 trong kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh và được bình chọn là học sinh 3 tốt cấp tỉnh. Với những thành tích của mình, em đỗ xét tuyển sớm Khoa ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Hà Nội. Đó là kỳ tích đối với học sinh miền núi có hoàn cảnh như em”. Từ bản làng xa xôi em được đặt chân đến Hà Nội, giấc mơ của em đã thành hiện thực. Mặc dù chính sách ưu tiên dành cho sinh viên dân tộc thiểu số và hộ nghèo giúp Quỳnh Anh được miễn giảm 100% học phí, thế nhưng số tiền sinh hoạt phí trang trải vẫn là bài toán khó đối với em. Chân ướt chân ráo ra Thủ đô, cô sinh viên năm nhất đã tìm ngay các trung tâm để đăng ký dạy gia sư, bán hàng vào tất cả các khung giờ trống trong tuần. Niềm vui con đường học tập chưa được bao lâu, khó khăn lại tiếp tục chồng chất khi Quỳnh Anh nhận được tin ông ngoại, chỗ dựa lớn nhất đã qua đời. Quỳnh Anh quyết định bảo lưu kết quả, tìm hướng đi khác.

Trong thời gian bảo lưu, em tìm kiếm các khóa học bổng. Dám ước mơ, không từ bỏ, tinh thần này đã giúp Quỳnh Anh chinh phục được nhiều học bổng trong thời gian sinh viên, trong đó có học bổng “Trái tim sư tử” của Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam năm 2024.

 Có câu nói em từng rất thích: “Đừng bao giờ vin vào sự nghèo khổ, bởi cái nghèo, cái khổ không đáng là lý do để các em bỏ học hoặc từ bỏ ước mơ”. Em đã đưa tất cả những điều này vào bài luận để xin học bổng.

(ỐC THỊ QUỲNH ANH)

Chạm vào vinh quang

“Tôi vừa đi thăm mẹ từ nhà tù về”. Đây là câu đầu tiên trong bài luận gửi đến ứng tuyển học bổng “Trái tim Sư tử” của Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV). Trong bài luận xin học bổng của mình, Quỳnh Anh đã thẳng thắn và dũng cảm khi đối diện với những gì mình đã phải trải qua.

Không theo bất cứ khuôn mẫu nào, Quỳnh Anh đã kể về những biến cố trong cuộc đời mình. Bằng sự chân thành thẳm sâu tận đáy lòng, câu chuyện của em đã chạm đến trái tim của Ban tổ chức. “Em đã bỏ qua mặc cảm, viết lên những trải nghiệm và cách vượt qua thực tế của hoàn cảnh. Có những thời điểm viết đi viết lại một bài luận, em mệt mỏi đến mức muốn bỏ cuộc. Có những giai đoạn thức nhiều đêm liên tiếp khiến bản thân muốn kiệt sức. Và em cũng biết ơn chính mình vì đã không bỏ cuộc. Điều em thuyết phục được ban tuyển sinh của nhà trường để giành học bổng này là sự chân thành”, Quỳnh Anh trải lòng. “Em đã tham gia dự án “Nuôi em”, một trong những dự án thiện nguyện được nhiều bạn trẻ tham gia. Có câu nói em từng rất thích: “Đừng bao giờ vin vào sự nghèo khổ, bởi cái nghèo, cái khổ không đáng là lý do để các em bỏ học hoặc từ bỏ ước mơ”. Em đã đưa tất cả những điều này vào bài luận để xin học bổng”, nữ sinh chia sẻ thêm.

Trong câu chuyện của Quỳnh Anh, cậu bạn cùng tuổi Ngô Đức Hiếu (quê ở TP Vinh) được nhắc đến với vai trò vô cùng đặc biệt. Từ sự đồng cảm về những thiệt thòi trong cuộc sống, Quỳnh Anh và Hiếu ngày càng thân nhau hơn và luôn động viên, đồng hành với nhau trong học tập. Hiếu giành được suất học bổng 1 tỉ đồng tại Đại học Anh Quốc, bạn ấy đã động viên Quỳnh Anh chinh phục học bổng và may mắn em đã đạt được. Quỳnh Anh chia sẻ, em may mắn khi được nhận sự giúp đỡ của mọi người xung quanh như nhận được suất học bổng hằng tháng của “Khù khờ học” do nghệ sĩ Lê Cát Trọng Lý trao tặng; chiếc laptop cũ được nhận từ chương trình “Được học” thuộc dự án Nuôi em. “Em hiểu rằng, con đường học tập, thoát nghèo của các em nhỏ vùng cao vô cùng khó khăn. Em muốn qua câu chuyện của mình sẽ góp phần nhỏ nhoi làm động lực cho các em, các bạn vượt qua nghịch cảnh có niềm tin, cố gắng sẽ chiến thắng.

Nói về ước mơ sắp tới, Quỳnh Anh cho biết: “Em sẽ theo học chuyên ngành Quản trị marketing của Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam. Đây là một ngành học thu hút nhiều bạn trẻ khi đăng ký tuyển sinh vào đại học bởi tính chất năng động. Ngành học này giúp em học hỏi và khám phá được nhiều điều. Dù chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn nhưng em tin đi rồi sẽ đến và làm động lực với lời trong bài hát Đường đến ngày vinh quang: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai… Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió. Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi và chúng ta là người chiến thắng, đường đến những ngày vinh quang không còn xa”.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc