Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Dân tộc - miền núi

29 Tháng Ba 2024

Học chữ Khmer ở vùng biên giới Giang Thành

Thứ Tư 25/07/2018 | 10:09 GMT+7

VH- Lớp dạy chữ Khmer tại chùa Tà Teng, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đã được duy trì hơn 10 năm nay và trở nên quen thuộc với tất cả người dân ở vùng biên giới. Cứ mỗi dịp hè về, rất đông các em học sinh tiểu học là người Khmer và đặc biệt có cả các chiến sĩ đồn Biên phòng Phú Mỹ cũng tham gia học chữ của đồng bào dân tộc Khmer.

 Các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ học tiếng Khmer cùng các em học sinh

 Từ học sinh tiểu học...

Mùa hè năm 2018, chùa Tà Teng xã Phú Lợi, huyện Giang Thành mở 5 lớp dạy chữ Khmer cho gần 130 em học sinh, chủ yếu là những em từ 6 đến 8 tuổi tại các xã Phú Lợi, Tân Khánh Hòa và Phú Mỹ tham gia. Đến đây, các em được học chương trình tiếng Khmer theo sách do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành, xuyên suốt cả 7 ngày trong tuần. Mỗi ngày có 2 ca học đều đặn.

Em Huỳnh Trần Phương Mai cho biết: Con đến đây để học chữ Khmer và tiếng. Con học tiếng để về giao tiếp với các bạn và các anh chị của con. Đến đây, thầy dạy con rất nhiều thứ, con rất vui vì học được tiếng Khmer của dân tộc mình.

Hiện lớp học có 5 giáo viên đứng lớp đều là những người dân địa phương am hiểu tiếng Khmer và có kỹ năng giảng dạy tốt, được nhà chùa vận động đến dạy miễn phí cho các em học sinh. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ đã qua đào tạo, tập huấn tiếng Khmer của Đồn Biên phòng Phú Mỹ cũng hỗ trợ nhiều cho việc giảng dạy.

Thầy Tiên Hiên dạy tiếng Khmer của lớp nói: Trong thời gian nghỉ hè của các em, tôi cùng với các sư sãi tiếp giúp việc dạy chữ cho các em. Bản thân tôi muốn các em là người Khmer biết chữ, biết đọc, biết viết để ngày sau này các em có gia đình, làm ăn tốt hơn.

Qua hơn 10 năm duy trì việc dạy chữ Khmer, chùa Tà Teng đã giúp cho hàng trăm em nhỏ là người Khmer biết được con chữ của dân tộc mình. Quan trọng hơn là đã tạo môi trường sinh hoạt tập thể, bổ ích cho các em trong dịp hè, giúp các em tránh xa những tệ nạn xã hội.

 Các em học sinh học chữ Khmer tại chùa Tà Teng, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành

... Đến chiến sĩ Biên phòng cũng học

Đồn Biên phòng Phú Mỹ nằm trên địa bàn biên giới huyện Giang Thành. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ thường xuyên phải gặp gỡ, giao tiếp cùng lực lượng, người nước bạn và đồng bào Khmer sinh sống hai bên biên giới. Chính vì vậy, việc am hiểu tiếng Khmer sẽ là lợi thế rất lớn cho công tác vận động quần chúng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Để làm tốt công tác vận động quần chúng và xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn tuyến biên giới Giang Thành, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Mỹ hiện đã và đang đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Khmer cho tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Trung úy Danh Hải, Đội trưởng đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Phú Mỹ cho biết: Nằm trên địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, việc học tiếng Khmer để trao đổi, nắm thông tin trên địa bàn là rất cần thiết. Mình nói được tiếng mà bà con hiểu được sẽ thuận lợi nhiều trong tuyên truyền pháp luật, bảo vệ biên giới.

Bình quân mỗi tuần, cán bộ, chiến sĩ sẽ dành ra ít nhất 2 buổi, mỗi buổi từ 2 đến 3 giờ đồng hồ học tiếng Khmer chung với các em nhỏ tại lớp học do chùa Tà Teng, xã Phú Lợi tổ chức. Còn lại, tranh thủ thời gian buổi tối sau khi sinh hoạt, anh em cùng nhau trao đổi, tự học. Ai đã am hiểu sẽ giảng dạy lại cho những người mới. Nội dung chủ yếu là làm sao giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu và giao tiếp được với nhân dân để tuyên truyền các chủ trương, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ đường biên, cột mốc, không buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa,…

Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Mỹ luôn tạo điều kiện thuận lợi, bố trí thời gian, phân công nhiệm vụ và phương tiện đưa đón hợp lý để các cán bộ, chiến sĩ học tập có hiệu quả. Chủ động khen thưởng những điển hình đã áp dụng tốt kiến thức vào thực tiễn công tác.

Trung tá Hà Đức Hạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Mỹ cho biết: Chúng tôi phân công những đồng chí đã được đào tạo qua các lớp tiếng Khmer do tỉnh tổ chức đã tự học trong quá trình công tác hoặc trong quá trình học tập từ nhỏ đã biết rành tiếng Khmer thì dạy lại cho cán bộ, chiến sĩ vào giờ tự học buổi tối. Đồng thời có chính sách khuyến khích các đồng chí có kết quả tốt tổ chức những hình thức giao lưu có những phần thưởng để động viên khích lệ chiến sĩ.

Nếu như trước đây, mỗi lần đi tuần tra thực tế và xuống địa bàn dân cư thường phải có người dân tộc Khmer đi chung với đoàn thì bắt đầu từ tháng 9 năm 2017 đến nay, nhờ mô hình dạy và học tiếng Khmer, hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, kể cả những đồng chí không phải người dân tộc đều có thể giao tiếp cơ bản với nhân dân bằng tiếng Khmer.

Đối với vùng biên giới huyện Giang Thành, điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ còn thiếu thốn, thì lớp học chữ Khmer vào dịp hè tại các chùa đã phần nào giúp phụ huynh yên tâm gửi con để lo công việc gia đình, thông qua lớp học còn góp phần giữ gìn nét văn hóa dân tộc. Không những thế, lớp học chữ còn giúp các chiến sĩ Biên phòng am hiểu thông thạo tiếng Khmer, sẽ là lợi thế để người dân vùng biên của huyện Giang Thành giao lưu, buôn bán dễ dàng với nước bạn Campuchia. Từ việc học tiếng, tình cảm quân dân cũng ngày càng được củng cố. Thế trận quốc phòng toàn dân trong tình hình mới được xây dựng vững chắc.

THẾ HẠNH

 

Print
Tags:

Video

© BÁO ĐIỆN TỬ VĂN HÓA
Cơ quan chủ quản: Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Giấy phép
Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19-08-2016
2018 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng biên tập: CHU THỊ THU HẰNG
Phó tổng biên tập: LƯƠNG TRUNG HIẾU
Phó tổng biên tập: PHAN THANH NAM
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top